Tắc tia sữa gây ra những cơn đau nhức kéo dài, thậm chí khiến mẹ sốt cao, việc cho con bú bị gián đoạn,… Do đó, hậu quả của nó là không nhỏ chút nào.
Tắc tia sữa mẹ trẻ phải làm gì?
Tắc tia sữa là hiện tượng thường thấy ở những bà mẹ mới sinh con. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là ống dẫn sữa bị chèn ép từ bên ngoài hoặc bị bít nên sữa không chảy ra ngoài mà đông kết lại. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như núm vú bị sưng đau, mẹ không vệ sinh cẩn thận, không vắt hết sữa thừa khiến sữa ứ đọng ở bầu vú,…
Tắc tia sữa gây ra những cơn đau nhức kéo dài, thậm chí khiến mẹ sốt cao, việc cho con bú bị gián đoạn,… Do đó, hậu quả của nó là không nhỏ chút nào. Để đề phòng vừa chữa trị tắc tia sữa, mẹ nhớ làm theo những mẹo nhỏ dưới đây:
1. Để bé sớm bú mẹ
Sau khi bé được sinh ra khoảng nửa tiếng là có thể bắt đầu cho bé bú mẹ. Như thế lượng sữa mẹ không chỉ được sản sinh nhiều hơn và phản xạ bú của bé cũng tốt hơn, tuyến sữa của mẹ sẽ nhanh chóng lưu thông. Mẹ cũng chú ý tới số lần cho con bú, từ 2-3 tiếng cho con bú một lần giúp sữa lưu thông tốt, tránh được tình trạng tắc tia sữa.
Nếu như lượng sữa mẹ quá nhiều và bé không thể bú hết, hãy sử dụng các dụng cụ hút sữa để hút sữa ra ngoài, điều này giúp mẹ tránh căng tức ngực.
2. Sử dụng phương pháp mát xa
Liệu pháp mát xa giúp giảm nhẹ tình trạng căng tức ngực. Mẹ có thể tự mát xa cho mình và điều chỉnh lực nhẹ, mạnh phù hợp với ý muốn. Sau khi rửa tay sạch, mẹ dùng tay ôm lấy bầu ngực, dùng lực vừa phải xoa bóp xung quanh tiến dần về phía nhũ hoa, động tác này giúp lưu thông tuyến sữa, giảm nhẹ phù nề. Trong quá trình mát xa, nếu như phát hiện ra ở một vùng nào đó đặc biệt đau, mẹ có thể nhẹ nhàng dùng lực ấn xuống, đẩy sữa ra ngoài, điều này giúp tránh tắc sữa liên tục ở chính chỗ đó, đề phòng được viêm tuyến sữa.
3. Sử dụng dụng cụ hút sữa
Nếu như vì lý do nào đó mà trẻ không thể nào bú được sữa mẹ, vậy mẹ có thể lựa chọn phương án sử dụng dụng cụ hút sữa. Khi lựa chọn dụng cụ, mẹ hãy chú ý tới lực hút phù hợp để không cảm thấy quá đau. Lời khuyên dành cho mẹ là nên lựa chọn loại dụng cụ có thể điều tiết lực hút linh hoạt, có thể điều chỉnh áp lực và tốc độ phù hợp với hoàn cảnh thực tế đang sử dụng. Khi sử dụng dụng cụ này, mẹ cũng cần đặc biệt chú ý tới vấn đề vệ sinh, đặc biệt là vùng da ở bầu ngực rất dễ bị xước, phòng tránh vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Mỗi lần cho con bú và hút sữa xong, mẹ đều cần lau sạch đầu ngực.
Nếu như mẹ sớm có hiện tượng nứt nhũ hoa, cần phải có biện pháp làm sạch và xử lý gấp, đồng thời, mỗi lần sau khi cho con bú, mẹ có thể bôi sữa đó vào đầu ngực, lâu dài có thể giúp giảm nhẹ tình trạng nứt nẻ ở nhũ hoa.
4. Lựa chọn áo ngực cỡ lớn có tác dụng nâng đỡ
Những bộ ngực bị căng tức, chảy xệ có thể được nâng đỡ tốt với chiếc áo ngực mềm mại cỡ lớn. Chiếc áo ngực phù hợp không chỉ giúp mẹ có thể cải thiện vòng tuần hoàn máu, có tác dụng tốt trong việc bảo đảm lưu thông tuyến sữa, giảm tích tụ sữa ở bầu ngực, xoa dịu các cơn đau mà vẫn đảm bảo vóc dáng của mẹ. Xin chú ý, những ai mới làm mẹ không nên mặc áo ngực quá chật, điều đó sẽ gây ức chế tiết sữa, khiến lượng sữa ra không đều.
5. Chườm nóng và chườm lạnh
Chườm nóng có thể giúp sữa trong tuyến sữa nhanh chóng được lưu thông, tình trạng viêm tắc tia sữa được cải thiện. Trước khi cho con bú, mẹ có thể dùng khăn được thấm nước ấm, đặt lên bầu ngực vài phút rồi sau đó xoa bóp nhẹ nhàng, vỗ nhẹ xung quanh. Động tác này giúp mềm ngực, giảm nhẹ cảm giác căng tức.
Ngoài ra mẹ cũng có thể thực hiện động tác tương tự với khăn thấm nước lạnh để làm giảm đi những cơn đau. Đặc biệt ghi nhớ cần hút sữa ra trước rồi mới thực hiện chườm lạnh.
6. Sử dụng thực phẩm để điều tiết tình trạng tắc sữa
Mẹ nên bảo đảm có khẩu phần ăn phù hợp trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Mẹ nên ăn nhạt, không ăn thức ăn quá nhiều dầu mỡ, không uống quá nhiều các loại canh lợi sữa để tránh tình trạng sữa quá nhiều mà không chảy ra ngoài được. Những thực phẩm có hàm lượng protein, chất béo cao cũng chỉ nên dùng với lượng phù hợp.
7. Ngâm bằng nước ấm
Khi mẹ thấy mình có tình trạng tức ngực, mẹ có thể sử dụng phương pháp ngâm bầu ngực trong nước ấm để làm giảm nhẹ cơn đau tức. Hãy bắt đầu bằng việc chuẩn bị một chậu nước ấm, đặt lên trên đầu gối sau đó uốn gập người xuống để ngực ngập trong chậu nước ấm, nhẹ nhàng lắc bầu ngực, lợi dụng trọng lực để sữa có thể chảy ra dễ dàng hơn.
Hy vọng những lời khuyên nhỏ trên đây có thể giúp mẹ thoải mái hơn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong suốt 6 tháng đầu đời.