Mỗi quốc gia trên thế giới có một phong tục tập quán khác nhau, thể hiện trong các sinh hoạt hàng ngày mà điển hình là bữa ăn. Trước khi có quyết định du lịch nước nào, các bạn nhớ phải tìm hiểu kỹ thói quen nước đó để tránh nhé!
Ăn uống không đơn giản là hoạt động tiếp thêm nguồn sống của con người mà sâu xa hơn nó còn cho thấy cách ứng xử, văn hoá của con người, văn hóa của mỗi quốc gia. Có những phong tục là bình thường ở nước này lại trở nên không hay khi du lịch tới một quốc gia khác. Hãy cùng tìm hiểu những nguyên tắc ăn uống nào cần tránh để “nhập gia tùy tục” khi đi du lịch nước ngoài.
1. Rót nửa tách trà ở Dubai và Kazakhstan
Trái với suy nghĩ của chúng ta, khi mời trà một người nào đó thì sẽ rót gần đầy ly tách để tỏ ý mong muốn được mời họ trò chuyện lâu cùng mình. Nhưng người Dubai và Kazakhstan sẽ không hài lòng khi bạn rót đầy tách trà cho họ bởi vì đầy tách sẽ có ý nghĩa “mời bạn uống nhanh và rời đi”, như vậy bị đánh giá là thiếu lịch sự. Bạn nên rót nửa cốc trà hoặc ít hơn để tạo cảm giác về một cuộc trò chuyện thú vị và bạn muốn kéo dài cuộc hẹn này. Cốc trà đầy mang sẽ mang hàm ý “đã đến lúc cuộc trò chuyện này nên dừng lại rồi”.
2. Không rửa bình trà quá sạch ở Trung Quốc
Nếu có dịp được mời đến nhà một người bạn nào đó ở Trung Quốc, thì bạn đừng xông xáo đi rửa ấm trà bằng các loại nước tẩy rửa nhé, sẽ làm phật lòng gia chủ đấy. Lý do không chỉ là hóa chất từ các loại nước tẩy rửa sẽ làm hỏng men của ấm, mà theo phong tục Trung Quốc, ấm trà cũng có “linh hồn”. Vì thế, thay vì rửa sạch chúng bằng hóa chất coi như đã “giết chết” linh hồn và làm cho việc uống trà không còn nhiều ý nghĩa. Nếu muốn giúp thì hãy bạn nên rửa bằng nước sạch hoặc loại cát đặc biệt dùng cho việc này nhé!
3. Không nên yêu cầu thêm phô mai ở Ý
Mặc pizza, mỳ Ý theo nguyên bản luôn phủ một lớp phô mai béo ngậy nhưng khi đến với Ý, tốt nhất là bạn không nên yêu cầu thêm phô mai thêm vào món ăn. Dù bạn đã từng đi Ý và yêu cầu thêm phô mai cho món ăn của mình mà không có bất kỳ sự cản trở nào thì bạn cũng phải hiểu rằng việc xin thêm phomai này trong văn hóa địa phương được ví như “không hài lòng” với đầu bếp. Người Ý sẽ hiểu là món ăn này dở và bạn muốn thay đổi nó.
4. Không yêu cầu muối và hạt tiêu ở Bồ Đào Nha hoặc Ai Cập
Tương tự như xin thêm phô mai ở Ý thì ở Bồ Đào Nha và Ai cập bạn nên hạn chế xin thêm muối, hạt tiêu nhé. Điều này sẽ làm các đầu bếp sẽ “buồn lòng” vì nghĩ họ chưa làm tốt phần việc của mình và bạn phải thay họ làm nốt. Tuy vậy, ở đây họ thường sẽ chuẩn bị sẵn 2 loại gia vị này trên bàn, khi đó bạn chỉ cần lẳng lặng thêm vào, thay vì yêu cầu với bồi bàn đấy.
5. Không đưa nĩa thẳng vào miệng ở Thái Lan
Trước khi nĩa và thìa được du nhập vào Thái Lan, người dân đất nước này thường dùng… chính bàn tay của mình để ăn uống. Cho đến khi được vua Chulalong-korn mang về Thái, người dân mới bước sang một “kỷ nguyên ăn uống” mới.
Người Thái coi chiếc dĩa là dụng cụ hỗ trợ cho thìa nên khi ăn việc dùng nĩa đưa thẳng thức ăn vào miệng được coi là một hình ảnh không đẹp. Bạn nên đưa thức ăn từ nĩa vào muỗng, rồi đưa vào miệng.
6. Không ăn sạch đồ ăn ở Trung Quốc
Ở các nước phương Tây, việc ăn hết sạch đồ ăn được đánh giá cao vì lịch sự và tôn trọng đầu bếp. Nhưng ngược lại, ở một số quốc gia châu Á, nhất là Trung Quốc, bạn sẽ bị đánh giá là bất lịch sự khi ăn hết sạch-sành-sanh đồ ăn trong bát bởi bát đĩa trống sau khi ăn mang hàm ý “trách cứ” đầu bếp không phục vụ đủ lượng thức ăn và khiến bạn bị đói. Do đó, dù món ăn có ngon thế nào thì nên để dư lại một ít thức ăn. Nhưng bạn không nên “bỏ mứa” vì như vậy rất lãng phí thức ăn và sẽ bị coi là thô lỗ.
Ngoài ra, tiếng ợ sau khi dùng bữa là một cách thể hiện lời khen về đồ ăn ngon đối với chủ nhà. Mặt khác, ở phía nam Trung Quốc, việc lật cá sau khi ăn hết thịt một mặt bị coi là việc làm mang đến điềm gở, sự xui xẻo. Vì vậy, bạn chỉ nên ăn một mặt sau đó gỡ phần xương ra và ăn phần thịt bên dưới.
7. Nghi thức uống trà cầu kỳ ở Anh
Phong tục uống trà người Anh không chỉ ở mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà ngay cả các cơ quan, tập thể đều có một giờ uống trà nhất định, được gọi là tea breaks – giờ trà, thường là vào lúc 17h mỗi ngày. Nhưng đây không phải là tất cả nghi thức cầu kỳ của họ.
Đầu tiên, họ thường pha trà trong ấm bằng sứ và không đun sôi nước cùng chè trong một thời gian lâu, mà quan trọng là trong khi pha phải đổ nước đun sôi tinh khiết lên lá chè rồi hãm trong vòng vài phút. Để tăng thêm vị đậm đà cho chén trà, hầu hết người Anh khi uống đều kết hợp với một lượng sữa hay đường. Thứ hai, họ thích một cốc trà mát, không nóng nhưng cũng không cho thêm đá. Thứ ba, người Anh thường khuấy tách trà rất nhẹ nhàng và tuyệt đối không phát ra âm thanh ồn ào.
8. Hãy cẩn thận khi dùng đũa
Tương tự như Việt Nam và một số quốc gia phương Đông khác như Nhật Bản, Trung Quốc… việc cắm đũa thẳng xuống bát cơm đầy được coi là một điềm gở vì nó gợi nhắc đến đám tang và điều không may mắn. Còn ở quán ăn, nhà hàng, hành động này của nhân viên được xem là xúc phạm khách ăn.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên chuyền thức ăn từ đũa người này sang đũa người khác bởi nó giống với nghi thức khi hỏa táng người chết. Bạn nên đặt món ăn xuống đĩa hoặc bát, sau đó gắp tiếp.
Việc đi du lịch nước ngoài trong thời buổi hiện nay không còn nhiều khó khăn nữa. Bởi không cần quá nhiều tiền, đơn giản chỉ xin một tấm hộ chiếu, săn vé máy bay thật rẻ, rồi cứ thế xách balo lên và đi mà trải nghiệm một cách tiết kiệm. Đúng là tuổi trẻ vẫn cần những phút giây hoang dại nhưng giàu nhiệt huyết như thế. Tuy nhiên, nếu đơn giản chỉ đi mà không tìm hiểu kỹ càng về phong tục tập quán của điểm đến thì chuyến đi của bạn sẽ đem lại cho bạn nhiều rắc rối đấy!
Ảnh: Internet
Theo bestie