Nhà vô địch Hoàng Xuân Vinh vừa đưa thể thao Việt Nam lên đỉnh cao thế giới với HCV Olympic chói lọi, nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng trước anh, đã từng có một xạ thủ Việt Nam khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ với kỷ lục thế giới mà mình lập được – Trần Oanh.
Tuy nhiên, những vinh quang thể thao của ông bị che lấp bởi nỗi buồn, niềm đau và sự khốn khó đến tận cùng suốt hơn 10 năm cuối đời. Cái kết tuyệt đối buồn cho một nhà vô địch tuyệt đối của thể thao Việt Nam.
Những ngày cuối đời đầy xót xa
Rời khẩu súng đã từng chinh tây phạt bắc khắp thế giới, nhà vô địch lừng lẫy Trần Oanh lặng lẽ trở về quê, nơi góc biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa), hàng ngày đánh te (bắt tép), uống rượu. Nhiều đồng đội, bạn bè gặp ông đều bật khóc trước gia cảnh khốn khó và 6 đứa con không đủ ăn.
Hàng trăm tấm huy chương trong nước và quốc tế được người lính già đưa về cho trẻ con chơi. Mến tài ông, phó trưởng Ty Thể thao Thanh Hóa Cao Đình Tiếp về tận quê mời ông lên huấn luyện cho đội tuyển bắn súng tỉnh với tiền bồi dưỡng tương đương 6kg gạo/ngày, giúp ông nuôi gia đình.
Đấy là năm 1975. Mười năm sau, ông vĩnh viễn rời bỏ cõi đời, bỏ lại sáu người con được đặt tên theo các nước ông đã từng đặt chân đến ngày còn thi đấu: Đức, Việt, Tiệp, Hoa (Trung Hoa), Ba (Cuba) và cô con gái út tên Yến vẫn phải sống trong khốn khó.
Suốt bảy năm trời, ngôi mộ của tay súng vô địch thế giới nằm cô đơn trên một gò hoang bên bãi biển xã Hải Yến, Cho đến năm 1992, cục trưởng Cục TDTT Dương Nghiệp Chí và lãnh đạo Sở TDTT Thanh Hóa hỗ trợ 4,5 triệu đồng, di dời mộ phần ông về chân núi Chuột.
Phần thưởng không tưởng cho nhà vô địch thế giới
Kể từ khi vác súng lên đội tuyển bắn súng quân đội năm 1956, xạ thủ Trần Oanh luôn là cánh chim đầu đàn của bắn súng Việt Nam, tham dự các giải thể thao quân đội các nước XHCN được tổ chức hằng năm.
Tháng 7 năm 1962, Trần Oanh cùng 11 vận động viên đại diện cho Việt Nam tham dự giải bắn súng quân đội các nước XHCN tại Plezen (Tiệp Khắc cũ), với sự góp mặt của 15-16 nước trên khắp thế giới cùng hàng trăm tay súng đỉnh cao.
Ở loạt bắn thứ 10 của môn súng ngắn ổ quay, tình thế cực kỳ gay cấn khi các xạ thủ của Liên Xô cũ, CHDC Đức bắn được 585 điểm, đến lượt xạ thủ Tiệp Khắc vượt qua với 586 điểm – san bằng kỷ lục thế giới tại thời điểm đó.
Cả trường bắn chỉ còn trơ mỗi Trần Oanh bắn cuối. Xạ thủ chân đất miền biển giương súng. Năm viên đạn cuối cùng đều găm trúng vòng 10, hoàn tất loạt bắn 30 viên đều đi trúng vòng 10, ghi 587 điểm, phá kỷ lục thế giới do đại úy McKlein của Mỹ lập tại giải VĐTG vài năm trước.
Khi xạ thủ Trần Oanh hạ súng xuống, tất cả mọi người trong trường bắn, không ai bảo ai đổ xô vào công kênh tay súng vừa lập thành tích lừng lẫy địa cầu.
Với thành tích không tưởng trên đỉnh thế giới, nhà vô địch thế giới Trần Oanh khi về nước được thưởng hẳn… 3 ngày phép, mượn xe đạp từ Sơn Tây về Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thăm gia đình.
Sửa súng giữa trường bắn
Năm 1966, xạ thủ Trần Oanh lại một lần nữa lập công lớn với chức vô địch môn súng ngắn bắn chậm cùng thành tích 574 điểm, góp công lớn vào thắng lợi của đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao GANEFO châu Á lần thứ nhất.
Ngay ngày về nước (19/12/1966), Trần Oanh cùng một số đồng đội được gặp Bác Hồ, và ông là một trong bốn người được Bác tự tay gắn tấm huy hiệu mang tên Người.
Nhưng câu chuyện mà những đồng đội cùng thời như ông Trương Bỉnh Di, Phạm Thảo, Nguyễn Đinh Quý, Trần Đình Mấn… nhớ nhất về xạ thủ nổi tiếng này là câu chuyện ở giải bắn súng hữu nghị quốc tế mở rộng tại Bắc Kinh một năm sau đó.
Trong số những vận động viên tham dự, có xạ thủ khét tiếng người Trung Quốc Trương Hùng, đang giữ kỷ lục châu Á môn súng ngắn bắn chậm 50 viên với thành tích 553 điểm.
Thời gian cuộc thi là hai tiếng rưỡi, trong đó có một tiếng bắn thử. Chẳng hiểu sao Trần Oanh cứ giơ súng lên là đạn lại nổ do cướp cò, 15 viên bắn thử thì hỏng đến 11 viên. Thời gian bắn thử đã hết mà súng thì vẫn hỏng.
Trần Oanh suy nghĩ hồi lâu, rồi đưa ra một quyết định bất ngờ và gây kinh ngạc – tháo súng ra sửa ngay tại bệ bắn. Mười phút ông sửa khẩu Iji cổ lỗ là 10 phút dài như thế kỷ với HLV và đoàn bắn súng Việt Nam.
Lắp súng vào, từng phát đạn lại ngoan ngoãn đi đúng theo đường ngắm của xạ thủ dạn dày kinh nghiệm và hết mực tài năng. Hết lượt bắn, Trần Oanh ghi 554 điểm, vượt kỷ lục châu Á lúc bấy giờ và xuất sắc giành ngôi vô địch.
Hiện tại, mộ phần của cố xạ thủ Trần Oanh đã được di dời về nghĩa trang Cồn Choàn, xã Hải Yến, và dự định sẽ được di dời thêm lần nữa về nghĩa trang xã Hải Yến mới. Bà Cao Thị Sang – vợ ông và con cháu hiện sống trong căn nhà thuộc khu tái định cư Nguyên Bình, xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.