Đang có dự thảo xóa sổ xăng A92 tại 7 tỉnh thành. Vậy vì sao lại xóa sổ xăng A92? Loại xăng nào sẽ thay thế cho A92? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Theo Người Lao Động đưa tin, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp, tổng đại lý xăng dầu trên địa bàn đang thảo luận về lộ trình triển khai việc thay thế hoàn toàn xăng A92 tại hơn 514 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong thành phố. Thay vào đó, nhân vật được lựa chọn thay thế là xăng sinh học E5.
Tuy nhiên, không ít người thắc mắc về lý do xăng A92 bị loại bỏ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời.
Sự khác biệt của xăng A92 và xăng A95
Xăng là một trong những thành phẩm của quá trình chưng cất dầu mỏ, được sử dụng như một loại nhiên liệu, chất đốt cho các phương tiện có động cơ đốt trong, hoặc một số vật dụng như bật lửa, lò sưởi…
Xăng mà chúng ta đang sử dụng là xăng thành phẩm có các chỉ số chất lượng nhất định, phù hợp với từng loại động cơ. Một trong những tiêu chí để phân biệt là chỉ số octane – biểu hiện tính chống kích nổ của xăng.
Chỉ số octane càng cao, tính chống kích nổ càng cao. Đây cũng chính là ý nghĩa của con số trong tên gọi của xăng: xăng A92 (hay RON 92) có chỉ số octane bằng 92. Tương tự, xăng A95 (hay RON 95) có chỉ số octane bằng 95.
Việc sử dụng xăng A92 hay A95 có quan hệ mật thiết với tỉ số nén động cơ đốt trong. Các phương tiện có tỉ số nén động cơ dưới 9/1 (thường là các loại xe số như Honda Dream, Wave, Jupiter…) cần sử dụng xăng A92, còn các loại xe số tự động (còn gọi là xe tay ga) có tỉ số nén trên 9.5/1 nên thường sử dụng xăng A95.
Việc xe có tỉ số nén thấp sử dụng xăng có chỉ số octane cao sẽ khiến xăng không cháy hết, gây hao hụt nhiên liệu, giảm công suất, đồng thời gây hiện tượng đóng cặn khiến máy mau hỏng.
Ngược lại, xe có tỉ số nén cao sử dụng xăng A92 có thể gây hiện tượng kích nổ – xăng bùng cháy trước khi bugi đánh lửa, gây hao hụt năng lượng, gây nóng máy, giảm hiệu suất, rất có hại cho động cơ.
Loại bỏ xăng A92 và “kẻ thay thế” sinh học E5
Xăng A92 hay xăng A95 về bản chất đều là xăng khoáng, tức là lấy từ nhiên liệu hóa thạch. Các nhiên liệu hóa thạch chứa hàm lượng cacbon và hydrocacbon cao – được tạo thành bởi quá trình phân hủy kỵ khí của các sinh vật chết bị chôn vùi cách đây hơn 300 triệu năm. Sản phẩm tạo thành sau khi đốt cháy nhiên liệu bao gồm khí CO2 và CO – những khí rất có hại cho môi trường.
Mặt khác xăng E5 chính là xăng A92 trộn lẫn 5% ethanol có nồng độ 99,5%. Ethanol trong xăng được điều chế từ các hợp chất có nguồn gốc từ động thực vật, như chất béo, ngũ cốc, chất thải nông nghiệp (rơm, rạ)…
Theo các nghiên cứu, xăng sinh học E5 khi đốt cháy có mức khí thải độc hại thấp hơn hẳn so với các loại nhiên liệu hóa thạch thông thường.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, nhờ có hàm lượng Oxy cao hơn xăng thông dụng, quá trình đốt cháy bên trong động cơ diễn ra hiệu quả hơn, giúp tăng công suất động cơ, đồng thời giảm tiêu hao nhiên liệu.
Về các chỉ số an toàn, do chỉ số octane trong ethanol cao hơn so với xăng thông thường, nên chỉ số octane thành phẩm của xăng E95 sẽ rơi vào mức 93-94.
Điều này có lợi khi chủ yếu các phương tiện tại Việt Nam có tỉ suất nén lớn hơn 9/1. Việc sử dụng xăng A92, dù ít hay nhiều cũng gây hiện tượng kích nổ, hao mòn máy và giảm hiệu suất động cơ.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, đối với các loại xe sử dụng động cơ loại cũ (trước năm 1993) – axit trong xăng sinh học có thể gây ảnh hưởng đến các zoăng cao su, nhựa, polymer của động cơ.
Nhưng với các xe có động cơ sản xuất sau năm 1993 thì điều này gần như là không xảy ra. Lý do là bởi vật liệu của động cơ, đặc biệt là hệ thống cung cấp nhiên liệu đã được cải tiến.
Chính vì vậy axit trong xăng không thể gây ảnh hưởng lên động cơ. Hơn nữa, trong quá trình đốt, loại xăng này không hề gây ra một phản ứng phụ nào khác.
Một số nước trên thế giới đã sử dụng xăng sinh học từ lâu. Mỹ đã đi tiên phong trong việc pha ethanol làm chất phụ gia cho xăng, với loại E10 (10% cồn) vào năm 2005 hay năm 2008 Thái Lan thậm chí đã sử dụng E10 và E20 (10 và 20% ethanol).
Tạm kết:
Trước bối cảnh nguồn tài nguyên dầu mỏ đang dần cạn kiệt và môi trường thiên nhiên bị tàn phá, việc sử dụng xăng sinh học là một xu hướng cần thiết.
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, xăng sinh học sẽ trở thành nguồn nhiên liệu chính thay thế cho nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần.