Nói về thành công của một doanh nghiệp, không thể không nói đến bản lĩnh và trí tuệ của người đứng đầu. Ở Vingroup thì điều này càng rõ. “Dấu ấn Phạm Nhật Vượng” hiển hiện ở mọi mốc son của Tập đoàn này. Ông thực sự là một thuyền trưởng tài ba được mọi nhân viên và xã hội tôn trọng ở cả tâm và tầm.
Vingroup không phải là nhà đầu tư BĐS đầu tiên ở Hà Nội, Sài Gòn, nhưng chỉ khi họ thực sự tham gia với hàng chục dự án đô thị lớn mang thương hiệu Vinhomes thì thị trường địa ốc ở 2 thành phố hàng đầu đất nước này mới thực sự trở nên chuyên nghiệp. Hàng loạt các thành phố, thị xã “tỉnh lẻ” cũng tạo được sức bật mới với sự tham gia đầu tư về du lịch, khu đô thị, siêu thị của Vingroup.
Sự sang trang và chuyển mình mạnh mẽ của du lịch Nha Trang – Khánh Hòa hay Phú Quốc… đều có dấu ấn đậm nét của thương hiệu Vinpearl.
Thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam đã có từ lâu nhưng vẫn ì ạch trong việc tìm đường phát triển. Chỉ đến khi những chuỗi TTTM Vincom Center, Vincom Mega Mall, các thương hiệu bán lẻ Vinmart, Vinmart+, Vinpro hay dịch vụ TMĐT Adayroi… xuất hiện thì người ta mới tìm thấy một đối trọng Việt Nam cho cuộc chiến cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài trên sân nhà.
Câu chuyện về nông nghiệp sạch cũng đã được bàn từ lâu và cũng có nhiều “đại gia” nhìn thấy tiềm năng ở đó. Nhưng khi VinEco ra mắt, lập tức nó trở thành trào lưu được quan tâm thúc đẩy.
Với giáo dục và y tế, các chuyên gia đã bàn lên bàn xuống về việc phải hình thành một khái niệm thị trường và xã hội hóa đúng nghĩa thay vì đặt trọn gánh nặng trách nhiệm lên vai Nhà nước. Và Vingroup đã làm sáng tỏ thêm điều này bằng hành động thiết thực khi phát triển Vinschool và Vinmec.
Dẫn chứng dài dòng như vậy, để thấy giá trị, bản lĩnh và sức lan tỏa của một thương hiệu dẫn đầu.
Cho đến hôm nay, Vingroup đã có 23 năm xây dựng và phát triển. Từ một doanh nghiệp nhỏ mang tên Technocom ở xứ người, giờ đây, Vingroup đã thành một tập đoàn đa ngành, một thương hiệu quốc gia đúng nghĩa. Nếu như đầu những năm 2000 khi trở về Việt Nam, tổng tài sản của Vingroup cũng chỉ ngàn tỷ với dăm ba dự án (dù lúc đó đã được coi là “khủng”) thì giờ đây, tổng tài sản của tập đoàn đã lên tới gần 6 tỷ đô la với số lượng “dự án triệu đô” tính sơ sơ cũng đã cả trăm. Còn nếu định giá thì giá trị Vingroup chắc chắn sẽ còn cao hơn rất nhiều, bởi chỉ tính riêng giá trị thương hiệu của Vinhomes đã lên đến hơn 300 triệu đô la Mỹ.Nói về thành công của một doanh nghiệp, không thể không nói đến bản lĩnh và trí tuệ của người đứng đầu. Ở Vingroup thì điều này càng rõ. “Dấu ấn Phạm Nhật Vượng” hiển hiện ở mọi mốc son của Tập đoàn này. Ông thực sự là một thuyền trưởng tài ba được mọi nhân viên và xã hội tôn trọng ở cả tâm và tầm.
Có một câu chuyện doanh thương kinh điển: Công ty kinh doanh giày nọ cử 2 nhân viên sang một nước ở châu Phi để tìm thị trường mới. Một thời gian sau, Công ty nhận được hai báo cáo. Một bức ghi “Ở đây không thể bán được giày vì chưa thấy ai đi giày”, bức kia ghi “Ở đây có thể bán được rất nhiều giày vì chưa thấy ai đi giày”.
Với Phạm Nhật Vượng, bức điện thứ hai đã đúng. Ông là người đã nhìn ra tiềm năng của thị trường thực phẩm ăn nhanh ở Ucraina thời hậu Xô Viết, còn đầy rẫy khó khăn, nghèo nàn. Từ cơ hội ấy, với vỏn vẹn 10 nghìn USD vay mượn, Phạm Nhật Vượng đã đưa “những gói mì kỳ diệu” MIVINA đến với người dân xứ Biển Đen như một cứu cánh. Để chỉ trong 3 năm, Technocom của ông đã thành “vua thực phẩm ăn nhanh” và Mivina thì trở thành tên gọi chung cho mì ăn liền, giống như ở Sài Gòn, mọi thứ xe máy đều gọi là “xe Honda”.
Vậy nhưng, phải nói thật, không mình ông Phạm Nhật Vượng nhận ra “miếng bánh” này, rất nhiều người Việt khi đó cũng mở xưởng, mở công ty làm mì, nhưng với 85% thị phần trong tay, tài năng của Phạm Nhật Vượng đã khiến rất nhiều người “tâm phục khẩu phục”… xách va li về nước.
Câu chuyện tương tự vào đầu những năm 2000, khi thị trường BĐS và Du lịch Việt Nam mới bắt đầu chuyển mình và nền kinh tế thì giống như một gã trai 17. Cơ hội dành cho mọi người. Cả nước như một đại công trường. Trong khi nhiều doanh nghiệp lao vào “gặt hái”, xây lấy được, bán lấy được thì tỷ phú Phạm Nhật Vượng chỉ đạo các cộng sự của mình làm tốt, ăn chắc, lấy chữ tín làm đầu để tạo dựng thương hiệu đẳng cấp.
“Đường dài mới biết ngựa hay”, khi BĐS hụt hơi, hàng ngàn dự án đắp chiếu, kéo theo là nhiều “đại gia” vênh vang một thời giờ nằm co chờ ngày phá sản, thì hàng chục “siêu dự án” được “made by Vingroup” vẫn không chậm tiến độ một ngày, vẫn tấp nập người mua, các công trường vẫn ầm vang tiếng máy và Vingroup thì ngày càng phát đạt, toan tính chuyện xa hơn.
Để có được và chỉ huy được một “chiến hạm” như Vingroup với hàng trăm dự án “khủng” về nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư gần bằng 10% GDP một năm của cả nước, với nhân sự lên đến hơn ba chục ngàn người…, nếu chỉ dựa vào “may mắn” thì có lẽ là không phải?!
Không “dài dòng văn tự”, Hệ giá trị cốt lõi của Tập đoàn Vingroup nơi ông Phạm Nhật Vượng đứng đầu chỉ vỏn vẹn 6 chữ: Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân. Ở đây không nói về cái tài, cái lạ từ góc nhìn thương hiệu mà có thể thấy đấy là sự khái quát tuyệt vời về một đẳng thức của thành công. Chả cần Vingroup, chả cần ông Vượng, ai theo đuổi được cái “kim chỉ nam” này thì ắt sẽ thành công. Vấn đề là ai làm nổi?
Không biết sau này thế nào nhưng đến giờ, Phạm Nhật Vượng và Vingroup đã làm được. Bạn bè và đối tác ca ngợi ông Vượng là người tín nghĩa, đã nói là làm. Vingroup của ông là doanh nghiệp hiếm khi nào sai lời, sai hẹn. Ông Vượng có một câu nói với nhân viên rất hay “Hãy là một cá nhân được tôn trọng trong một hệ thống được tôn trọng”, và để làm điều đó, chữ Tín phải đặt lên hàng đầu.
Với chữ Tâm của vị doanh nhân này thì đã nhiều người biết, dù chẳng bao giờ tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói ra. Quỹ Thiện tâm do ông thành lập và tài trợ, mỗi năm chi hàng trăm tỷ đồng cho từ thiện nhưng tuyệt nhiên không bao giờ “khua chiêng gõ mõ”; thậm chí khi kết hợp với các báo, còn đề nghị “mong các anh đừng tuyên truyền”. Chữ Tâm của Vingroup, của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn là tự trọng với những gì mình làm ra và là trách nhiệm với khách hàng, là sự phục vụ từ trái tim.
Với chữ Trí, có lẽ cũng không cần phải nói bởi những thương vụ đầu tư hiệu quả, những sản phẩm dịch vụ tinh hoa mang đẳng cấp 5 sao quốc tế nhưng vẫn đầy tinh thần văn hoá Việt đã nói lên tất cả.
Chữ Tốc là điểm mạnh “vô đối” làm nên thương hiệu “họ nhà Vin”. Người ta không thể tưởng tượng nổi, bằng cách nào mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể chỉ huy lực lượng của mình xây quần thể Vinpearl ngoài đảo Hòn Tre khắc nghiệt trong hoàn cảnh “khai hoang mở đất” chỉ trong vòng 18 tháng. Có cây đèn thần nào không mà Khu đô thị Vincom Village, hơn 180 ha, hoàn thành cơ bản để đưa vào sử dụng sau chỉ hơn 7 tháng và Vinpearl Phú Quốc hoành tráng cũng chỉ hoàn thành sau ngót nghét một năm.
Chữ Tinh thì khỏi phải bàn. “Lò lửa” Vingroup “luyện” nhân sự “khủng khiếp” đến mức người ta đồn rằng, đã làm ở đây ra, đến làm việc nơi khác, mọi chuyện đều thấy nhẹ nhàng. Trong hoạt động kinh doanh cũng vậy, Vingroup chọn cho mình phân khúc cao cấp ở mọi sản phẩm dịch vụ. Người Vingroup có câu “Con người 5 sao, sản phẩm – dịch vụ 5 sao”.
Còn về chữ Nhân, người Vingroup giải thích: Thiên thời, địa lợi là do vận may, do yếu tố bên ngoài tác động, nhưng việc thu phục nhân tâm, gây dựng nhân hòa lại là điều hoàn toàn trong tầm tay của chính chúng ta. Và Vingroup tạo dựng “Nhân hòa” trên cơ sở công bằng, chính trực và rộng lượng; nêu cao tinh thần đồng đội, sức mạnh đoàn kết, tính kỷ luật và lòng trung thành; đồng thời đóng góp tích cực vào các hoạt động hướng về cộng đồng, thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân và niềm tự hào dân tộc.
Ngày 8/8 năm nay, Vingroup kỷ niệm 23 năm thành lập. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng chọn khẩu hiệu mới cho Tập đoàn là “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Ngẫm kỹ thì thấy đó là câu khẩu hiệu hay, đúng và phù hợp hơn cả cho Vingroup.
Trong một cuốn sách mang tên “Quốc gia khởi nghiệp – Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel”, Saul Singer và Dan Senor có viết một câu rất hay rằng: “Quốc gia khởi nghiệp luôn cần những doanh nghiệp, doanh nhân giữ mãi tinh thần khởi nghiệp”.
Ngẫm về thành công của Vingroup, ta cũng thấy rằng, thành công của họ đến từ khát vọng tiên phong, khát vọng chinh phục và cống hiến.
Mang triết lý của những người gieo hạt, người Vingroup biết tạm quên đi những thành công để bước tiếp; biết gác lại niềm vui của một mùa vàng bội thu để lại “cuốc bẫm, cày sâu”, chuẩn bị cho những mùa vụ mới. Bằng cách ấy, họ giữ mãi nhiệt huyết của tinh thần khởi nghiệp!
Theo khoevadep