Muốn đi trước những phương tiện khác đang đợi phía trước, không ít người tham gia giao thông đã nghĩ ra kế là “leo” xe lên vỉa hè để có thể tiếp tục đi.
Hành vi “leo” xe lên vỉa hè để đi khi tắc đường là tình trạng chúng ta vẫn thường gặp phải. Những năm gần đây, khi lưu thông trên những con đường ở Việt Nam ta dễ dàng nhìn thấy hành vi thiếu văn hóa giao thông là “leo” lên hẳn vỉa hè để đi.
Tại thủ đô Hà Nội, nơi mà nạn kẹt xe là chuyện thường xuyên như cơm bữa thì ta không khó để nhận ra thành phần hỗn loạn, lộn xộn nhất chính là những người đi xe máy.
Đặc biệt, khi vào giờ tan tầm lượng phương tiện tăng cao, để không phải chờ tín hiệu đèn đỏ và muốn đi trước những phương tiện khác đang đợi phía trước, không ít người tham gia giao thông đã nghĩ ra kế là “leo” xe lên vỉa hè để có thể tiếp tục đi.
Theo quan sát của PV, trên nhiều tuyến đường như Hồ Tùng Mậu, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng… việc các phương tiện “leo” lên vỉa hè mà đi vốn dĩ không còn xa lạ. Nó như trở thành một thói quen và trở nên hết sức bình thường. Mặc dù vỉa hè nhiều nơi cao hơn so với mặt đường gần 20 cm nhưng các chủ phương tiện vẫn cố “về số, tăng ga” để cho chiếc xe vượt qua một cách nhanh nhất có thể.
Những người chạy xe máy trên vỉa hè thường đổ lỗi cho hạ tầng giao thông kém và cho rằng cũng không thấy ai bị phạt bởi vi phạm này.
Nhiều người phản đối cho rằng việc chạy xe máy lên vỉa hè không những nguy hiểm cho người đi bộ, gây mất mỹ quan đô thị mà còn thể hiện ý thức kém và góp phần làm hư vỉa hè. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng nếu xe máy có đường để chạy thì không ai đi lên vỉa hè làm gì.
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng – 400.000 đồng nếu:
– Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình;
– Đi không đúng phần đường, làn đường quy định;
– Điều khiển xe đi trên hè phố;
Nếu vi phạm quy định trên mà gây ra tại nạn giao tông thì bị tước giấy phép lái xe 02 tháng.
Từ ngày 01/8/2016, sẽ áp dụng mức phạt mới:
Phạt tiền 300.000 đồng – 400.000 đồng (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà thì không bị phạt). Nếu vi phạm quy định trên mà gây ra tại nạn giao tông thì bị tước giấy phép lái xe 02 tháng – 04 tháng.
Nội dung quy định tại Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.