Nhiều người nghi ngờ nguyên nhân tiền điện tăng chóng mặt thời gian qua do thay đổi điện kế điện tử, nhân viên ghi điện ‘lố’ ngày trong tháng khiến lũy tiến tiền điện tăng cao.
Khi đề cập số tiền điện phải trả trong tháng 6 bỗng dưng tăng gấp đôi so với tháng 5, dù nhu cầu sử dụng không đổi, chị Thanh ở quận 9, TP.HCM nhận được hàng trăm chia sẻ với cùng một nội dung: Không hiểu lý do gì tổng số tiền điện phải đóng tháng này lại tăng gần gấp đôi. Nói về chỉ số điện của gia đình vượt hơn tháng trước gần 200 kWh, chị Thanh khẳng định con số này là có bất thường.
Nhân viên nhà đèn “cố tình” ghi nhầm ngày làm tăng tiền lũy tiến
“Hàng tháng, nhà tôi chỉ sử dụng khoảng hơn 500 kWh điện, tháng nào cao lắm cũng không vượt quá 530 kWh, thế mà tháng này lại nhảy lên 700 kWh. Tôi chấp nhận tiền điện phải đóng có thể cao hơn do thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, tiền điện bỗng dưng tăng đột ngột như vậy là không hợp lý”, bà nội trợ này nói.
Nhiều người đang nghi ngờ “nhà đèn” đã cố tình đi ghi số điện lệch ngày so với ngày ghi tháng trước, khiến chỉ số điện tiêu thụ cao hơn bình thường. Chỉ số điện càng cao sẽ bị áp theo mức lũy tiến 6 bậc theo biểu giá điện bán lẻ hiện nay. Chính vì vậy, số tiền phải đóng trong một vài tháng có thể cao bất thường.
Ông Phạm Tr. (Bình Chánh, TP.HCM) cho biết khoảng ngày 23 hàng tháng, nhân viên của “nhà đèn” sẽ đến nhà ông ghi chỉ số điện. Tuy nhiên, ông Tr. nói thường không phải đúng ngày này nhân viên mới xuất hiện, nhiều tháng họ đến sớm hoặc muộn hơn vài ngày.
“Chẳng hạn, tháng trước họ ghi điện ngày 23 nhưng ngày 25, 26 tháng sau họ mới đi ghi tiếp. Như vậy chỉ số điện tiêu thụ sẽ tăng lên do số ngày dôi ra. Mặc dù dùng bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu, nhưng khi số điện vượt mức của từng bậc theo biểu giá hiện nay càng nhiều thì số tiền phải đóng chắc chắn cao hơn”, ông Tr. nói.
Hiện tại, mức giá điện sinh hoạt “bậc thang” được quy định cụ thể như sau. Từ 0-50 kWh (bậc 1) áp dụng mức giá 1.549 đồng/kWh, từ 51-100 kWh (bậc 2) áp dụng mức giá 1.600 đồng/kWh, từ 101-200 kWh (bậc 3) mức giá 1.858 đồng/kWh, từ 201-300 kWh (bậc 4) giá 2.340 đồng/kWh, từ 301-400 kWh (bậc 5), giá 2.615 đồng/kWh và bậc 6 từ 401 kWh trở lên mức giá là 2.701 đồng/kWh.
Thời gian chốt số điện hàng tháng của nhà đèn không thống nhất cũng là lý do khách hàng lý giải cho số tiền điện phải trả tăng bất thường. Ảnh: Lê Hiếu.
Như vậy, với bậc thang này, khi chỉ số điện vượt 401 kWh, người dùng phải trả số tiền gần gấp đôi so với mức 1, thì tổng tiền điện phải trả mỗi tháng sẽ tăng rất cao.
Nhiều người bức xúc cho rằng việc chốt số điện lùi ngày cũng là một chiêu nhà đèn sử dụng, để số tiền vượt định mức phải trả hàng tháng tăng mạnh. Không ít người đã phản ánh tình trạng này với công ty điện lực, nhưng nhận được câu trả lời là ghi nhầm ngày.
Nghi vấn đồng hồ điện tử?
Trong khi nhiều người sử dụng đồng hồ điện cơ phàn nàn về việc nhân viên đi chốt số điện lệch ngày, thì những hộ sử dụng điện kế điện tử cũng không cảm thấy an tâm với thiết bị được cho là mới và hiện đại.
Chia sẻ với Zing.vn, anh Tim, chủ tiệm cắt tóc ở quận 12, cho biết cửa hàng anh đang sử dụng điện kế điện tử. Theo anh, khi sử dụng thiết bị này, nhân viên điện lực không phải đến tận nhà để ghi số điện. Hàng tháng, chỉ số điện tự động được cập nhật và anh chỉ việc ra điểm thu hộ tiền điện nước gần nhà để đóng.
“Cửa hàng tôi sử dụng máy sấy, máy lạnh. Tháng 5 và thời gian trước chỉ đóng khoảng 500.000 đồng thôi, trong khi tháng 6 bỗng dưng phải trả gần 1,7 triệu đồng, tăng hơn 3 lần”, anh nói.
Chủ tiệm cắt tóc này bức xúc cho biết đã đề nghị công ty điện lực đến kiểm tra điện kế tại cửa hàng, và đang chờ đợi lời giải thích hợp lý của công ty điện lực.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết đến năm 2022 sẽ thay thế toàn bộ điện kế cơ bằng điện kế điện tử ở khu vực TP.HCM.
Theo đơn vị này, điện kế điện tử tự động ghi nhận chỉ số tiêu thụ hàng tháng, giúp giảm nhân viên ghi chỉ số điện, chủ động theo dõi, nắm bắt liên tục tình hình cung cấp điện cho khách hàng và nâng cao chất lượng điện. Đồng thời, khách hàng cũng chủ động kiểm tra chỉ số điện ở mọi thời điểm.
Tiện lợi, tuy nhiên theo khách hàng phản ánh, từ khi thay đổi điện kế điện tử, tiền điện hàng tháng phải đóng có dấu hiệu tăng.
Độc giả Châu Thụy phản ánh sau khi thay đồng hồ điện vào tháng 3 năm nay, tiền điện tháng tiếp theo của nhà chị bỗng dưng tăng 40%, và tốc độ tăng này vẫn duy trì đến hiện nay. Chị khiếu nại với công ty điện lực thì đơn vị này lại bảo điện kế điện tử được sai số cho phép.
Tương tự, anh Nguyễn H. (Khánh Hòa) cũng đã đề nghị công ty điện lực đến kiểm tra thiết bị điện kế tại cửa hàng hoa của mình khi tiền điện tăng gấp đôi. Chỉ một ngày khiếu nại, nhân viên điện lực đã đến kiểm tra và cho kết quả cũng rất nhanh chóng: không có gì bất thường!
Khách hàng đã được thay điện kế điện tử cho rằng không thể kiểm soát được lượng điện đang dùng, bởi chỉ số điện có thể được kiểm soát từ xa bởi công ty điện lực.
“Ngày trước khi xài đồng hồ cơ, mức tiêu thụ sinh hoạt chừng đó tiền. Đến khi chuyển qua đồng hồ điện tử thì mức tiêu thụ cũng chừng đó nhưng số lại tăng tiền lại tăng cao. Tôi nghi ngờ về tính chính xác của điện kế điện tử, vì có khả năng bị điều chỉnh từ xa”, độc giả K.D.N bình luận.
Trả lời Zing.vn về nghi vấn tiền điện bỗng dưng tăng đột biến thời gian qua, phía Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra, khảo sát kỹ lại từng khu vực nhận được phản ánh trước khi có kết luận chính thức.
Theo Báo Mới