Suốt 3 năm ròng, cô gái dân tộc Tày Tô Thị Đệ (Lạng Sơn) bền bỉ theo đuổi mục tiêu được học trong ngành công an và khi được 30 điểm tưởng giấc mơ sắp thành thì một biến cố xảy đến…
Sinh ra trong gia đình nông dân, hoàn cảnh nghèo khó tại thôn Bản Tấu, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, huyện miền núi giáp biên giới nên ngay từ lúc còn nhỏ Đệ đã có ý thức cố gắng học tập để vươn lên thoát khỏi cuộc sống khó khăn.
Ước mơ được trở thành một nữ chiến sĩ Công an nhân dân ngay từ nhỏ nên cô gái sinh năm 1996 này đã rất cố gắng học tập mong thực hiện được ước mơ ấy.
Trong 3 năm liên tiếp 2014, 2015, 2016, Đệ đều đăng ký nguyện vọng vào các trường công an. Năm đầu, Đệ đăng ký vào Đại Học kỹ thuật Hậu cần Công An nhân dân nhưng chưa thực hiện được giấc mơ ấy vì bạn thi được 18 điểm nên không đỗ.
Không nản chí, Đệ tiếp tục lao vào ôn luyện, năm 2015, cô gái ấy đăng ký nguyện vọng vào Học Viện An ninh Nhân dân. Nhưng lại một lần nữa Đệ vẫn không toại nguyện ước mơ bởi Đệ thi được 24 điểm (cả điểm cộng).
Với số điểm ấy, Đệ có cơ hội đỗ nhiều trường đại học khác và cô đã đăng ký học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nhưng khát khao được học trong ngành công an luôn đau đáu trong lòng khiến cô gái ấy một lần nữa không từ bỏ ước mơ của mình.
Vì vậy, vừa học tại trường báo chí, Đệ vừa tự học ôn bổ sung kiến thức để năm nay thi tiếp vào Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Suốt 2 tháng gần kỳ thi, ngày nào cô gái ấy khi thì làm bạn với ấm chè, lúc lại cốc cà phê tự học thâu đêm suốt sáng.
Và cuối cùng, kết quả điểm thi cũng trả lời cho sự cố gắng khi Đệ được 30 điểm (gồm cả 3,5 điểm cộng khu vực và dân tộc thiểu số).
Cứ tưởng ước mơ của Đệ đang có hy vọng thì mọi hy vọng ấy bị dập tắt bởi theo công văn của công an huyện thông báo, Đệ không đủ tiêu chuẩn để xét tuyển vào các trường Công an vì lý do thiếu trung thực.
Thông báo cho hay ông nội Đệ ngày xưa đã hoạt động cho giặc Pháp nên hồ sơ của Đệ bị loại.
‘Cả gia đình mình rất sốc khi biết thông tin này, vì trước đây trong gia đình không ai biết điều ấy’, Đệ tâm sự.
Cô gái này cho biết ông bà Đệ lấy nhau vào cuối năm 1954 khi mà cuộc kháng chiến của Thực dân Pháp đã kết thúc.
Ông nội của Đệ mất vào năm 1976 khi bố đẻ của Đệ mới được 5 tuổi. Vì thế mà ngay cả bà nội của Đệ cũng không biết ông từng làm gì trước đó.
Ông Tô Văn Thắng (Bố của Đệ) cho biết: ‘Ông nhà tôi mất năm 1976 khi ấy tôi mới 4, 5 tuổi. Ký ức về ông còn lại không nhiều, còn chuyện ông theo Pháp trước đó thì bản thân tôi cũng chưa từng biết.
Tôi có hỏi những cụ cao niên trong làng cùng thời với ông còn sống thì cũng không ai biết chuyện này. Thực sự em nó (Đệ) rất buồn khi ước mơ bao năm mãi mãi chỉ là mơ ước. Rất mong Bộ trưởng xem xét và có một ngoại lệ dành cho em’.
Đệ chia sẻ: ‘Nếu từ đầu mình biết hồ sơ của mình không đủ điều kiện đăng ký ngành Công an thì mình cũng không phải mất đến 3 năm trời theo đuổi giấc mơ ấy. Hai năm trước khi mình làm hồ sơ đăng ký thi thì mọi chuyện đều suôn sẻ. Thậm chí năm 2014, các cán bộ thẩm tra lý lịch còn xuống tận Hà Nội quê bà nội mình để thẩm tra chỉ ngặt nỗi mình không đủ điểm đỗ’.
Đệ cho biết, cô đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Công an để hy vọng sẽ nhận được sự đồng cảm của bộ trưởng mà chiếu cố cho bạn ấy một cơ hội được thực hiện ước mơ đã theo đuổi suốt bao nhiêu năm qua.
Trong nội dung bức thư có những đoạn: ‘Ngay từ nhỏ con đã ấp ủ mơ ước được trở thành một chiến sĩ Công an nhân dân với mong ước được góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho nhân dân, cho đất nước, hơn nữa cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên con muốn đỡ đần, giảm bớt gánh nặng lên đôi vai bố mẹ về khoản học phí để nuôi con ăn học, lớn khôn và trưởng thành.
Để thực hiện ước mơ đó, con đã luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức và rèn luyện đạo đức, phẩm chất chính trị trong suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường…
Nhưng có lẽ do kiến thức của con chưa đủ lớn, còn nhiều thiếu sót nên trong 2 năm liên tiếp 2014 và 2015 thi đại học, con vẫn chưa đạt được ước mơ của mình. Nhưng không vì hai lần thất bại đó mà con từ bỏ.
Con sẽ cố gắng thực hiện ước mơ đó bằng chính sự nỗ lực của bản thân mình cho tới bao giờ con không thể được thi nữa vì quá tuổi thì con mới chịu nhận thất bại…
Cho tới năm nay, khi mà ước mơ của con đang có hy vọng trở thành hiện thực thì lại xảy ra chuyện như thế này đối với con. Tại sao số phận lại trớ trêu với con vậy hả bác? Chẳng lẽ thật sự con không có duyên với ngành Công an sao ạ???’.
Mấy ngày nay cô gái với ý chí và nghị lực ấy chạy đôn đáo khắp nơi để gửi thư đến các ban ngành cầu mong sẽ có một ngoại lệ, một điều kỳ diệu đến với em.
Dưới đây là bức thư Đệ gửi Bộ trưởng Bộ Công an ông Tô Lâm:
Trả lời báo chí, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) từng nói:
‘Công an là ngành đặc thù, là lực lượng đảm bảo an ninh quốc gia, nên phải tuyệt đối trung thành. Bầt kỳ một chế độ nào đều quan tâm đến việc đó. Những tội phạm như xâm phạm an ninh quốc gia, nói xấu Đảng, Nhà nước… thì những người trong gia đình đó ít nhiều bị ảnh hưởng. Các ngành khác có thể không quan tâm nhưng công an phải chặt chẽ’.