Những câu chuyện đằng sau dòng chia sẻ về 7 công việc đầu đời của mỗi người sẽ khiến bạn vỡ ra được nhiều điều.
Dòng hashtag #firstsevenjobs (tạm dịch: 7 công việc đầu đời của bạn) đã làm mưa làm gió cả tuần nay trên các trang mạng xã hội bao gồm facebook, Twitter hay Linkedin…
Điều khiến #firstsevenjobs trở nên “hot” hơn bao giờ hết đó là việc người dùng mạng xã hội có thể tự trải lòng về 7 công việc đầu tiên của họ: từ việc nhổ tóc sâu cho ông bà, làm thiệp handmade cho tới những công việc “xịn” hơn theo thời gian như bán hoa dạo, bán muối trong ngày đầu năm…
Bên cạnh đó, trào lưu này còn thu hút sự tham gia của rất nhiều người nổi tiếng và họ cũng chẳng ngần ngại chia sẻ với người hâm mộ 7 công việc đầu đời trước khi có được thành công như ngày hôm nay.
Diễn viên nổi tiếng của serie “Kẻ huỷ diệt” – Arnold Schwarzenegger chia sẻ lên trang fanpage của mình 1 trong những công việc đầu tiên của ông đó là bán kem lúc 10 tuổi.
Tiếp đó là những công việc bình thường như làm ở nông trường, giám sát xưởng làm kính hay làm thợ bánh…
Người thứ hai đặt chân lên mặt trăng, Buzz Aldrin thì có khởi đầu khiêm tốn với công việc rửa chén đĩa.
Hay MC đình đám Ellen DeGeneres đã từng làm người lột vỏ khoai tây và cô nàng ca sĩ Christina Perri thì trưởng thành từ nghề giữ trẻ.
Và cả tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không “thoát” khỏi danh sách này khi ông đã từng bán kem, làm bồi bàn, dọn dẹp công trường. Đương nhiên ông không ghi ra đâu. Chỉ là có người khác liệt kê giúp thôi.
Họ đều khởi đầu cuộc sống của mình bằng những công việc phải nói rằng hết sức “tầm thường”. Thế nhưng sau 1 quãng thời gian dài, bạn hãy nhìn những thành công mà họ đã đạt được.
Ngoài niềm vui, những kỉ niệm thì #firstsevenjobs còn mở ra những cuộc tranh luận về công việc. Dòng hashtag này đã cho nhiều người có thểnói về thành công sẽ như thế nào, xu hướng nghề nghiệp hay thậm chí là những cơ hội việc làm đã làm thay đổi cuộc sống của họ ra sao.
Đối với nhiều bạn trẻ, điều quan trọng nhất mà #firstsevenjobs làm được đó là thay đổi hoàn toàn quan niệm cũng như quỹ đạo về sự nghiệp.
Sự đa dạng về danh sách việc làm khi gõ dòng hashtag này, bao gồm cả những người bình thường hoặc những người thành công, không phải là 1 quy trình hay công thức được lập sẵn.
Đối với những người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn ở trên, chúng ta có thể thấy họ có những khởi đầu rất xa nơi họ đang đạt được bây giờ, và thường những con đường đó chẳng lấy gì làm bằng phẳng.
Joshua Graff, giám đốc cấp cao của LinkedIn EMEA (trang mạng xã hội về việc làm) đã nói rằng:
“#firstsevenjobs cũng đã gợi lại những kỉ niệm và bước đi đầu đời của tôi.
Sau khi bỏ trường đại học với một loạt những lý do ở tuổi 20, tôi may mắn đã được làm việc trong một công ty tổ chức sự kiện. Tuyệt vời hơn tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho tuần lễ Thời trang London.
Tôi nhanh chóng cảm thấy sự đồng điệu khi làm việc và bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn nữa về những kỹ năng, đam mê của chính mình mà ở trường đại học có khi chẳng thể dạy tôi.
Tôi biết rằng tôi yêu giới kinh doanh này và nó đã thúc đẩy tôi sáng tạo ra một sản phẩm quảng cáo của riêng mình khi 22 tuổi. Cuối cùng tôi có công việc mơ ước tại LinkedIn.
Tất nhiên, tôi không nghĩ rằng tất cả mọi người nên rời khỏi trường đại học sớm và bắt đầu mở công ty riêng. Nhưng đến khi bạn nhận ra chẳng có con đường nào “đúng” hoặc “sai” để đi đến nơi bạn muốn thì hãy thử nhé!”
Đó chính là bài học về việc bạn đã học gì từ những công việc này chứ không phải từ đại học hay trường lớp nào có thể đào tạo được.
Một bài học nữa mà #firstsevenjobs làm được đó chính là nhiều người sẽ cảm thấy những cánh cửa cơ hội chẳng bao giờ xuất hiện trước mắt họ.
Không phải ai cũng là “con ông cháu cha” hoặc có bố mẹ là tài phiệt. Vì thế họ sẽ phải bắt đầu những công việc không lương để lấy kinh nghiệm.
Chính từ những công việc nhỏ nhặt, bình thường nhất sẽ giúp họ tìm được bản thân hợp nhất với cái gì, niềm đam mê của họ là gì.
Và nếu bạn là nhà tuyển dụng, khi hỏi ứng viên: “7 công việc đầu tiên của bạn là gì?” thì có thể bạn sẽ chọn được những người phù hợp cho từng vị trí.
Như vậy thì #firstsevenjobs đâu đơn giản chỉ là một dòng hashtag, một trào lưu đúng không nào?