Sau một thời gian áp dụng dạy con về tiền, hai đứa con anh Sơn đều học hành tiến bộ, chăm chỉ làm việc nhà và hạn chế được cả những thói quen xấu.
vốn được nhắc đến rất nhiều trong các phương pháp nuôi dạy con nhưng lại hiếm bố mẹ Việt Nam có thể áp dụng được. Ấy thế nhưng ở gia đình anh Trần Sơn (hiện đang sống ở Thanh Trì, Hà Nội) thì lại khác. Với hai đứa con của mình, bé Quỳnh Anh (học lớp 5) và bé Thanh Tùng (học mẫu giáo lớn), anh áp dụng các quy tắc một cách nhất quán và rất triệt để. Qua nhiều năm, hiện tại các con đã có tư duy về tài chính, việc kiếm tiền y hệt như người lớn, độc lập trong các quyết định chi tiêu cá nhân.
Anh Trần Sơn chia sẻ: “Luật nhà mình đề ra là làm việc giúp bố mẹ sẽ được nhận tiền lương và mục lục các khoản được tiền hay mất tiền rất rõ ràng. Tất nhiên có những việc thuộc về nghĩa vụ của con thì bắt buộc phải làm, ví dụ như dọn đồ chơi, tắm rửa, học bài… Còn có những việc khác mà rất khó khăn để thuyết phục con làm như đổ rác, quét nhà, phơi/ cất quần áo… thì bố mẹ sẽ đưa ra mức tiền thưởng để khuyến khích con làm. Ngược lại cũng có những quy định phạt, thu tiền của con khi con mắc lỗi như gọi 3 lần không dậy, nói dối, không đánh răng…”
Anh Sơn cũng cho biết vốn từ bé anh đã được theo chân bố mẹ đi bán hàng cho gia đình nên rất quan tâm đến việc dạy con về tiền. Từ khi các con còn nhỏ, anh đã thường nói cho con hiểu về việc bỏ công sức lao động ra mới thu được tiền. Khi con lớn hơn một chút, anh dạy con về cách kiếm tiền và sử dụng đồng tiền hợp lý. Việc nhất quán và triệt để áp dụng từ khi các con mới 5 tuổi đã thu lại được rất nhiều kết quả. Hiện tại, những quy định này được các con tuân thủ thực hiện dù cho hồi đầu áp dụng cũng rất khó khăn.
“Mình muốn kể lại chuyện như này để dễ hình dung. Hôm qua nhà mình đi siêu thị, các con đòi sang một cửa hàng bán đồ chơi để xem đồ. Nhưng không đứa nào đòi mua nằng nặc như những đứa trẻ con nhà khác, chỉ thủ thỉ với nhau về món đồ chơi lego với giá gần 1 triệu. Nếu như năm ngoái, chúng sẽ đòi mua bằng được, nhưng năm nay lại hoàn toàn khác. Đơn giản là vì chúng không đủ tiền. Vậy là bố mẹ chẳng cần phải mất công quát mắng hay ngăn cấm gì mà chúng vẫn tự hiểu ra rằng muốn mua một món đồ đắt tiền, phải lao động rất cực khổ”.
Cũng kể từ khi áp dụng những nguyên tắc thưởng phạt phân minh, rõ ràng, vợ chồng anh Sơn nhận ra các con có sự tiến bộ rõ rệt: “Cô chị đi học về là rất chăm làm việc nhà chứ không lười như trước. Thậm chí cô chị còn chuyên gia rủ rê em đi tắm: “Bi ơi, chị tắm cho em nhé!”, vì tắm cho em là sẽ được tiền. Ngày trước bố mẹ hò hét rát cả họng thì đến quét nhà, đổ rác cũng ỉ ôi, chây ì mà nay khác rất nhiều. Việc gọi dậy đi học trước đây cực kỳ gian khổ vì gọi như hò đò, chúng cũng rất lười. Thế là bố mẹ buộc đặt ra qui định ‘Nếu gọi hết 3 lần mà không dậy sẽ trừ tiền’. Hiệu quả cực kỳ cao. Chúng bật dậy như lò xo vì sợ bị phạt”.
Anh Sơn cho biết, việc học của con gái lớn cũng tiến bộ rõ rệt. Dù ở lớp tiểu học không có điểm 9-10 mà chỉ có lời phê của cô giáo, nhưng mỗi lời khen tốt sẽ được thưởng tiền, còn cô phê sai hay không tốt thì tiền phạt gấp đôi. Nhờ vậy, bé Quỳnh Anh năm nay học tốt hơn năm trước rất nhiều. Ngay đến việc để lem mực ra vở mà cô bắt thay vở mới thì con cũng phải bỏ tiền ra mua. Anh cho rằng nhờ thế mới rèn được tính cách của con.
Thêm vào đó, trong nhà anh Sơn cũng đưa ra quy định mỗi ngày cho con xem 30 phút tivi vào buổi chiều tối hoặc trước lúc đi ngủ, cuối tuần được tăng lên thành 60 phút. Anh để con tự kiểm soát thời gian này, nghĩa là có thể phân bổ thời gian xem bất cứ khi nào trong ngày, miễn cộng lại đủ thời gian quy định, không được vượt quá.
Thậm chí còn có một quy định khác rất thú vị mà anh Sơn chia sẻ: “Đứa trẻ nào cũng mê điện tử, ipad…, con mình cũng thế. Mình cho thuê ipad với giá 5 nghìn/30 phút… Thế mà từ hồi cho thuê tới giờ mình không thu được đồng nào cả, hai đứa cũng chẳng thèm sờ đến ipad để chìm đắm như xưa. Kể cả trước đây bố mẹ cho mượn để tham khảo các bài văn, hay học từ vựng tiếng Anh…, mình nói với con là bố cho mượn miễn phí nếu con dùng nó để học. Thế nhưng hình như con sợ sẽ xem phải những kênh linh tinh nên cũng chưa bao giờ hỏi mượn cả”.
Anh Sơn cũng kể thêm, tuần trước con gái lớn có buổi kiểm tra nghe nói giao tiếp tiếng Anh, anh đã rất bất ngờ về kỹ năng của con. Tiến bộ vượt sức mong đợi của bố mẹ, vậy là ngay lập tức con được cộng tiền. Những sự khuyến khích kịp thời như thế anh tin là rất thiết thực, giúp thúc đẩy động lực cố gắng của con. Mỗi cuối tuần, cả nhà lại ngồi tổng kết, con nhận được kha khá tiền.
Anh cũng hiểu rõ vấn đề phải hướng dẫn con cách sử dụng chi tiêu sao cho hợp lý số tiền của mình, từ đây cũng sẽ dạy con được nhiều bài học về tài chính. “Mình đặt ra quan điểm là tiền con kiếm được con sẽ được tùy ý sử dụng với sự xin phép và đồng ý của bố mẹ. Nghĩa là mua gì sẽ phải hỏi để xuất tiền. Bố mẹ lo hết việc chăm lo mua quần áo, ăn uống, đồ dùng học tập… Còn lại các thứ khác như đồ chơi mới, truyện tranh, quà tặng sinh nhật bạn…, con đều phải tự bỏ tiền ra”.
Là một ông bố có cách dạy con về tiền triệt để và thành công như vậy, anh Sơn cho rằng quan điểm của mỗi người mỗi khác. Anh tin tưởng vào cách dạy con của mình và hài lòng khi những kết quả mang lại đang khiến các con anh sống quy tắc, tiến bộ vượt bậc, thấu hiểu được giá trị của việc lao động và những bài học về tiền. Đó mới là điều quan trọng nhất!
Theo Banbietchua