Chùa được xây dựng bằng chén, đĩa sứ, chùa lá sen “cõng” được một người trưởng thành mà không bị chìm, chùa sở hữu đèn cầy khổng lồ… là những ngôi chùa “độc nhất vô nhị ở Việt Nam đến du khách nước ngoài còn kinh ngạc.
1. Chùa Chén Kiểu (Sóc Trăng)
Ngôi chùa Sà Lôn (hay còn được biết đến với tên gọi là chùa Chén Kiểu) nằm trên quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng 12 km theo hướng về Bạc Liêu. Nhìn từ xa, du khách đã vô cùng thích thú vì chùa có kiến trúc lạ cùng sự hài hòa, đan xen của vô vàn các mảng màu rực rỡ. Đến khi tiến lại gần, người ta càng bất ngờ hơn khi biết chùa được ốp hoàn toàn từ chén, đĩa, tạo thành một kiểu trang trí không lẫn vào đâu.
Năm 1815, chùa được dựng bằng cây lá… Trong thời gian chiến tranh, ngôi chánh điện của chùa bị hư hại nặng do sức tàn phá của bom đạn. Đến năm 1969, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay, gồm: chánh điện, sala, tháp bảo, nơi để sách kinh,…
Tuy nhiên vào thời điểm đó, do khan hiếm vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến vận động bà con quyên góp chén, đĩa bằng sứ (địa phương gọi là đồ kiểu), đem ốp lên tường hành lang, cầu thang và nhiều nơi khác. Cũng từ đó, chùa còn được người dân xung quanh gọi là chùa Chén Kiểu.
2. Chùa cổ Phước Kiển (Đồng Tháp)
Theo trụ trì chùa Phước Kiển, nhà chùa có một loài sen khá kì lạ. Vào mùa nước nổi, đường kính của lá sen rộng từ 2 mét rưỡi tới 3 mét, có thể chịu được sức nặng của người từ 60 đến 80kg. Còn vào mùa khô, lá sen chỉ to khoảng 1 đến 1,5 mét.
Đặc biệt là hoa sen, theo sư thầy trụ trì cho biết: “Hoa nở lần đầu vào khoảng 6h tối tỏa hương thơm ngát đến 12h sáng hôm sau thì bắt đầu khép lại. Tầm 3h hoa lại nở, đến khoảng 4 – 5h chiều thì khép cánh. Từ màu trắng hồng ban đầu, mỗi lần hoa nở sẽ sẫm hơn một chút đến khi tàn sẽ có màu tím thẫm”. Cánh hoa còn được phơi khô, pha chung với trà uống rất thơm ngon.
Không chỉ thu hút du khách bởi loại sen lạ, trong Phước Kiển Tự còn có nhiều rùa đã sống hàng chục năm. Tương truyền, vào năm 1948, ở chùa Phước Kiển cũng từng có một con rùa với đặc tính khá kỳ lạ. Mỗi khi nghe tiếng kinh, rùa nằm yên như tĩnh tâm. Năm 1966, do chiến tranh, chùa tan hoang, rùa lạc mất rồi được một người bắt về nuôi. Sau đó, rùa đã trốn thoát tự bò về chùa. Đến năm 2002, tức là hơn 50 năm sau, rùa mới chết.
Hiện nay, những con rùa già còn sống ở chùa Phước Kiển cứ nằm im mặc cho người lớn, trẻ con đùa nghịch. Nhiều người còn gửi lại tiền để nhà chùa mua rau quả cho các “cụ” rùa ăn.
Chùa Đất Sét (Sóc Trăng)
Bước vào chánh điện chùa Đất Sét, du khách không khỏi ngạc nhiên trước công trình kiến trúc độc đáo của nghệ nhân Ngô Kim Tòng (trụ trì đời thứ tư). Đó là khu nhà tam giáo cộng đồng (Phật, Nho, Lão) được chống đỡ bằng 24 cột cây, ốp đất sét. Sự sắp xếp của ông đã tạo thành tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” trong nội điện, như Phật A Di Đà, Quan Thế Âm, Di Lặc, Khổng Tử, Lão Tử, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngọc Hoàng Thượng Đế…
Đối diện chánh điện thờ mười phương chư Phật là tượng Bảo tòa liên hoa, có đến 1.000 cánh sen, được ông Tòng xây dựng vào năm 1940. Trên mỗi cánh sen của Bảo tòa có một vị Phật ngự. Phía dưới đài sen là Bát quái Thiên tiên với 8 cung Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu và dưới đài sen và Bát quái Thiên tiên có Tứ Đại Thiên vương trấn giữ.
Không chỉ có hàng nghìn tượng Phật và linh vật bằng đất sét độc đáo, chùa còn nổi tiếng với 8 chiếc đèn cầy (nến) khổng lồ được Trụ trì Ngô Kim Tòng đúc. Để làm được 6 đèn cầy nặng 200 kg/chiếc và 2 đèn nặng 100 kg/chiếc, ông Tòng chặt nhỏ 1,4 tấn sáp nguyên chất, nấu lỏng rồi đổ vào khuôn, là những tấm tôn lợp nhà cuộn lại.
Một tháng sau kể từ ngày đổ sáp tan chảy, những chiếc đèn cầy 200 kg to một người ôm không hết được dựng lên với chiều cao 2,6 m. Cặp đèn nhỏ 100 kg/chiếc được thắp liên tục 44 năm từ ngày 18/7/1970 (lúc ông Tòng qua đời) nhưng đến nay vẫn còn 1/3 thân đèn chưa cháy hết. Như vậy, 3 cặp đèn loại 200 kg/chiếc, mỗi cặp có thể cháy hơn 100 năm.
Chùa Linh Phước là một trong những danh thắng nổi tiếng ở Đà Lạt (Lâm Đồng), là công trình kiến trúc đậm đà bản sắc Á Đông. Với sự kết hợp hài hòa giữa chùa và tháp của lối kiến trúc phương Đông, từ nhiều năm qua, nơi đây luôn là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Điều tạo nên sự khác biệt của chùa Linh Phước đó chính là các công trình trong khuôn viên của chùa đều được khảm các mảnh sành, sứ, mảnh chai bên ngoài. Chính bởi sự khác biệt này nên chùa còn có tên gọi khác là “chùa ve chai”. Nơi đây là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn tại thành phố ngàn hoa này.
Bên cạnh đó, chùa còn sở hữu tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam. Bức tượng có chiều cao 7,5 m, được tạc từ gốc thân của một cây sao trên 300 năm tuổi.
Chùa có diện tích 6.666,84 m2, chánh điện chùa dài 33 m, rộng 12 m có 2 hàng cột rồng khảm sành, bên trên là nhiều bức phù điêu khảm sành giới thiệu về lịch sử Phật Thích Ca và những điển tích trong các kinh Pháp hoa, kinh A di đà.
Với nhiều người Việt Nam, đi lễ chùa từ lâu đã là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh. Ngày nay, các ngôi chùa đặc biệt như trên không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.
Theo bestie