Chắc bạn sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện nơi khô cằn và nóng nực nhất thế giới như Sahara có thể có tuyết rơi, hay cá mập sống ở biển lạnh bị chết cứng vì “sốc lạnh”… Nhưng những điều dị thường ấy đã thật sự xảy ra.
99,8% loài rùa biển xanh biến thành giống cái
Sâu trong lòng đại dương, sự ấm lên toàn cầu cũng gây nên những biến đổi đáng kể trong hệ sinh thái rạn san hô Great Barrier. Sự tăng nhiệt khiến cho quần thể rùa biển nơi đây rơi vào thảm kịch thiếu con đực trầm trọng.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân bắt nguồn từ việc giới tính khi sinh của loài rùa này phụ thuộc vào nhiệt độ ủ trứng, chứ không được quy định bởi nhiễm sắc thể như nhiều loài động vật khác. Nước biển ấm lên đã khiến cho gần 99% cá thể rùa biển xanh nở ra là giống cái.
Tuyết rơi lần thứ 3 trên sa mạc nóng bỏng nhất thế giới Sahara
Không chỉ một lần, đây đã là lần thứ 3 trong vòng chưa đầy 4 thập kỷ, người dân địa phương ghi nhận được hiện tượng bất thường này – một trong những sa mạc nóng bỏng nhất thế giới bị phủ kín bởi tuyết trắng. Người dân địa phương đã vô cùng ngạc nhiên và choáng váng, khi sáng ra mở mắt thấy tuyết rơi trên những cồn cát đỏ au.
Hình ảnh tuyết trắng xóa rơi trên những đụn cát vàng của Sahara trông khá nên thơ, tuy nhiên đằng sau hiện tượng dị thường này không hề thơ mộng chút nào. Theo các nhà khoa học, đây là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang gây xáo trộn thời tiết trên địa cầu.
Đến năm 2050, socola sẽ biến mất
Theo các nhà khoa học, khí hậu khắc nghiệt khiến cho cây ca cao không thể sinh trưởng, dẫn tới sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nguyên liệu làm socola, và socola có thể sẽ biến mất vào năm 2050. Đây chắc chắn là một viễn cảnh không mấy tươi sáng đối với những tín đồ yêu thích món ăn này.
Dơi bị nung sống dưới nắng nóng kỷ lục ở Australia
Đảo quốc kangaroo đang phải trải qua một mùa hè nắng nóng dữ dội, khi nền nhiệt đã chạm mức 45 độ C. Thời tiết khắc nghiệt khiến hơn 3.000 con dơi cáo bay chết chỉ trong một thời gian ngắn. Điều đáng quan ngại hơn là loài dơi này rất tích cực tham gia thụ phấn cho cây, và được các nhà khoa học đánh giá rất cao trong vai trò điều hòa hệ sinh thái bản địa.
Cá mập chết cứng vì bị “sốc lạnh” ở Mỹ
Năm 2017 khép lại với nhiệt độ được ghi nhận trên toàn thế giới ở mức thấp kỷ lục. Nước Mỹ chìm sâu trong giá rét, nhiều con cá mập chết cứng vì bị “sốc lạnh”, trong khi chúng vốn là loài vật sinh ra để tồn tại trong môi trường này. Không chỉ có thế, một số thông tin còn cho rằng, nhiều con cự đà ở bang Florida cũng không thể bám được trên cây mà rơi xuống đất vì trời quá lạnh.
Hai phần ba rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier bị hủy diệt
Rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier đang phải đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn do tình trạng nước biển ấm lên. Hiện tượng “tẩy trắng” san hô đang gây ra những tổn thương nặng nề, khó có thể bình phục cho Di sản Thế giới này.
Xoá sổ 8 hòn đảo trên Thái Bình Dương
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nước biển dâng cao đã xóa 8 đảo thấp trên Thái Bình Dương khỏi bản đồ, và đang lăm le nuốt chửng những đảo thấp còn lại. Đối với những khu vực cao ráo trên Trái đất, tình trạng nước biển dâng không phải là một mối bận tâm. Song với cư dân vùng duyên hải, vấn đề này đang trở thành một bài toán có tính chất sống còn.
Một trong những vùng đất khô cằn nhất thế giới nở hoa
Hiện tượng El Nino đã gây ra những cơn mưa như trút nước xuống hoang mạc Atacama (Peru) – một trong những miền đất cằn cỗi nhất trên Trái đất. Kết quả, chẳng mấy chốc, cả một vùng hoang mạc khô khốc biến thành một rừng hoa nở rộ, tràn ngập sắc tím hồng.
Nhiều thập niên trở lại đây, các nhà khoa học luôn cảnh báo chúng ta về tình trạng biến đổi khí hậu và mối đe dọa của hiện tượng cực đoan này lên hệ sinh thái toàn cầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được sự biến đổi tiềm ẩn nhiều hiểm nguy đó. Và những hiện tượng dị thường đáng sợ trên đây chính là hồi chuông thức tỉnh con người trước vấn đề cấp bách này.
Theo lantoa