Cho rằng khách Trung Quốc vào quán thường xuyên quậy phá, ứng xử vô văn hóa, gọi món rồi không chịu trả tiền nên chủ một nhà hàng quyết định “không bán hàng cho người Trung Quốc”.
Gần nửa tháng qua, nhiều thực khách khi đến ăn uống tại hệ thống nhà hàng Ngọc Quý (số 1005 – 1007, đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng) khá bất ngờ khi chứng kiến những tấm biển được treo ở vị trí dễ quan sát với nội dung: “Quán Ngọc Quý, không bán hàng cho người Trung Quốc”
Tấm biển thông báo được ghi song ngữ tiếng Việt và cả tiếng Trung.
Theo các nhân viên, quán Ngọc Quý có khá đông khách du lịch người nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… đến ăn uống
“Khách nước nào vào quán thì chúng tôi cũng đều đón tiếp như nhau, không có sự phân biệt. Tuy nhiên, khách người Nhật, Hàn, Mỹ hay người Việt mình đều rất lịch sự.
Trong khi đó, khách Trung Quốc thường gây ra các sự cố khiến người khác khó chịu. Họ bước vô nhà hàng là đi lại lung tung, lộn xộn.
Nhân viên quán trao đổi với họ bằng tiếng Anh thì họ nhất quyết nói bằng tiếng Trung. Khi quán đổi nhân viên tiếng Trung thì họ lại nói tiếng Anh.
Nói chung phục vụ khách Trung Quốc rất phiền toái, chưa kể họ nói liên tục, nói to, nói oang oang khiến các bàn khác rất khó chịu”, một nhân viên quán Ngọc Quý cho hay.
Anh Nguyễn Thành Long, chủ quán cho biết sợ nhất là khi khách Trung Quốc chọn món ăn, đặc biệt là các loại hải sản.
“Họ cứ bắt lên rồi thả xuống các loại tôm, cua cá. Xong xuôi thì họ lại không mua vì chê bị gãy càng hay bị hư.
Chúng tôi không thể lúc nào cũng nhắc nhở họ. Họ đến quán dường như để quậy là chính còn ăn uống thì rất ít”, anh Long nói.
Theo anh Long, nhiều lần cả quán phải “ngậm đắng nuốt cay” khi khách người Trung Quốc chọn món ăn nhưng rồi sau đó không chịu tính tiền.
“Lần mới nhất là trước khi tôi ra thông báo không phục vụ khách Trung Quốc. Mấy cô gái vào quán gọi 3 món trong đó có cơm chiên Dương Châu. Đầu bếp làm 1 dĩa trị giá 70.000 đồng.
Khi nhân viên mang ra, họ vẫn ăn nhưng khi gần hết thì kêu trả lại. Lý do họ nói là không gọi món này. Nhân viên đã giải thích đủ kiểu nhưng đến khi tính tiền, họ nhất quyết không chịu trả chi phí dĩa cơm”, anh Long bức xúc.
“Không bán hàng cho người Trung Quốc”
Chủ quán Ngọc Quý cho hay khách nước ngoài vào quán đều rất lịch sự. Sau khi dùng bữa xong, họ thường cúi đầu chào và cảm ơn các nhân viên. Tuy nhiên, người Trung Quốc thì họ luôn tìm cách hạnh họe, bắt bẻ thậm chí chửi bới nhân viên.
“Tôi coi khách hàng là thượng đế nhưng không phải họ muốn làm gì cũng được mà phải trong chuẩn mực cho phép.
Thời gian gần đây, tôi cũng biết khách Trung Quốc đến Đà Nẵng rất đông. Qua báo đài tôi thấy họ có nhiều hành vi như đốt tiền Việt Nam, giật chuối của người bán hàng rong… nên có ấn tượng không tốt.
Và với những gì diễn ra ở quán, tôi suy nghĩ nhiều đêm rồi quyết định sẽ không tiếp tục bán hàng cho người Trung Quốc nữa. Tôi có tìm hiểu luật và biết như vậy là không vi phạm nên không có gì phải lo.
Tôi nhờ người rành tiếng Trung viết dòng chữ trên bằng tiếng Hán đi kèm với tiếng Việt”, anh Long kể.
Theo anh Long, dù đã treo bảng không bán hàng nhưng nhiều người Trung Quốc vẫn vào quán. Có người thấy bảng thì đi ra nhưng cũng có người chửi bới, gây sự.
“Nói thật, khách Trung Quốc đang rất đông nhưng tôi không sợ mất nguồn thu khi không phục vụ họ.
Tôi nghĩ dịch vụ của mình tốt thì sẽ có nguồn khách khác, đặc biệt là khách bản địa của nước mình và khách đến từ các nước văn minh, lịch sự”, anh Long cho hay.