Chị bạn em tâm sự rằng quán cà phê của chỉ rất đông khách, nhưng lãi lại quá thấp, khi rà soát lại chi phí chị ấy đã phát hiện ra lỗ hổng “chết người”. Huhu. Mở café thì hot đấy nhưng đúng là không ảo tưởng được.
Café sang chảnh, trà chanh chém gió,… hầu như ở SG rất nhiều. Không chỉ ở riêng TP.HCM mà đi đâu cũng thấy café mọc như rơm rạ, nói vậy để các mẹ biết nhiều đến cỡ nào. Nhưng không phải quán nào cũng thành công, có thể bạn thấy có mấy quán ế ơi là ế mà vẫn tồn tại từ ngày này qua ngày khác nhưng lại có những quán nhìn thấy rất đông khách nhưng lại sớm dẹp tiệm. Mọi người có biết lý do tại sao không?
Với ý định sau này kinh doanh cafe nho nhỏ thì em cũng tìm hiểu đôi chút. Và theo sự tìm hiểu nghiên cứu một thời gian thì em có thể lý giải vầy nè:
– Thứ nhất và cũng là điểm cốt yếu là chi phí giá thành, đây chính là lỗ hổng to nhất mà nhiều người kinh doanh cafe mắc phải sai lầm nên dễ bị phá sản nhất. Không ít bạn khi lần đầu mở quán, thường chỉ đơn giản nghĩ bán có lời là được rồi, không định giá vốn bao nhiêu để bán. Vì thế, khi nghĩ ra sản phẩm mới, chúng ta thường đầu tư làm ra sản phẩm chất lượng tốt và kèm theo đó là khoản chi phí tốn kém.
Và khi đã đưa chi phí sản xuất cao như vậy vào sản phẩm, việc bán giá quá cao sẽ làm khách hàng không muốn sử dụng dịch vụ nữa, thành ra giải pháp của các bạn là chỉ để giá bán ở mức lời rất thấp để thu hút khách hàng.
Đó là chưa kể đến giá cả biến động theo mùa sẽ góp phần làm biên lợi nhuận của bạn ngày càng mong manh. Tai hại của việc này là mức thu nhập của chủ quán cuối tháng sẽ rất thấp và khó bù được chi phí hằng ngày. Ta còn phải gánh thêm vô vàn những chi phí phát sinh cũng như mặt bằng. Khi đó nó sẽ làm bạn muốn bỏ cuộc vì mức thu nhập thu về không xứng đáng với những gì mình bỏ ra. Không những vậy khi quán đông, bạn phải thuê thêm nhân viên và tốn thêm chi phí.
Giá thành là một vấn đề khá nhạy cảm vì đây là giá trị mà khách hàng sẽ trả khi vào quán của bạn. Nếu bạn bán một ly nước với giá quá rẻ thì bạn sẽ không tối ưu được lợi nhuận còn ngược lại thì sao, giá quá cao sẽ làm cho khách hàng cảm thấy không xứng đáng, họ nghĩ là bạn đang lợi dụng họ và họ chỉ “uống một lần rồi thôi”.
Trường hợp này lấy ví dụ từ ông anh của em. Vừa rồi có tâm sự với em mở café cũng được 1 năm. Khách đông lắm mà nhìn lại chẳng thấy lãi đâu. Lý do ly café ở quán ảnh vốn hết 70% à. 30% còn lại phải chi cho cả đống thứ thì lấy đâu ra lời?
– Thứ 2, iá thuê mặt bằng, thiết kế, chi phí vận hành vượt quá sức kiểm soát của các mẹ. Muốn quán đông thì mặt bằng phải tốt, quán đẹp, thức uống phải ngon và giá phải rẻ. Nội tiền thuê mặt bằng một tháng có thể làm quán các mẹ bay mất 50 – 70 triệu rồi. Chưa kể tiền thiết kế và chi phí vận hành quán của các mẹ nữa.
– Thứ 3 là nhân công: Khách càng đông thì nhân lực càng nhiều. Trà sữa Chi Lăng đông khủng khiếp, giá 1 ly dao động 15k – 20k mà số người chạy bàn trên 10 người. Nội tiền lương trả cho nhân công một tháng cũng bay mất 50 – 60 triệu chứ chẳng chơi.
– Thứ 4 là Chi phí phát sinh khác cũng làm các mẹ choáng váng đó. Phí giữ xe, thuê chỗ giữ xe, điện nước mà hàng tá thứ phát sinh thêm nhiều khi các mẹ không kiểm soát được. Vì vậy mà phá sản khi nào không hay.
Theo em thấy thì vầy, kinh doanh phải có rủi ro. Rủi ro nhiều khi vượt ngoài tầm kiểm soát của các mẹ thì hơi nguy hiểm. Kinh doanh cà phê là một lĩnh vực khá hot với nhiều nhiều mẹ. Song việc kinh doanh nào cũng vậy, các mẹ phải chịu rất nhiều vấn đề phát sinh cũng như sự cạnh tranh từ các đối thủ. Nếu không có sự chuẩn bị cũng như khả năng tính toán và linh động tốt thì rất khó để bám trụ lại được. Mẹ nào đang ôm mộng mở café thì tìm hiểu cho kĩ để không “tiền mất tật mang” nha các mẹ. Mẹ nào đang kinh doanh café thì có thể thận trọng mấy điều em chia sẻ. Chúc các mẹ kinh doanh thành công và may mắn nè.
Theo WTT