Sau 7 năm đi làm, bạn tôi mời tôi đi ăn tân gia căn hộ bạn mới mua trị giá tiền tỷ. Còn tôi giật mình và tự xấu hổ khi nhận ra, dù thu nhập 25 triệu/tháng, nhưng tôi vẫn trắng tay.
Dưới đây là chia sẻ của chị Phạm Hoài Thương ở Thanh Xuân (Hà Nội) về câu chuyện chi tiêu của mình khiến chị trắng tay sau 7 năm trời đi làm dù thu nhập khá cao:
Cách đây đúng nửa năm, tôi nhận được tin nhắn điện thoại của đứa bạn thân học cùng lớp đại học với nội dung: “Thứ 7 này đến nhà tao ăn tân gia nhé. Tao mới mua căn nhà, thoát kiếp đi ở trọ rồi”.
Nhận được tin nhắn, tôi nghĩ, chắc bạn tôi được gia đình cho tiền, hoặc “trúng quả” gì lớn mới có tiền mua nhà. Chứ, tôi và bạn tôi học cùng chung đại học, khi ra trường, tôi bằng giỏi còn bạn chỉ bằng trung bình khá; khi đi làm, thu nhập tôi vào khoảng 20-25 triệu đồng/tháng, còn bạn tôi cũng chỉ xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng như vậy… thì lấy đâu ra tiền mà mua nhà.
Thế nhưng, khi đến ăn tân gia, tôi giật mình sau khi nghe bạn nói rằng căn hộ chung cư rộng 60 mét vuông, nội thất đầy đủ với giá trị lên tới 1,3 tỷ đồng này bạn tôi mua hoàn toàn bằng tiền tiết kiệm hàng tháng. Cô ấy chỉ phải vay đúng 200 triệu đồng. Vậy là, không có chuyện mua được nhà vì gia đình hỗ trợ, cũng không có chuyện “trúng quả” gì như tôi đã nghĩ.
Sau bữa cơm tân gia, tôi ở lại trò chuyện với bạn cả buổi chiều. Bạn tôi kể về kế hoạch chi tiêu khá chi tiết của mình: mỗi tháng tiền trọ hết 1,5 triệu đồng (ở chung với một bạn nữ khác), tiền ăn hết 2,5 triệu đồng/tháng, tiền điện thoại, xăng xe, mua sắm quần áo, tụ tập bạn bè,… hết 3 triệu/tháng. Số còn lại bạn tôi lập tài khoản tiết kiệm online. Theo đó, cứ đầu tháng lĩnh lương, ngân hàng sẽ tự động chuyển 9 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm của bạn tôi, số lương còn lại bạn tôi đùng để chi tiêu sinh hoạt.
Hàng năm, khoản thưởng ngày lễ bạn tôi dùng tiền đó để chi tiêu cho việc về quê, biếu bố mẹ. Còn thưởng Tết âm, Tết dương được khoảng 40-50 triệu đồng tùy năm, bạn tôi cũng chỉ tiêu khoảng 10 triệu đồng, số còn lại lập sổ tiết kiệm.
Suốt 7 năm trời đi làm với kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu cực kỳ chi tiết, bạn tôi tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng, mua nhà hết 1,3 tỷ, bạn tôi vay đúng 200 triệu đồng và dự kiến sẽ trả hết trong vòng 1,5 năm.
Nhìn lại mình, cũng sau 7 năm trời đi làm, tài khoản hiện giờ không có nổi 10 triệu đồng, tôi vẫn trắng tay, chẳng có gì ngoài tủ quần áo chật cứng không còn chỗ treo mặc dù thu nhập mỗi tháng của tôi đang ở mức 25 triệu đồng.
Tôi tự nhận thấy kết cục của tôi chẳng có gì lạ và khó hiểu. Bởi, từ ngày đi làm tới nay, tôi chưa bao giờ lên kế hoạch chi tiêu hàng ngày sao cho hợp lý, có chăng chỉ lên kế hoạch cho những chuyến du lịch trong và ngoài nước của mình. Tiền lương lĩnh hàng tháng, tôi thuê một căn hộ hết 6 triệu đồng, số tiền còn lại tôi đổ vào mua sắm quần áo, đi ăn hàng, đi cà phê với bạn bè,… Theo đó, có tháng còn dư ra vài triệu đồng, tháng tiêu hết sạch.
Thi thoảng thấy số dư trong tài khoản lên tới con số hàng chục triệu, tôi lại book vé đi du lịch đây đó. Bởi, tôi luôn có suy nghĩ, thanh xuân chẳng được bao lâu, giờ mà không đi, không làm những điều mình thích thì lúc có gia đình rồi, vướng chuyện con cái nữa thì muốn cũng khó thực hiện.
Tuy nhiên, tôi đã quyết định thay đổi thói quen chi tiêu của mình sau buổi đến nhà bạn ăn tân gia. Lý do không phải vì muốn mua được cái nhà giống bạn mà là tôi thấy mình không thể cứ mãi tiêu tiền quá phung phí, cần phải có tích lũy để phòng chuyện ốm đau, bệnh tật… Hay đơn giản là có tích lũy thì khi thất nghiệp cũng vẫn có tiền sống chứ không phải ngửa tay xin tiền bố mẹ.
Quyết tâm lên kế hoạch ăn tiêu và tiết kiệm, tôi đổi từ căn nhà đang thuê 6 triệu đồng/tháng sang thuê căn phòng 4 triệu đồng/tháng. Đồng thời, hạn chế tối thiểu chuyện mua sắm quần áo. Mỗi tuần tôi chỉ cho phép mình đi ăn hàng 2 lần, số ngày còn lại tự ở nhà nấu cơm ăn. Đi cà phê tụ tập bạn bè cũng chỉ vào dịp cuối tuần, ngoài ra những ngày trong tuần tôi chỉ đi khi thực sự cần thiết.
Kết quả, tôi đã thực hiện kế hoạch này được 6 tháng, mỗi tháng tôi gửi tiết kiệm được 10 triệu đồng mà thấy sống như vậy không có gì khó khăn. Bố mẹ thấy tôi bắt đầu tiết kiệm tiền cũng mừng ra mặt nói tôi “thực sự đã trưởng thành”. Tôi thì nghĩ, sau 7 năm trời tiêu xài phung phí, cuối cùng tôi cũng rút ra được bài học cho bản thân là tiền có bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là mọi chi tiêu phải có kế hoạch với nguyên tắc ít nhất phải tiết kiệm được 1/3 số tiền mình kiếm được.
Theo hanoi24h