Chị Oanh phải cho con ăn tới hơn 20 lần/ ngày, mỗi bữa con ăn được rất ít, chỉ 10-15ml sữa mà lại phải đút từng thìa do bé bị dị tật ngoài ở phần mũi.
Nhìn cậu con trai Trương Gia Phong vừa tròn 1 tháng 15 ngày với dị tật ở mũi, chị Phạm Thị Oanh, 20 tuổi ở Ninh Bình không khỏi xót xa. Ngay từ khi đang còn là bào thai trong bụng mẹ, bé đã được các bác sĩ chẩn đoán có biểu hiện bất thường.
May mắn thay, mặc dù phần mũi bị tật nhưng bù lại khi được sinh ra và ở bên bố mẹ, con không quấy khóc, xinh trai lạ thường và còn tỏ ra rất hiểu chuyện. Giờ đây bé con của chị đã ổn định sức khỏe và có thể thở được bình thường như bao đứa trẻ khác.
Không biết có thai, mẹ lỡ uống thuốc khiến con bị dị tật
9 tháng 10 ngày mang bầu đứa con, chị Oanh đã không ít lần suy sụp vì được chẩn đoán thai nhi có biểu hiện bất thường. Ngày con sinh ra, chị như chết lặng khi phần mũi của con bị dị tật hoàn toàn.
Theo đó, trong một lần đi xe ô tô về quê chồng tận Yên Bái, chị Oanh vì tính hay say xe nên chị đã mua thuốc uống. Hết tháng chờ không thấy đến chu kỳ kinh nguyệt, chị mới ngỡ ngàng khi biết mình đã có thai. Không chỉ lần đó uống thuốc, một vài lần sau này khi vẫn đang trong giai đoạn thai kỳ, chị bị cúm và được thông báo động thai nên vẫn mua thuốc về uống một thời gian dài.
Sau một vài lần va chạm xe máy và động thai, chị Oanh được bác sĩ cảnh báo sức khỏe có vấn đề, chưa có tim thai, túi thai bị méo. Bác sĩ chẩn đoán có khả năng lưu thai nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trong trường hợp trẻ được sinh ra sẽ có tật trên mặt.
Giống như những lời chẩn đoán của bác sĩ, bé Phong được sinh ra với phần mũi không được bình thường, sống mũi ngắn (theo lời bác sĩ nhận định). Điều đáng ngại hơn, bé mắc dị tật cần phải trải qua phẫu thuật cùng thời gian điều trị dài và chi phí khá tốn kém mới có thể cải thiện.
“Ngày nhận được tin bác sĩ cảnh báo về túi thai bất thường, mình dù rất sốc và lo sợ nguy cơ sinh con có thể bị dị tật nhưng vẫn quyết tâm giữ lại đứa con trong bụng bằng được” – chị Oanh nói.
Bé sơ sinh ăn 20 bữa sữa/ ngày, thở khó mỗi khi thay đổi thời tiết
Chia sẻ về hành trình chăm sóc một đứa con bị dị tật, chị Oanh ngập ngừng; “Thời gian đầu mình chăm con khá vất vả vì bé ngủ ngày cày đêm, vợ chồng phải thay nhau bế con. Nếu chăm con mọn là một đứa trẻ bình thường thì vất vả rất nhiều, trong trường hợp của mình, chăm một đứa con bị dị tật ở phần mặt thì muôn phần khó khăn. Những lúc không biết cách xử trí sao cho con khỏi đau, mình lại lên mạng tìm cách chăm sóc trẻ dị tật.
Dần dần mình tham khảo nhiều cách tập cho con ngủ đêm chơi ngày. Rồi bé cũng quen được và ban ngày thức, thế nhưng cháu thức là khóc và đòi bế cả ngày. Nhìn con khóc ngằn ngặt với bộ dạng mặt mũi không bình thương, xót con vô cùng”.
Bé Gia Phong bị dị tật ở mũi, điều này đã khiến bé thời gian đầu không thể bú sữa mẹ như những đứa trẻ bình thường.
Dù biết sữa mẹ rất tốt nhưng nhìn con chẳng bú mẹ được, chị đành cho con ăn sữa ngoài. Chị Oanh phải cho con ăn tới hơn 20 lần/ ngày vì mỗi bữa con ăn được rất ít, chỉ 10-15ml sữa mà lại phải đút từng thìa.
Chị kể nhiều khi bé đang nhấp từng ngụm sữa ngon thì bị, sữa trào ngược lên hốc mũi dị tật bé xíu. Nhìn con nước mắt, nước mũi hòa lẫn với sữa trào ra khiến chị nghẹn ngào. Biết bao đêm chị không thể ngủ ngon giấc. Cũng từ ngày xuất viên về nhà, ít khi chị bế con ra ngoài vì ái ngại những ánh mắt thương hại của hàng xóm.
Các bác sĩ cảnh báo, dị tật ở mũi có nguy cơ khiến trẻ sẽ thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp, và gia đình càng cần chăm sóc bé cẩn thận hơn để tăng sức đề kháng, chống chọi với bệnh tật. Đến giờ khi sắp tròn 2 tháng tuổi, cứ mỗi khi thay đổi thời tiết, bé lại khó chịu và thở khá khó khăn.
“Mong con lớn lên có một gương mặt lành lặn”
Nuốt nước mắt vào trong mỗi khi con trớ sữa, quấy khóc, nhìn ngắm khuôn mặt bé nhỏ với phần mũi bị khiếm khuyết của con, chị Oanh vừa chăm sóc vừa tìm hiểu cách chữa về bệnh cho con. Nghĩ về một tương lai con lớn lên không bị bạn bè và người đời trêu chọc là người không lành lặn, anh chị ngày đêm tìm hiểu các chương trình hỗ trợ phẫu thuật cho những bé dị tật để có thể thực hiện tốt nhất cho Gia Phong.
“Nhìn con thương lắm, còn bé đã biết gì đâu nên cứ khóc ngằn ngặt mỗi khi khó thở và khó ăn. Nhiều lúc chăm con mệt quá, mình cáu nhưng nhìn khuôn mặt với sống mũi méo mó mình không nỡ quát con” – Chị Oanh tâm sự.
Đau buồn là vậy nhưng chị bảo: “Đó vẫn chưa phải nỗi đau lớn nhất. Không biết bao lần mình đã cố nuốt nước mắt tự an ủi, con bị dị tật và bác sĩ nói vẫn có hướng khắc phục nên không quá suy sụp”.
Anh Trương Văn Hiệp chồng chị làm thợ cắt tóc, thu nhập chẳng đủ lo bỉm sữa và tiền cho con sau này phẫu thuật. Thời gian mới sinh có lẽ bé cảm thấy khó chịu với cái mũi bị tật nên hay quấy khóc, thương con, anh chị đành phải nghỉ làm dành hết thời gian chăm con.
Khi được hỏi về kế hoạch phẫu thuật cho con, chị nói: “Gia đình mình kinh tế rất khó khăn. Mọi chi phí bỉm sữa và thuốc thang trông chờ vào ông bà nội ngoại già yếu hai bên, lo tiền sữa cho con thôi cũng đủ khiến gia đình lao đao rồi chứ nói gì đến tiền chữa bệnh”.
Chỉ vì suy nghĩ chủ quan trong thời gian mang thai mà giờ đây chính dị tật gắn với đứa con bé bỏng đã làm anh chị thêm phần mệt mỏi. Cần phải nỗ lực rất nhiều trong cuộc sống để vừa có tiền bỉm sữa cho con, và cả một tương lai xa phía trước cho hành trình đi tìm lại gương mặt lành lặn cho con trai mình.
Tiêu đề đã được thay đổi
Theo Khampha.vn