Nhiều người trong nghề vẫn trách móc như thế khi nói về các nghệ sĩ trẻ đang là ngôi sao nổi tiếng hiện nay…
Nghệ sĩ lớn lui về làm dàn bao… đừng nghĩ họ hết thời!
Trong rất nhiều vở diễn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, sân khấu kịch Hồng Vân, Idecaf… các nghệ sĩ lớn như Hồng Vân, Ái Như, Thành Lộc, Hữu Châu, Minh Nhí… hay đóng các vai nhỏ nhỏ.
Không phải họ hết thời, chắc chắn. Họ là những nghệ sĩ lớn đã đi vào lòng khán giả nhiều thế hệ suốt mấy chục năm qua, sự nổi tiếng của những nghệ sĩ đó đã chạm tới đỉnh dù bây giờ tên của họ không tràn lan mặt báo như một vài nghệ sĩ trẻ khác.
Họ rút xuống làm dàn bao cho các nghệ sĩ trẻ có cơ hội tỏa sáng trong những vai chính. Rủi một ngày nào đó, những diễn viên trẻ kia có được vai hay, kịch bản hay rồi nổi lên như Mười Khó của Trường Giang thì sao?
Một nghệ sĩ nói với tôi rằng: “Ở cái nghề này, mấy ai muốn người khác hơn mình!? Con gà còn ghét nhau tiếng gáy, trâu buộc ghét trâu ăn cơ mà.
Chỉ có những nghệ sĩ lớn, chỉ những nghệ sĩ thực sự tâm huyết với nghệ thuật mới chịu rút về làm dàn bao cho đàn em. Vậy mà ngay chính những nghệ sĩ đàn em lớn lên từ sự nhượng bộ ấy của đàn anh đàn chị đi trước lại không chịu hiểu”.
Nhiều nghệ sĩ trẻ đang là ngôi sao ngộ nhận rằng, những đàn anh đàn chị kia đã… hết thời. Đây mới là thời của họ nên họ cứ thế tung hoành.
Khi chưa là gì, họ gặp đàn anh đàn chị tươi cười lễ phép, xin học hỏi, xin một vai nhỏ nhỏ để diễn, cầu cạnh người này người khác. Khi có chút tên tuổi họ quên mất quá khứ.
Ngày xưa, cũng vở diễn ấy, cái vai nhỏ xíu, mấy nghệ sĩ là ngôi sao bây giờ còn xin đạo diễn cho đóng. Giờ cũng nghệ sĩ ấy, người đạo diễn năm nào kêu họ đóng 1 vai nhỏ nhỏ, họ chê thoại ít không diễn.
Đi làm chương trình từ thiện, có rất nhiều ngôi sao lớn tham gia nhưng họ cũng chê vai đó nói ít, xuất hiện ít không chịu làm.
Nghệ sĩ Bạch Long cho rằng: “Anh thấy cách nghĩ đó dở. Tại sao lại sợ mình lép vế hơn so với các ngôi sao khác? Tại sao không cất cái tôi đó đi, ráng nghĩ làm thế nào để cái vai dù nhỏ nhưng mình diễn vẫn hay”?
Rất nhiều nghệ sĩ khác cũng chung quan điểm ấy. Nghệ sĩ Việt Nam ai cũng sợ mình bị chìm so với người bên cạnh. Khi lên sân khấu, người dùng mánh khóe để nổi bật hơn so với bạn diễn, người lại không chịu nhận những vai nhỏ, vai phụ.
Một nghệ sĩ lớn trong nghề bảo: “Nghệ sĩ tụi anh ngày xưa sống chết với nghề còn nghệ sĩ trẻ bây giờ hình như họ không tính đến chuyện đó. Họ sống bằng hào quang ảo của nghề chứ không nghĩ tới chuyện đường dài”.
Vài nghệ sĩ trẻ đang là ngôi sao hiện nay mắc bệnh nghĩ mình là “cái rốn của vũ trụ”. Họ có quyền đổi giờ quay, đổi lịch quay… theo hứng và tất cả ê-kíp trong chương trình đó phải chiều theo họ.
Nếu phải ngồi chung ghế nóng với một nghệ sĩ họ không thích, đương nhiên, nhà sản xuất, ê-kíp đó phải thay người khác, không thì họ không làm.
Và đây là lý do các nghệ sĩ trẻ trở nên… xấc xược
Có lẽ nhiều người cũng từng đặt ra câu hỏi: lý do thực sự khiến các nghệ sĩ trẻ hiện nay… xấc xược với đồng nghiệp, đàn anh, đàn chị trong nghề như vậy là do đâu?
Lỗi là tại truyền thông.
Công nghệ lăng xê của các phương tiện truyền thông làm nghệ sĩ bị sống ảo, ngộ nhận mình nổi tiếng và những người xung quanh cũng ngộ nhận nghệ sĩ đó là siêu sao.
Một thí sinh mới năm ngoái giành ngôi quán quân của một game show nhờ hên, nhờ duyên hơn các thí sinh khác, sang năm đã được ê-kíp chương trình mời ngồi vào ghế giám khảo.
Và thí sinh là giám khảo đó năm nay sẵn sàng “sửa lưng” những nghệ sĩ nổi tiếng là giám khảo của chương trình – những người năm trước còn chấm thi cho họ.
Trò chuyện cùng sao nhưng lại lựa những diễn viên mới đóng 1, 2 phim, còn chưa biết tài năng đến đâu. Chính cách làm này vô tình khiến các diễn viên trẻ ngộ nhận mình là sao.
Showbiz đâu thiếu những nghệ sĩ nhờ một vai diễn “hên” mà đổi đời. Vừa có được 1 phim hay, báo chí khen ngợi hết lời, đặt những mỹ danh như ông vua phòng vé, hoàng tử phòng vé.
Được báo chí xưng tụng, họ tưởng thật… và ai cũng tin vào mỹ từ đó. Họ đắt show, họ tăng giá catse vẫn đắt show. Một bộ phim quay từ 15 đến 30 ngày, catse của họ là 1 tỷ 2, 1 tỷ rưởi, thậm chí 2 tỷ.
Nhưng chính báo chí lại là người giúp nghệ sĩ… tăng giá catse mà không biết!?
Ngày xưa, thời cải lương còn thịnh vượng, bất cứ sân khấu nào có tên nghệ sĩ Vũ Linh đều cháy vé. 10 đêm như 1. Đó là ông vua phòng vé. Còn các nghệ sĩ trẻ đang là ngôi sao ở xứ mình, đang được báo chí xưng tụng là bảo chứng phòng vé thì sao?
Bộ phim “Già gân mỹ nhân và găng tơ” của Đức Thịnh – Thanh Thúy có tới 2 nghệ sĩ được coi là bảo chứng phòng vé vẫn thất thu.
“Lật Mặt 2” của Lý Hải chẳng có ông vua phòng vé nào vẫn mang về doanh thu khủng. “Fan cuồng” có bảo chứng phòng vé nhưng cuối cùng vẫn lỗ.
Việc diễn viên ngộ nhận mình là ngôi sao thực ra không thể trách họ. Có trách phải trách truyền thông, báo chí.
Chuyện này làm tôi nhớ tới trường hợp của Cao Hữu Thiên trong “Gương mặt thân quen”. Nghệ sĩ Thành Lộc khi xem chương trình này, ở khía cạnh một khán giả, anh đã nói rằng:
“Em nó không có lỗi trong chuyện này vì trình độ của em nó vậy thì em nó trình diễn như vậy, chỉ có cái đứa nào đem em nó vô cho nó hát trong chương trình trực tiếp thế này thì đáng bị đét cho mấy cây roi mây mà thôi. Tội này gọi là tội lăng xê không đúng chỗ!”.
Nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân cũng nói, làm nghề này phải biết mình ở đâu. Sống ảo với hào quang của nghề, ra đường mà vỗ ngực ta đây thì chỉ có nhanh “chết”.