Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là VĐV đầu tiên của Việt Nam giành HCV Olympic. Nhưng ít ai biết Xuân Vinh từng lên đỉnh bằng khẩu súng… đi mượn.
Năm 2015, chỉ 1 năm trước khi đi vào lịch sử của thể thao Việt Nam với tấm Huy chương vàng Olympic đầy vinh quang và danh giá đầu tiên, Xuân Vinh đã đoạt HCB nội dung súng hơi bắn chậm bằng một khẩu súng đi mượn vào phút chót.
Do việc gửi lô súng đạn kèm theo bị trục trặc nên Xuân Vinh tưởng như phải chấp nhận bỏ cuộc, rồi thành công ngoạn mục nhờ vào một quyết định mạo hiểm tự đi mượn súng, mua đạn.
4 NGÀY “TAY KHÔNG” KHỐN KHỔ NƠI XỨ NGƯỜI
Năm ngoái, Xuân Vinh là đại diện duy nhất của bắn súng Việt Nam tham dự giải đấu quốc tế đỉnh cao tại Đức từ đầu tháng 9, chỉ dành cho 10 tay súng hay nhất thế giới ở mỗi nội dung. Anh được mời đích danh thi đấu 1 nội dung duy nhất là 50m súng ngắn bắn chậm.
Với một xạ thủ hàng đầu từng du đấu khắp nơi như Vinh, mọi chuyện đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí sẵn sàng cả các phương án ứng phó, để đảm bảo tuyệt đối cho các cuộc đấu.
Thế nhưng lần này anh đã phải đối mặt với tình thế phát sinh ngoài sức tưởng tượng khi dự giải trong tình trạng “tay không”. Vinh đã sang Đức tới cả 4 ngày mà lô súng đạn gửi kèm theo vẫn chưa tới nơi, cho dù bình thường chậm nhất cũng chỉ mất 4 ngày.
Suốt 4 ngày đó, xạ thủ quân đội 40 tuổi lo lắng, sốt ruột như ngồi trên đống lửa. Ngày nào Vinh cũng ra sân bay Munich để chờ đợi rồi luôn nhận được câu trả lời “hàng chưa tới” trong khi điện về nước hỏi lại được khẳng định “đã chuyển ngay rồi”.
Đến cuối ngày thứ 4, phải đến lúc nhờ lãnh đạo ngành thể thao trực tiếp can thiệp kiểm tra, Vinh càng bàng hoàng vì thực tế lô súng đạn vẫn nằm ở sân bay Nội Bài mà không rõ lý do. Có nghĩa là, kiểu gì nó cũng không kịp chuyển để phục vụ “khổ chủ” bởi chỉ còn 1 ngày trước cuộc đấu.
THOÁT HIỂM MAY MẮN NHỜ LIỀU… ĐI MƯỢN
Trước sự thật phũ phàng, một cựu binh dày dạn như Xuân Vinh cũng buồn nản đến phát khóc. Đơn giản vì anh sẽ phải bỏ cuộc, không chỉ mất đi một cơ hội tranh tài sáng giá mà còn ảnh hưởng nặng đến uy tín của cá nhân cũng như của cả bắn súng Việt Nam. Ban Tổ chức sẽ khó có thể chấp nhận chuyện “tay không” đến Cúp thế giới của tuyển thủ Việt Nam, dù lỗi hoàn toàn không phải do anh.
Đúng lúc tuyệt vọng nhất, Xuân Vinh đã có một quyết định mạo hiểm, dành cả một buổi chiều trước ngày đấu để thử đi mượn súng xem sao. Việc mượn súng của các đấu thủ hoàn toàn bất khả thi vì ai cũng mang đủ cho mình, và anh đành phải đặt hy vọng ở một số hãng sản xuất súng thể thao có mặt quảng bá nhân giải đấu.
Qua tới 5 hãng để trình bày, Vinh đều bị từ chối khéo bởi các sản phẩm chủ yếu để trưng bày, một số ít có thể bán chứ mượn thì… chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên đến hãng thứ 6 của chính nước chủ nhà, thật may mắn, Vinh đã gặp đúng được một ông chủ là một cựu xạ thủ, biết rõ Xuân Vinh và rất có thiện cảm với bắn súng Việt Nam, nên đã đặc cách cho anh mượn 1 khẩu súng ngắn bắn chậm loại mới nhất. Tất nhiên, điều kiện đặt ra là Vinh phải viết cam kết chịu đền bù nếu như khẩu súng bị hỏng hóc hay xướt xát gì.
Giải quyết được xong khâu súng khó nhất, Vinh đã phải dốc túi cả số ngoại tệ mang đi mua một cơ số đạn đủ để bước vào tranh tài ngay buổi sáng hôm sau.
ĐOẠT HCB VẪN TIẾC HÙI HỤI
Trong số các xạ thủ tham dự Cúp thế giới tại Đức, Xuân Vinh rõ ràng là trường hợp kỳ lạ nhất. Tình cảnh “tay không” đã khiến anh không hề được tập luyện hay bắn thử suốt mấy ngày trước giải. Đáng nói hơn còn sử dụng một khẩu súng đi mượn quá mới lạ, điều vốn tối kị với dân bắn súng có khi phải mất cả năm mới quen tay và vừa tay.
Vậy mà cuối cùng, tuyển thủ Việt Nam vẫn có một màn trình diễn thuộc diện “đỉnh” nhất trong nghiệp đấu của mình với khẩu súng đi mượn ấy ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm. Bản lĩnh tuyệt vời, đẳng cấp cao, cộng thêm một chút tâm lý giống như một sự “phục thù” đã giúp anh tỏa sáng rực rỡ.
Đặc biệt trong bài bắn chung kết theo thể thức đấu loại trực tiếp, Vinh đã liên tục dẫn đầu để cùng với đối thủ sừng sỏ Zhang Bowen (Trung Quốc) giành quyền tranh ngôi nhất nhì trong 2 viên đạn cuối. Thời điểm ấy, Vinh vẫn đang dẫn trước Zhang, chỉ tiếc do quá căng thẳng nên anh đã thua điểm cả 2 viên cuối, để đối phương vượt lên thắng trong gang tấc.
Nếu có thêm một chút ổn định hay được bắn bằng khẩu súng quen của mình, rất có thể Vinh đã bước lên ngôi cao nhất, để có thêm 1 tấm HCV thứ 2 ở một Cúp thế giới. Trước đó, tại cuộc đấu trên đất Mỹ vào 2014, Vinh đã giành HCV kèm theo 1 kỷ lục thế giới ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam.
Tuy nhiên, với Vinh, tấm HCB lần này còn quý hơn vàng ròng, ở một giải đấu kỳ lạ và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp. Xạ thủ đã giành suất chính thức tới Olympic 2016 này đã “tay không” dự giải rồi trở về với một tấm HCB lấp lánh.