2 triệu đồng là mức tiền mà 7 năm trước anh trai Huyền vẫn thường được bố mẹ cho để trang trải chi phí trên thành phố. Nhưng với Huyền bây giờ, mức tiền đó “chỉ còn là ký ức xa xôi của thế hệ 8x, 9x đời đầu”.
Huyền hiện đang là sinh viên năm 4 của một trường Đại học Kinh tế. Năm 2015, cô từ Cao Bằng xuống Hà Nội nhập học. Ở quê của Huyền, giá một mớ rau muống chỉ 2.000 đồng. Nhưng xuống Hà Nội, mức giá ấy đã tăng gấp 2,5 lần. Huyền vốn không định xin tiền bố mẹ hàng tháng, “nhưng trên Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ quá”. Vì thế hơn 3 năm kể từ khi lên Hà Nội, cô hiếm khi đi chợ.
“Nếu đồ ăn được gửi từ quê lên sẽ rẻ và chất lượng hơn nhiều” – Huyền nhẩm tính.
Để tiết kiệm chi phí ở trọ, Huyền cùng cô bạn đồng hương thuê căn phòng gần trường với mức giá 2 triệu đồng/ tháng. Mỗi khi nhận được tiền bố mẹ gửi, cô đều lên sẵn các khoản cần tiêu và buộc chúng thành cọc như một hướng dẫn về cách chi tiêu lan truyền trên mạng.
Trừ tiền thức ăn do bố mẹ trợ cấp, hàng tháng Huyền vẫn phải xin thêm 2 triệu đồng. “Em không tiêu gì mấy nhưng cũng phải hết đến từng đó. Những lúc hết tiền em chỉ nằm ở nhà chứ không dám đi đâu”, Huyền kể.
Không ai tính toán được mức chi tiêu trung bình của một sinh viên trong thời điểm hiện tại. Nhưng rõ ràng, “mức tiền không bao giờ là đủ” (lời của một sinh viên).
7 năm kể từ khi anh trai Huyền vào đại học, đến giờ giá tiền 2 triệu chỉ đủ cho cô thuê nhà, đi xe bus và chi tiêu một số khoản lặt vặt. “Mỗi lần tính mua quần áo y như rằng cuối tháng sẽ cạn kiệt tiền. Em cũng phải cắt giảm tối đa những khoản đi chơi với bạn bè hay liên hoan nhóm”.
Huyền không đi làm thêm. Cô tập trung vào việc học để lấy tấm bằng đỏ khi ra trường. “Thời gian các bạn đi làm thêm em ở phòng học tiếng Anh, đọc thêm sách để bổ sung kiến thức chuyên ngành. Mỗi kỳ nếu có học bổng, em sẽ lấy tiền đó để tự thưởng những gì mình thích”.
Huyền có lẽ là “số hiếm” khi chỉ chi tiêu ở mức tiền tối thiểu.
Minh Hoàng, 21 tuổi, là sinh viên Bách Khoa. Hoàng hài lòng với mức tiền được bố mẹ cho trong thời điểm hiện tại là 5 triệu đồng. Hàng tháng cậu thường dành ra 2 triệu để chi trả giá tiền thuê 1/2 căn chung cư. Số tiền còn lại được Hoàng dành cho việc ăn uống và “lệ phí tình yêu”.
Quán ăn ngay gần trường là “điểm đến” quen thuộc của cậu trong mỗi giờ ăn trưa hoặc ăn tối. Mức giá 30.000 đồng/ suất cũng là vừa đủ với cậu trai còn đang ở lứa tuổi đôi mươi.
“Con trai lười nấu nướng nên có phần hơi tốn kém”, Hoàng thừa nhận. Tổng số tiền ăn của Hoàng vì thế dao động khoảng 2 triệu đồng, đắt hơn gần 1 triệu nếu tự nấu nướng.
Thi thoảng cuối tuần, cậu cũng dành ra 500.000 nghìn đưa bạn gái đi xem phim hay dạo phố. “Nếu một tháng đôi ba lần thì cũng khá tốn kém. Nhưng em không bao giờ rơi vào tình trạng hết tiền cả. Cứ hết bố mẹ em lại gửi lên”, Hoàng kể.
Trong số những bạn trẻ được hỏi, Hoàng có lẽ là người chi tiêu thoải mái nhất. Không giống như Huyền, Hoàng ít khi tiếc nếu phải chi ra một khoản mỗi tháng vào việc ăn hàng quán, uống một vài cốc trà sữa giá 70.000 đồng hay chi trả vé xem phim ở mức 90.000 đồng/ lượt.
“Đó là mức giá trung bình chứ không phải quá đắt”.
Hoàng quả quyết, mức tiền 2 triệu không thể đối đủ với sinh viên, kể cả là nam hay nữ trong thời điểm hiện tại.
“Nếu con trai phải tốn nhiều hơn cho các khoản đi xem phim, uống nước khi đi cùng bạn gái thì con gái lại tốn nhiều vào các khoản quần áo, đồ dùng cá nhân. Kể cả không thuê ở những căn hộ chung cư, mức tối thiểu của mỗi sinh viên cũng phải cần đến hơn 3 triệu/ tháng” – Hoàng nói.
Còn đối với Minh Hà, sinh viên năm 3, hàng tháng cô vẫn được bố mẹ chu cấp 2 triệu đồng. Với những khoản chi phí phát sinh, Hà đều phải tự xoay sở.
“Ngoài 2 triệu bố mẹ cho em phải đi làm thêm mới đủ trang trải chi phí ở Hà Nội. Ở trên này cái gì cũng đắt đỏ. Chỉ tính riêng tiền nhà, tiền gửi xe, xăng xe đi lại đã là không đủ”.
Buổi tối Hà nhận đi làm gia sư. Số tiền kiếm được hàng tháng cũng khoảng hơn 2 triệu đồng. Sang năm tới Hà định nhận thêm lớp dạy để không phải xin tiền hàng tháng nữa.
Hà vẫn thực hiện việc ghi chép chi tiêu đều đặn. Nhưng dù co kéo thế nào, số tiền mỗi tháng vẫn dao động ở mức 3,5 – 4 triệu đồng.
“Tiền nhà, tiền đi chợ bao giờ cũng ở mức cố định khoảng 2,2 triệu, trong đó tiền nhà là 1 triệu, tiền đi chợ khoảng 1,2 triệu. Ngoài ra còn tiền gửi xe tháng, tiền xăng và những khoản tiêu vặt khác nữa”.
Hà băn khoăn, với cùng số tiền, những người bạn của mình vẫn có thể đi ăn ở những hàng quán “sang chảnh”, trong khi cô vẫn phải chật vật với khoản mức hơn 3 triệu đồng.
“Ngay cả việc mua đồ về tự nấu cũng rất đắt nếu chỉ ăn hai người. Tiền bố mẹ cho cộng với tiền đi gia sư em cũng chỉ đủ để chi tiêu cho bản thân trong tháng chứ không thể chi thêm cho bất cứ việc gì khác nữa”.
Bài toán cân đối chi tiêu đặt ra không phải chỉ của riêng Hà. Cô cho rằng, có lẽ do bản thân chi tiêu có phần chưa hợp lý.
“Tháng tới em sẽ làm danh sách chi tiêu cụ thể hơn. Nếu cắt giảm tiền đi chợ hay các khoản ăn uống bạn bè có thể sẽ đỡ chật vật những ngày cuối tháng” – Hà nói.
Theo hanoi24h