Nhiều đứa trẻ có thể chưa biết đi, chưa biết cất tiếng bi bô, nhưng đã sử dụng smartphone hết sức thành thạo. Nhưng ẩn sau đó là nguy cơ ít ai ngờ.
Cậu bé có đôi mắt tròn đen láy và cặp má phúng phính, luôn miệng hát bi bô ‘Cả nhà ta cùng yêu thương nhau’, đôi tay bụ bẫm muốn với lấy áo bà nhưng vướng những sợi vải đang buộc tay bé vào thành giường bệnh.
Nhìn gương mặt bầu bĩnh ngây thơ và đôi mắt trong veo của cậu bé 4 tuổi ấy, người ta không khỏi xót xa khi biết em đang phải điều trị ở khoa dành cho trẻ em mắc chứng về chậm phát triển.
‘Lúc bé cho nó xem TV nhiều quá. Mẹ thì không phải trông gì nhiều, cho nó ngồi dưới nền đá hoa bật TV lên xem thôi. Từ lúc 4 tháng đến tận 2 tuổi rưỡi, nhưng đến lúc đấy vẫn cho cháu nó đi lớp. Tôi đưa cháu đến đây mới từ 2 tháng trước thôi’.
Bé Hoàng Nam không phải trường hợp duy nhất. Ở Bệnh viện châm cứu Trung ương, có hàng chục ca bệnh tương tự, khi các trẻ có sự tiếp xúc với thiết bị điện tử từ rất sớm.
Cậu bé Nhật Minh (Thanh Hóa) đã hơn 4 tuổi, nhưng bé thường chỉ nói được những từ đơn âm như ‘sữa’, ‘cơm’. Câu duy nhất mà bé nói hoàn chỉnh là ‘Cháu xin ông cho đi chơi’.
Bà của Nhật Minh lấy bộ đồ chơi xếp chữ ra và gọi bé nhưng mắt cậu bé vẫn chỉ dán vào màn hình TV phía trước, đôi mắt hấp háy cười và đứng dậy huơ tay theo một động tác trên phim.
‘Xem TV thế này thì tập trung lắm. TV là một, điện thoại là hai, TV làm thế nào là bắt chước làm theo, mà tắt TV đi là khóc’ – bà của Minh thở dài.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Văn – Trưởng khoa điều trị tự kỷ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết: ‘Qua quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy việc cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử từ sớm rất nguy hiểm.
Ngoài việc do cha mẹ có điều kiện cho trẻ tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử, một phần lớn còn là do cha mẹ quá bận rộn, ít có thời gian chăm sóc con cái và để cho con sử dụng thiết bị điện tử như một cách lấp đầy khoảng trống đó’.
Việc quá say sưa với màn hình điện tử khiến trẻ giảm đi việc học hỏi nhận thức qua tiếp xúc bằng 5 giác quan như trẻ bình thường.
Đơn giản như khi chơi với một trái bóng, thay vì nhìn màu sắc, nghe tiếng bóng va đập, cầm nắm để cảm nhận hình dạng, ngửi mùi nhựa và có khi là đưa vào miệng ‘nếm’ thử, trẻ sẽ chỉ nhìn thấy bóng lăn trên màn hình điện thoại.
Những âm thanh từ trò chơi điện tử phát ra có thể cũng không phải âm thanh va đập từ bóng mà mỗi lúc lại là một loại nhạc khác nhau.
Nói cách khác, trải nghiệm có được từ các giác quan của trẻ khi chơi điện tử không hề liên quan đến nhau, và trí não của trẻ sẽ không học thêm được gì từ các trải nghiệm ấy.
Với trẻ có hệ thần kinh yếu, việc kích thích liên tục từ màn hình điện tử sẽ khiến trẻ dễ bị rối loạn lo âu.
Thực chất, việc cho trẻ ‘thư giãn’ với đồ điện tử là hoàn toàn sai lầm, do chúng khiến mắt và thần kinh trẻ phải tập trung liên tục vào một điểm và còn gây căng thẳng hơn.
Nhiều gia đình còn có thói quen bật TV liên tục dù không xem. Trong lúc đó, trẻ có thể chơi bên cạnh TV, và thi thoảng lại nhìn xem TV đang có gì.
Điều này khiến quá trình học hỏi nhận thức của trẻ liên tục bị gián đoạn, làm giảm khả năng tập trung chú ý của trẻ.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm trẻ tự kỷ
Các dấu hiệu nhận biết không phải lúc nào cũng đi cùng nhau, tuy nhiên, nếu thấy nhiều dấu hiệu sau đây, hãy chú ý quan sát trẻ và đưa trẻ đến các trung tâm uy tín để kiểm tra nếu cần thiết:
Biểu hiện về quan hệ xã hội:
+ Trẻ thường chỉ chơi một mình, không quan tâm đến việc tương tác với những người xung quanh.
+ Thái độ với người thân như bố mẹ hay với người lạ cũng không có gì khác biệt, thờ ơ như nhau.
Biểu hiện về giao tiếp phi ngôn ngữ:
+ Tránh nhìn thẳng vào mắt người khác.
+ Không hiểu được cử chỉ và điệu bộ của người lớn.
+ Hạn chế trong biểu cảm, đôi khi là luôn mang khuôn mặt vô cảm.
Biểu hiện về giao tiếp ngôn ngữ:
+ Không nhìn theo tay người khác khi được chỉ về hướng nào đó.
+ Không phản ứng với tên của mình (Thông thường trẻ từ 9 tháng tuổi đã có phản ứng này).
+ Thường lặp lại những gì được hỏi, có khi là từng từ một.
+ không hiểu các chỉ dẫn đơn giản nhất (‘Con ngồi vào ghế đi’, ‘Con ra chỗ mẹ đi’…).
+ Khi được gọi, trẻ chạy đi hoặc ném đồ đạc.
Biểu hiện hành vi
+ Tay chân vung vẩy một cách bất thường, vặn vẹo các ngón tay…
+ Tỏ ra quá nhạy cảm khi không được ý: hét to, lăn lộn trên sàn, đôi khi là cắn, cào cấu, đánh người khác hoặc chính mình.
+ Đôi khi phát ra những âm thanh vô nghĩa
+ Quý đồ vật như bạn thân (khi giận dỗi quấy khóc, đưa khăn ra thì chơi vs nó như một ng bạn)
Biểu hiện hành vi khuôn mẫu
+ Có thể ngồi im bất động cả chục phút, mắt chỉ nhìn một điểm (Nếu không quan sát kỹ phụ huynh dễ nhầm lẫn, cho rằng con ‘ngoan’, ít quấy hay hướng nội).
+ Có thể nhìn chằm chằm vào một vật khá lâu như bóng đèn, cửa sổ…
+ Thường chỉ chơi với một món đồ chơi duy nhất.
+ Không chịu ăn một loại thức ăn nhất định nào đó.
+ Đi vòng tròn, đi tiến về phía trước (không chấp nhận việc quay lại, ví dụ như đi từ nhà đến sân chơi, nếu phải quay ngược lại thì không chịu, bố mẹ phải cho đi theo cung đường vuông để quay về chứ không thể quay ngược lại ngay).
+ Chống lại mọi sự thay đổi dù là nhỏ nhất (ví dụ, trẻ xếp đồ chơi theo đúng một trật tự và sẽ tỏ ra giận dữ, khó chịu nếu trật tự đó bị thay đổi).
Làm sao để tách con khỏi thiết bị điện tử
Đây là một câu hỏi khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Cho con dùng tiếp thì không đành vì biết chúng không tốt, nhưng không cho con dùng thì không nỡ vì con khóc, bỏ ăn…
Bác sĩ Nguyễn Quốc Văn nói: ‘Khi tách con khỏi thiết bị điện tử thì nhiều cháu phản ứng rất dữ dội. Nhưng cũng không phải là không thực hiện được. Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình quyết tâm khoảng 15 ngày để con không đòi dùng điện thoại hay máy tính nữa. Có những trường hợp lâu hơn thì khoảng vài tuần’.
‘Tôi nhận thấy các phụ huynh đã thành công thường là dùng phương pháp bắt buộc, nhưng cũng có thể tách con khỏi thiết bị điện tử một cách từ từ bằng cách giảm dần thời gian sử dụng’ – bác sĩ Nguyễn Quốc Văn chia sẻ.
Một số biện pháp mà cha mẹ có thể áp dụng tại nhà.
+ Giảm thời lượng tiếp xúc với TV, điện thoại, máy tính của con xuống từ từ. (Nhiều gia đình cho rằng chỉ cần giảm thời gian để trẻ nghịch điện thoại là đủ, tuy nhiên đây phải là giảm thời lượng tổng, kể cả thời gian trẻ chỉ ngồi bên cạnh lúc bố mẹ đang xem chứ không tập trung xem).
+ Ngay cả bố mẹ cũng cần giảm thời gian dùng thiết bị điện tử: Thứ nhất là để trẻ cũng hạn chế tiếp xúc với TV khi bố mẹ đang xem, thứ hai là để bố mẹ có nhiều thời gian hơn để tập trung dành cho trẻ.
+ ‘Đánh lạc hướng’: Thực tế là chúng ta không thể bỏ được thói quen nào, mà chỉ có thể thay thói quen này bằng thói quen khác. Bố mẹ không nên ‘thỏa hiệp’ bằng cách đưa cho con điện thoại khi con khóc đòi, mà có thể ‘đánh lạc hướng’ bằng một món đồ chơi khác.
+ Chấp nhận cơn giận dữ của trẻ: Trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ do khó biểu đạt sự giận dữ của mình bằng lời nói, nên cơn giận càng mãnh liệt hơn. Nhiều phụ huynh cảm thấy sợ hay xót con nên tìm mọi cách thỏa mãn nhu cầu lúc ấy của con.
Thay vào đó, phụ huynh nên chấp nhận rằng trẻ cần thời gian để bình tĩnh lại, và thời gian này ở mỗi trẻ là khác nhau, có khi kéo dài nhiều ngày.
Tuy nhiên phụ huynh không nên bỏ mặc trẻ trong lúc đó, mà nên gần gũi, động viên trẻ, tìm một hoạt động khác thay thế, và tuyệt đối không được cáu giận, quát mắng trẻ.
+ Tìm cho con các trò chơi mới: Thời gian ban đầu, trẻ sẽ khó thích nghi với các trò chơi này do đã quen với trò chơi điện tử – hình thức giải trí thụ động.
Lúc này, phụ huynh cần dành thời gian chơi cùng con, sau đó có thể đặt ra các ‘thử thách’ để con tự giải quyết, cho con quen dần với các trò chơi vận động hay trí tuệ.
Tuyệt đối tránh các trò chơi phát ra âm thanh tự động, vì chúng có thể có ảnh hưởng tương tự như TV, điện thoại.
Theo Phunugiadinh