Cộng đồng mạng xã hội đang xôn xao và không ngừng thán phục trước hình ảnh một gian hàng “tự động” tại Nhật Bản. Khi mà tính trung thực và niềm tin được đặt lên hàng đầu, người ta sẽ không cần tốn thời gian hay công sức để trông coi, chỉ cần báo giá hàng hóa, cạnh đó đặt chiếc thùng rồi cuối ngày người chủ tiệm sẽ quay lại để đếm tiền và… dọn hàng về.
Trên trang facebook Nhật Bản Tôi Yêu mới đây có đăng bức ảnh về một gian hàng bán nông sản không cần người trông coi ở Nhật Bản.
Theo như bức ảnh, người chủ chỉ cần bày hàng lên, ghim giá cả và để một thùng đựng tiền ở đó, rồi đi làm việc khác. Ai muốn mua hàng sẽ tự chọn, tự cân và bỏ tiền vào thùng. Chiều đến, người chủ quay lại dọn hàng, lấy tiền trong thùng. Nhưng có một điều bất ngờ là, số tiền thu được lại không thiếu một xu, và gian hàng cũng không bị mất một hạt đậu nào!
“Người Nhật suy luận nếu họ tin tưởng nhau, thì họ không cần phải canh nhau, và họ được dư một công lao động!”, chủ nhân bức ảnh nhận xét.
Nhiều người đã từng du học hoặc làm việc tại Nhật Bản khi xem bức ảnh cũng xác nhận việc này là đúng.
Sau khi ông Nguyễn Thiện – tác giả cuốn Người Việt xấu xí chia sẻ bức ảnh lên facebook cá nhân, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Bạn Đào Thị Thúy Nga chia sẻ: “Đây là nơi những người công nhân hoặc công chức bán những nông sản mà họ trồng trong vườn nhà trong thời gian rảnh rỗi, không phải làm việc ở cơ quan hay nhà máy. Họ không phải nông dân nên sản lượng ít, vì vậy họ để nông sản ven đường để đi làm, chiều về họ mới thu dọn.”
Hầu hết các ý kiến đều khâm phục tính tự giác và lòng tự trọng của người Nhật. Nếu gian hàng này được bán ở Việt Nam thì phần nhiều là hàng hóa sẽ mất sạch trong vòng chưa đầy…10 phút, hoặc cái thùng đựng tiền sẽ “không cánh mà bay”.
Thành viên Giang Nguyen Hong cho hay, tại Đức cũng có những gian hàng bán hoa tương tự như thế này. Người ta chỉ cần niêm yết giá, khách hàng sẽ tự phục vụ bằng cách ai mua tự ra vườn cắt, sau đó nhét tiền vào khe hòm ở đó.
Những gian hàng này xuất hiện tại nhiều nơi trên khắp Nhật Bản và có tên gọi là “Mujin Hanbaisho” có nghĩa là cửa hàng không người bán. Điều đó xuất phát là do sự tin tưởng nhau và lòng trung thực cao độ của mỗi người dân nơi đây. Một số người có thể làm hai công việc ở hai nơi khác nhau nhưng lại cùng chung một thời gian. Chỉ cần một khu vườn nhỏ để họ trồng rau, củ quả sau giờ làm việc. Sau đó thu hoạch và bày bán tại cửa hàng nhỏ “không người bán” của mình.
Ngoài những gian hàng nông sản như vậy, ở Nhật còn có cả những gian hàng bán quần áo ngay trên phố với hình thức không chủ tương tự, tất cả đều dựa vào sự tự giác và lòng tin giữa người bán với người mua.
Trên thực tế, tại Việt Nam trước đây, việc mua – bán hàng tự giác, không cần người trông coi như trên cũng đã từng diễn ra.
Theo facebooker Nghiem Ho Quang, thì ông ngoại của anh kể rằng vào khoảng những năm 50 ở vùng quê Trà Vinh cũng có những sạp bán rau quả tự trồng của nông dân như thế. Sáng trước khi đi ruộng, rẫy người nông dân đem bày các rau quả tự trồng như bầu bí mướp, đu đủ, mía,… ra sạp trước cổng nhà, bên cạnh được treo một ống tre. Giá cả có sẵn, ai mua thì bỏ tiền vào ống tre đó. Đến chiều người chủ cửa hàng về chỉ cần cất tiền vào túi.
Còn facebooker Phương Hồ cho hay, mô hình này mấy năm trước đã được một thầy Phó khoa mang về áp dụng cho 1 gian hàng nhỏ tại ĐH Kinh tế TP.HCM, không rõ bây giờ còn không.
Tuy nhiên, ai cũng phải công nhận hiện nay việc bán hàng như vậy ở Việt Nam là vô cùng hiếm, nếu không nói là không tồn tại. Bởi, theo facebooker Vinh Nguyenquang chia sẻ vui gian hàng này ở Việt Nam muốn hoạt động được thì phải lắp thêm 10 cái camera và cử thêm 4 cảnh sát canh chừng cách gian hàng khoảng 10 mét.
Rõ ràng, không thể đổ tại cha mẹ sinh con, trời sinh tính được bởi lẽ hành động này đã chứng tỏ nền giáo dục, ý thức, tính kỉ luật và lòng tự trọng của cả một dân tộc. Những suy nghĩ sẽ tạo thành hành động, những hành động diễn ra thường ngày sẽ tạo thành thói quen, và thói quen lặp đi lặp lại sẽ tạo thành tính nết con người. Hy vọng người Việt chúng ta cũng sẽ chú trọng hơn trong việc nuôi dưỡng những đức tính như thế này, đặc biệt là các bậc cha mẹ cần có trách nhiệm giáo dưỡng cho thế hệ mầm non ngay từ tấm bé để trở thành những người tốt trong xã hội