Cho rằng những tuyến xe đi Hải Phòng luôn tiềm ẩn tính phức tạp, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất phương án phân luồng mới. Theo đó, 43 trên tổng số 90 chuyến/ngày sẽ được chạy “xuyên tâm” theo lộ trình: Cầu Thanh Trì – Vành đai 3 – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi để về bến Yên Nghĩa.
Chủ trương di dời bến xe Lương Yên của UBND TP Hà Nội đã có từ lâu và đến ngày 30/7, giữa doanh nghiệp quản lý bến với đơn vị tổ chức khai thác vận chuyển hành khách liên tỉnh tại bến xe Lương Yên sẽ kết thúc. Các điều kiện để dừng hoạt động của bến xe Lương Yên cũng đã được các đơn vị chuẩn bị đầy đủ.
Theo đó, 38 tuyến xe của 52 doanh nghiệp hoạt động ở bến Lương Yên được điều chuyển về các bến xe Gia Lâm, Nước Ngầm và Yên Nghĩa.
Khi bến xe Lương Yên được di dời, các doanh nghiệp sẽ đứng trước những khó khăn và thử thách rất lớn trước những bến, bãi mới, nhất là lượng khách quen thuộc thường xuyên di chuyển, đi và về tại đây.
Trong số những tỉnh thành có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tại bến xe Lương Yên, Hải Phòng có số lượng xe khách chạy tuyến này nhiều nhất với tổng số 90 chuyến/ngày.
Vì thế, để di chuyển toàn bộ số lượng xe khách chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng khỏi bến xe Lương Yên là một bài toàn rất lớn được đặt ra nhằm đảm bảo sự phân bổ hợp lý cho các bến xe trên Hà Nội, cũng như tránh tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Để phục vụ công tác di dời bến xe khách Lương Yên, ngày 11/7, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất một phương án phân luồng bổ tuyến mới nhằm điều chuyển toàn bộ số lượng xe khách chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng khỏi bến này.
Theo đó, 43 trên tổng số 90 chuyến/ngày sẽ được chạy “xuyên tâm” theo lộ trình: Cầu Thanh Trì – Vành đai 3 – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi để về bến Yên Nghĩa.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tuyển – Phó phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, sự khác biệt lớn nhất của phương án lần này so với kế hoạch trước đó là sự thay đổi về lộ trình chạy trong nội thành của 43 chuyến về bến Yên Nghĩa (Hà Đông). 47 chuyến còn lại vẫn sẽ chạy từ Cầu Thanh Trì về bến Nước Ngầm.
Lý giải cho sự đổi khác này, theo ông Tuyển, do những tuyến xe đi Hải Phòng luôn tiềm ẩn tính phức tạp, trong khi đó, thực trạng tại nút giao thông BigC (giao Đại lộ Thăng Long và đường Vành đai 3) đang rất nhốn nháo, tình trạng xe bắt khách diễn ra khá phổ biến.
“Nhằm rút ngắn quãng đường các xe khách chạy trên đường Vành đai 3 gây ùn tắc giao thông, 43 chuyến xe đi Hải Phòng sẽ từ đường trên cao xuống ở nút giao Nguyễn Trãi rồi theo đường này về bến Yên Nghĩa”, vị Phó phòng Quản lý vận tải thông tin.
Như vậy, nếu phương án trên được duyệt, bến xe Yên Nghĩa tới đây sẽ có khoảng 140 lượt xe chạy về Hải Phòng mỗi ngày. Ngoài 43 tuyến mới được phân bổ chạy theo lộ trình như đã nói ở trên, các chuyến còn lại giữ nguyên lộ trình cũ, đi theo đại lộ Thăng Long.
Bình luận về phương án mới này, ông Nguyễn Quý Đại (Phó Tổng thư kí Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam) cho rằng, sở GTVT Hà Nội “dường như đã quá vui tính” khi lựa chọn một phương án mà “nhìn qua đã thấy bất cập”.
“Nếu muốn biết đường Nguyễn Trãi đông như thế nào, xin mời hãy tới đây vào giờ đi làm và tan tầm mỗi ngày. Không phải tự dưng mà lâu nay tuyến đường này cấm khá nhiều loại xe. Đã thế, Nguyễn Trãi rồi xuống Quang Trung còn xuyên qua nhiều khu đô thị lớn và nhiều trường đại học nữa, càng tạo điều kiện cho tình trạng xe chạy rề rề “vợt” khách. Rõ ràng, việc “lèn” thêm 43 chuyến xe khách vào đường này mỗi ngày chưa thấy lợi đâu, mà toàn bất cập”, ông Đại nêu ý kiến.
Ông Đại cho rằng, việc chuyển toàn bộ 90 tuyến xe khách Hà Nội – Hải Phòng từ Lương Yên về Nước Ngầm là vừa khoa học, vừa tiết kiệm lại vừa thiết thực bởi không cần lập lại biểu đồ xuất bến. “Việc xây dựng kế hoạch lần này của Sở GTVT dường như càng đi ngược hơn với chủ trương hạn chế xe “xuyên tâm” của thành phố”, ông Đại nói.
Theo quan sát của PV, dọc tuyến đường Quang Trung – Nguyễn Trãi có nhiều ngã tư, ngã ba, điểm quay đầu không có đèn xanh đèn đỏ. Chính vì điều này, đã làm giao thông bị hỗn loạn.
Vào giờ cao điểm như buổi sáng và cuối giờ chiều là hai thời điểm xảy ra ùn tắc kéo dài nghiêm trọng nhất. Tại các ngã ba, ngã tư không có đèn tín hiệu, các phương tiện tham gia giao thông qua đường, quay đầu tràn lan. Nhiều đoạn đường đã thi công xong công trình đường sắt trên cao, đường rộng rãi nhưng vẫn luôn xảy ra tình trạng ùn tắc khi lượng xe tăng đột biến vào giờ cao điểm.
Như vậy, với đề xuất “phương án lạ” của Sở GTVT Hà Nội, trong viễn cảnh không xa, nỗi lo tắc nghẽn giao thông của người dân về những cung đường nói trên càng thêm hiện hữu.