Dù đã qua đời năm 2016, khả năng giao phối của chú gấu trúc Pan Pan 31 tuổi sẽ mãi là huyền thoại.
Pan Pan, con gấu trúc khổng lồ với khả năng giao phối siêu phàm đã một tay cứu giúp tương lai của loài vật vật nổi tiếng khó gây giống. Tiếc thay, Pan Pan đã qua đời vào cuối năm 2016, tại khu bảo tồn ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Ở tuổi 31, Pan Pan được cho là con gấu trúc đực nhiều tuổi nhất thế giới. Trong tự nhiên, gấu trúc chỉ sống được trung bình 20 năm, nhưng trong điều kiện nuôi nhốt tuổi thọ của chúng kéo dài hơn.
Theo lời một trong những người chăm sóc Pan Pan, tuổi thọ của chú phải tương đương người 100 tuổi. Tuy nhiên, Pan Pan đã sống với bệnh ung thư và qua đời chỉ vài ngày sau khi sức khỏe xấu đi rõ rệt.
Theo New York Times, Pan Pan được sinh ra trong tự nhiên vào năm 1985 và mau chóng được đưa về khu bảo tồn để nhân giống. Chú gấu trúc này có biệt tài làm… gấu trúc cái mang thai, điều này được coi là thần kỳ vì gấu trúc cái chỉ động đực 2 – 3 ngày/năm. Các nhà động vật học Mỹ từng phải thốt lên rằng, gấu trúc cái là loài vật ít có hứng thú với sex nhất thế giới…
Để giải thích cho khả năng đặc biệt của Pan Pan, phát ngôn viên của trung tâm bảo tồn ở Tứ Xuyên cho hay chú gấu trúc này “giữ được ngoại hình và vóc dáng mạnh mẽ dù đã già”. Đây là lợi thế lớn giúp Pan Pan chiếm được cảm tình của vô số gấu trúc cái.
Tân Hoa Xã báo cáo, Pan Pan có hơn 130 hậu duệ. Tính riêng con cái, cháu chắt của nó đã chiếm gần 1/4 trong số hơn 420 con gấu trúc nuôi trong các khu bảo tồn trên toàn thế giới.
Con cháu của Pan Pan có thể được tìm thấy trên khắp thế giới. Vào tháng 9/2016, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã bỏ gấu trúc ra khỏi danh sách “động vật có nguy cơ tuyệt chủng”. Khẳng định những nỗ lực của Trung Quốc để bảo tồn môi trường sống của gấu trúc. Tính đến năm 2016, tổ chức này ước tính có 1864 con gấu trúc khổng lồ sống ngoài tự nhiên, chưa kể gấu trúc con dưới 18 tháng tuổi.
Tham khảo New York Times
Theo Genk