Lục lại lịch sử, cuộc đánh ghen những năm 60 của thế kỉ trước, cho thấy phụ nữ thời nay còn quá hiền với “tiểu tam”.
Dạo gần đây, không ít các video về đánh ghen tàn bạo được tung lên mạng với sự hả hê có, thương xót có dành cho nạn nhân. Nhưng lục lại lịch sử, cuộc đánh ghen những năm 60 của thế kỉ trước, cho thấy phụ nữ thời nay còn quá hiền với “tiểu tam”.
Ngày 18/7/1963 cả Sài Gòn hoa lệ nóng hừng hực với các số báo đăng tin “Vũ nữ số 1 Sài thành bị tạt axit”, “Khuôn mặt quái vật của mỹ nhân sau khi bị đánh ghen”…. Người người bàn tán, nhà nhà râm ran. Sao mà không ồn ào cho được khi nạn nhân chính là cô vũ nữ vạn người mê, thỏi nam châm thu hút khách của vũ trường Kim Sơn (nay là số 2 đường Trần Hưng Đạo) – vũ nữ Cẩm Nhung.
Vì sao một cô nàng vũ nữ xinh đẹp khét tiếng, không thiếu ong bướm vậy quanh xin chết lại bị đánh ghen đến mức huỷ hoại nhung nhan? Chung quy cũng là bởi “tình yêu”, nhiều người theo đuổi là vậy nhưng Cẩm Nhung chỉ chú ý và trao trái tim mình cho trung tá Thức, một người đàn ông đã có gia đình. Rồi sao nữa, nàng cam tâm làm kiếp phòng nhì, không đòi danh phận, ngoan ngoãn chỉ cần yêu thương.
Thế nhưng, cuộc đời đâu có im ắng vậy, chuyện gì rồi cũng đến tai bà cả, mà bà cả cũng muốn giữ danh tiếng cho chồng, đã 5 lần 7 lượt tìm Cẩm Nhung, mong nàng hồi tâm chuyển ý thế nhưng… sao Cẩm Nhung có thể bỏ được tình yêu của mình cơ chứ. Và chuyện gì đến cũng phải đến, vào một đêm tối mùa hè ngày 17/7/1963, trong lúc đang bước từ nhà riêng lên chiếc taxi để di chuyển đến vũ trường, Cẩm Nhung thấy bóng ai đó hất mạnh 1 ca nước vào mình. Nóng rát, đau đớn khiến nàng phát ra tiếng hét thất thanh, xé toạc cả màn đêm tịch mịch.
Và ai, ai lại quá đỗi cả gan dám động đến đào nhí của người đàn ông thét ra lửa – trung tá Thức. Câu trả lời không mấy ngạc nhiên, chủ mưu vụ đánh ghen máu lửa này không ai xa lạ, mà chính là bà Năm Raddo, vợ ông.
Không ghen sao được khi người đầu ấp tay gối của mình lại say mê, bỏ cả gia đình chỉ vì cô vũ nữ nóng bỏng gốc Hà thành với cái tên mỹ miều Cẩm Nhung. Không điên lên sao được khi đã ngọt nhẹ đủ đường với “tiểu tam” nhưng nàng vẫn không chịu buông tha chồng bà? Ngay đến cả Hoạn Thư còn phải thốt rằng “Đàn bà dễ có mấy tay, Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan. Dễ dàng là thói hồng nhan. Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều.” thì âu hành động của bà Năm Rờ cũng chỉ là tức nước vỡ bờ mà thôi.
Vụ án đánh ghen này là vụ án dùng axit lần đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam. Từ hơn nửa thế kỷ trước, phụ nữ Việt Nam đã biết dằn mặt tình địch bằng dung dịch hóa chất có khả năng sát thương, huỷ hoại dung nhan tàn ác, khiến người thứ 3 muốn sống không được, chết không xong, quả là táo tợn.
Cuộc đánh ghen như một trái bom bùng nổ, cảnh tỉnh các phòng nhì của quý ông thời bấy giờ. Đến mức Trần Lệ Xuân – đệ nhất phu nhân chế độ cũ phải dẹp ngay các vũ trường, ra lệnh phạt đối với các mối quan hệ vượt qua luân lý 1 vợ 1 chồng. Và bà cũng ra tay nghĩa hiệp, đưa Cẩm Nhung chữa trị khắp nơi, sang cả nước Nhật xa sôi. Tuy nhiên, y học thời đó chưa phát triển nên chỉ có thể giữ lại tính mạng cô vũ nữ chứ không níu kéo được nhan sắc nàng.
Sau sự việc vũ nữ Cẩm Nhung, như 1 sự mở màn, Sài Gòn nổi lên phong trào đánh ghen bằng axit, chỉ tính riêng năm 1964 đã có hơn chục vụ.
Về phần cô vũ nữ xấu số, sau khi bị tạt acid, nhan sắc huyền thoại một thời đã không còn nữa, thay vào đó là khuôn mặt biến dạng, các mảng da bong tróc, đôi mắt mù lòa lồi hẳn ra ngoài như nhân vật trong phim kinh dị. Tỉ lệ thuận với nhan sắc, tiền tài của cải Cẩm Nhung cũng tiêu tan như mây khói. Còn người thề non ước hẹn, người khiến cô ra nông nỗi này – trung tá Thức bị phế chức ngay sau sự việc đánh ghen và cũng trốn chạy người tình một thời của mình như trốn nợ.
Về sau, khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, và cũng nướng hết tài sản của mình vào nàng tiên trắng, cờ bạc, Cẩm Nhung lê bước ra chợ Bến Thành đi hành khất. Cô còn gây chú ý bằng việc đeo trước ngực tấm hình thời vàng son của mình chụp cùng người tình để thu hút sự quan tâm của người đi đường.
Cô lê bước khất thực khắp nhiều tuyến đường ở Sài Gòn rồi sau đó dạt về bến phà Mỹ Thuận ở miền Tây. Bị đưa vào trung tâm nuôi người tàn tật nhưng cô trốn ra tiếp tục ăn xin. Sau này cô chỉ còn bức hình chân dung để đeo trước ngực và cuối cùng là tấm bảng “vũ nữ Cẩm Nhung”.
Đúng nửa thế kỷ sau vụ đánh ghen, vào đầu năm 2013, Cẩm Nhung qua đời tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang vì già yếu và bệnh tật.
Cẩm Nhung như một bông hoa sớm úa tàn vì lao đầu vào cạm bẫy thiêu đốt hồng nhan: làm người thứ ba. Chỉ vì một phút lầm đường mà mang tai ương cả đời còn lại. Trong những câu chuyện tình, người thứ ba thường sẽ bị ghét và sỉ vả đến cùng cực, nhưng với kết cục quá bi đát của Cẩm Nhung, người ta thấy chua xót và đáng thương hơn.
Thế nên, ai đã và đang vô tình hoặc hữu ý làm người thứ ba, hãy sớm tỉnh táo dừng lại. Tình chỉ đẹp khi thực sự vẹn tròn và không cần giành giật, sẻ chia.