“Shark Phú hôm nay không còn là Shark Phú của ngày xưa nữa” – câu nói đùa của Shark Phạm Thanh Hưng trong Shark Tank Việt Nam mùa 2 tập 6 lại là câu mô tả chính xác nhất vị cá mập chắc cú này trong mùa 2.
Còn nhớ kết thúc Shark Tank Việt Nam mùa 1, Chủ tịch HĐQT Sunhouse là vị Shark cam kết xuống tiền nhiều nhất với tổng số tiền cam kết là 28,8 tỷ đồng, rót vào cho 8 Startup.
Cách rót tiền của Shark Phú ngày xưa…
Tuy nhiên sang mùa 2, Shark Phú trở nên “kén ăn” và “ăn” thận trọng hơn. Shark Tank mùa 2 đang đi đến những tập cuối, và vị cá mập này mới chỉ cam kết rót tiền vào 2 Startup là cầu dắt xe thông minh Dô Ta và mắm truyền thống Lê Gia.
…và Shark Phú ngày nay.
Tổng khoản tiền cam kết của Shark Phú tính đến thời điểm này là 8,65 tỷ đồng, và tất cả đều là khoản trái phiếu chuyển đổi với lãi suất từ 15 – 20%.
Mức lãi suất này khá cao so với lãi suất ngân hàng, và cao so với mặt bằng chung của thế giới. Ngay cả Shark Dzung – vị cá mập “thiên thần” khi áp dụng công cụ trái phiếu chuyển đổi thì mức lãi suất phổ biến cũng ở mức 10%.
Trong case của mắm Lê Gia, bản thân Shark Dzung cũng đồng ý cho Startup này vay 2 tỷ đồng không đòi hỏi cổ phần với mức lãi suất 10%, nhưng sau nâng lên 15% do không thể có tình trạng cùng một đồng tiền cho vay mà có tới 2 mức lãi suất khác nhau.
Hình thức cho vay dưới dạng trái phiếu chuyển đổi là công cụ bảo toàn đồng vốn cho nhà đầu tư. Theo lý giải của Luật sư Lâm Tuấn Minh, CEO kiêm đồng sáng lập Lp Investment & Consulting trên group Cộng đồng Shark Tank Việt Nam: Về bản chất, nếu startup thành công, nhà đầu tư sẽ chuyển số tiền rót vào thành cổ phiếu từ đó sở hữu cổ phần công ty. Trường hợp “cơm không lành, canh không ngọt”, trái phiếu là khoản nợ mà startup có nghĩa vụ phải trả cả gốc lẫn lãi cho nhà đầu tư.
Quay trở lại khoản tiền cam kết rót vốn 8,65 tỷ đồng của Shark Phú, đây là khoản cam kết rót vốn thấp nhất trong mùa 2 tính đến thời điểm này. Vị Shark chính mùa 1 cam kết rót tiền ít nhất là Shark Hưng, nhưng sang mùa 2 thì Shark Hưng đã cam kết rót 10,6 tỷ đồng, cao hơn cả Shark Phú.
Nếu so với các vị Shark khách mời thì khoản cam kết rót tiền của Shark Phú lại càng “nhỏ bé”, khi Shark Louis đã cam kết rót tới 12,5 tỷ đồng, “cá mập phàm ăn” – Shark Thủy xuất hiện 4 tập cũng cam kết rót hơn 24,8 tỷ đồng, Shark Việt rót tới hơn 47 tỷ đồng (*).
Với các khoản rót vốn mùa 1, tính đến 20/6, có 2/8 Startup thuộc “team Shark Phú” được nhận đầu tư. 3/8 Startup thất bại sau DD (Due Diligence – Thẩm định doanh nghiệp) hoặc không lựa chọn đồng hành cùng Shark. 1 Startup thành công sau DD và đang trong giai đoạn chờ vốn rót. 2 Startup không tiết lộ thông tin.
Tính ra, số tiền đã giải ngân của Shark Phú (giả sử khoản vốn góp trong các deal chung đều cưa đôi) mới ở mức gần 6 tỷ đồng. Khoản vốn rót cam kết của Shark Phú trong mùa 1 là 28,8 tỷ đồng.
Mức vốn thực rót thấp hơn cam kết là hiện trạng phổ biến trong các chương trình Shark Tank trên thế giới vì nhiều lý do. Một điều tra của Forbes trên 319 doanh nghiệp nhận được quyết định đầu tư trong 7 mùa đầu của Shark Tank cho thấy: Có tới 73% (khoảng 3/4) trong số đó không nhận được cam kết đầu tư chính xác như diễn ra trên sóng truyền hình.
Mặc dù vậy, nhiều người chơi mà tờ Forbes tiếp cận cho rằng việc được xuất hiện trên sóng truyền hình thậm chí còn đáng giá hơn cả vấn đề thỏa thuận đầu tư có được thiết lập hay không.
Có lẽ đây chính là câu nói lý giải được chuyện gì đang xảy ra với Shark Phú một cách rõ ràng nhất khi trong mùa 2, vị Shark này trở nên thận trọng và kén ăn hơn hẳn
Theo Tingioitre