Sau sinh, sức khỏe của người mẹ suy giảm rất nhiều và chính lúc này, sự quan tâm, giúp đỡ của các ông bố là điều rất cần thiết. Vậy các bố nên chăm sóc vợ mình sau khi sinh như thế nào?
- Giúp vợ mình sạch sẽ
Là người gần gũi thân thiết với vợ nhất, các bố hãy giúp vợ mình làm sạch thân thể bằng cách lau mình cho cô ấy. Lau mình toàn thân thì các bố chỉ cần nước sạch – ấm, pha một chút dầu nóng rồi dùng khăn mềm lau khắp mặt, thân mình, đặc biệt là bàn tay, bàn chân. Khi lau mình cho vợ, cần làm thật kín đáo, đừng e ngại, cũng đừng sợ hãi.
Hơn ai hết, các bố là người hiểu rõ sức khỏe của vợ con mình quan trọng đến mức nào. Giúp cô ấy sạch sẽ cũng là cách để làm cô ấy khỏe hơn, cũng là cách giữ cho con bạn được khỏe mạnh khi tránh khỏi bụi bẩn, vi trùng. Vệ sinh núm vú trước khi cho bé bú cũng là cách giữ an toàn cho bé. Một lưu ý dành cho các ông bố, đó là những bà mẹ sinh tự nhiên có thể được phép tắm gội bình thường (với sự trợ giúp của chồng). Các bà mẹ sinh mổ cũng có thể tiếp xúc với nước nếu như đảm bảo vết thương được khô ráo.
- Giúp vợ mình bổ sung dinh dưỡng
Sau khi sinh, các bà mẹ mất rất nhiều máu cũng như có sự xáo trộn mạnh về nội tiết tố đang diễn ra quyết liệt trong cơ thể. Vì vậy, cô ấy cần được phục hồi sức khỏe để đáp ứng với những đòi hỏi chính đáng của cơ thể. Bố lúc này có thể giúp vợ bằng cách làm (hoặc mua) cho nàng những món bổ dưỡng, hay ít nhất là can thiệp mạnh mẽ vào thực đơn của nàng (giúp nàng tránh khỏi những quan niệm kiêng cữ cổ hủ của các cụ trong gia đình).
Muốn làm được điều này, ngoài sự nhiệt tình ra, các ông chồng cần có kiến thức. Ví dụ: Cô ấy cần dung nạp đủ 4 nhóm dưỡng chất như bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để cung cấp dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh phục hồi. Nếu thực đơn của cô ấy chỉ có nạc heo kho nghệ, thịt heo kho gừng, thịt heo rang mặn, giò heo nấu đu đủ… là không đủ dinh dưỡng. Hãy nghiên cứu để nấu, hoặc để đặt hàng cho nàng những món ngon mỗi ngày, vừa đủ dinh dưỡng, vừa lợi sữa để nàng nuôi con cho bạn nhé!
- Giúp vợ cho con bú
Vì sau khi sinh, cơ thể mẹ còn đau nên sẽ rất khó để giữ cho bé bú đúng tư thế. Các bố cũng cứ yên tâm rằng con của chúng ta rất thông minh, bé có thể biết bú ngay từ khi mới sinh mà chẳng cần luyện tập gì cả. Chỉ cần cho bé tiếp xúc với núm vú mẹ, bé sẽ tự tìm ti, ngậm đầu ti và mút mút mút nhiệt tình. Nếu các bố cảm thấy khó khăn khi giúp vợ cho con bú, các y tá sẽ sẵn sàng giúp bố cách cho con bú mẹ.
Thao tác mút vú mẹ của con sẽ kích thích hormone trong cơ thể, kích hoạt nhà máy sản xuất sữa trong cơ thể mẹ để sản sinh sữa. Một số bà mẹ có thể mất 2-3 ngày sữa mới về, do đó, nếu bố giúp bé bú mẹ càng sớm thì sữa về càng nhanh. Nếu bố thấy mẹ ít sữa, bé khóc ầm ĩ vì mút hoài mà sữa không ra thì cũng đừng vội phán mẹ ít sữa nhé. Thay vào đó hãy giúp cả hai mẹ con trong những lần đầu bú mớm.
Nếu mẹ sinh mổ, bố có thể giúp mẹ cho con bú nằm để tránh làm đau vết mổ. Nếu ai đó gào ầm lên rằng không được cho con bú nằm thì các bố cứ thẳng tay bênh vợ, bởi vì chẳng có gì sai ở đây cả. Nếu có ai đó sai ở đây, thì đó chính là người đã không biết cảm thông và chia sẻ với người mẹ mới sinh thôi!
- Giúp vợ chăm sóc vết thương sau khi sinh
Các bố hãy nhớ: vết thương ở mẹ sinh thường hay sinh mổ cũng phức tạp như nhau. Vết khâu tầng sinh môn sẽ làm nàng đau đến tan chảy. Bởi vì phần da thịt nhạy cảm ở âm đạo bao gồm rất nhiều dây thần kinh và mạch máu khiến các vết khâu mau lành hơn nhưng cũng có nghĩa là rất rất đau. Vì vậy, bố chỉ cần làm sạch vết khâu bằng nước ấm, sau đó lau khô, rồi giúp nàng thay băng vệ sinh thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm trùng và ẩm ướt từ nước ối.
Nếu là vết mổ lấy thai thì đơn giản hơn, các bác sĩ sẽ giúp các bố chăm sóc vết thương cho vợ. Vết thương ở bụng thì chỉ cần rửa bằng nước muối sinh lý, bôi dung dịch sát trùng là đủ. Nhưng các mẹ sinh mổ vẫn rất cần thay băng vệ sinh 4 tiếng/lần. Lúc này các bố cố gắng giúp vợ rửa-lau-thay khi nàng cần (bởi vì dịch vụ vệ sinh vùng kín ở bệnh viện chỉ làm duy nhất 1 lần/ngày, mà nhu cầu của nàng thì có thể là 3-5 lần/ngày).
- Giúp vợ ổn định tâm lý sau khi sinh con
Bà mẹ sau sinh có rất nhiều tâm sự mà không thể nói ra, ví dụ: đau quá không chịu nổi mà cũng chẳng ai san sẻ được, buồn ngủ quá mà không ngủ nổi vì đau và vì chăm con, ức chế quá vì sữa mãi chưa về mà có vài người xung quanh cứ bảo “tí to thế mà không có sữa”, mệt lắm mà cứ phải ăn mấy món nhạt nhẽo, muốn bế con quá mà người đau như dần thế này thì chỉ bất lực nhìn con nằm ngoan trong vòng tay người khác…, chưa kể lời ong tiếng ve này nọ, thế là buồn, thế là trầm cảm.
Nếu không được thấu hiểu và chia sẻ, mẹ sẽ rơi vào trạng thái cô đơn hay chán nản. Tình trạng này một phần cũng do những thay đổi nội tiết tố đột ngột gây ra. Tức là các hormone từ nhau thai khi mang thai sẽ làm cho cô ấy cảm thấy sảng khoái, tỉnh táo, vui vẻ, hạnh phúc, nhưng các hormone này giảm sút ngay sau khi sinh khiến các mẹ thay đổi tâm trạng. Và thế là nếu không được chồng quan tâm chia sẻ, trầm cảm sẽ xảy ra.
Có nhiều cách các bố có thể làm để giúp vợ vượt qua tình trạng này, như cho cô ấy nghe nhạc nhẹ nhàng, tìm cho nàng một người bạn hoặc người thân để nói chuyện hay thảo luận về chuyện làm mẹ, hoặc chính các bố ở bên cạnh nàng thôi cũng làm nàng cảm thấy an toàn, giảm căng thẳng, lo lắng, và làm cho nàng thoải mái hơn.Khi nàng khỏe mạnh, tâm trí nàng thoải mái, nàng sẽ nhanh chóng phục hồi và sẵn sàng để chăm sóc em bé ngay từ bây giờ.
10 việc làm thiết thực bạn có thể giúp đỡ và chăm sóc vợ sau sinh
Giúp nàng chăm sóc vết thương sau sinh: Dù sinh thường hay sinh mổ thì việc chăm sóc vết thương sau sinh cũng đều phức tạp như nhau. Nếu cô ấy sinh thường bạn có thể giúp vợ chăm sóc vết khâu tầng sinh môn bằng cách làm sạch vết khâu bằng nước ấm, sau đó dùng khăn khô, mềm nên chọn loại khăn không có nhiều sợi bông. Vì nếu nhiều sợi, bông sẽ bám vào vết khâu gây nhiễm trùng. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên giúp vợ thay băng vệ sinh, cứ 4 giờ thay một lần để tránh viêm nhiễm cho cô ấy. Còn nếu cô ấy sinh mổ các bác sĩ sẽ chăm sóc vết thương cho cô ấy. Vết thương thường được rửa bằng nước muối sinh lý, sau đó bôi dung dịch sát khuẩn. Lúc này, cô ấy rất khó khăn trong việc di chuyển và vận động nên rất cần bạn giúp đỡ đi lại, vệ sinh cá nhân, thay băng vệ sinh.
Nhanh chóng học cách thay tã, bế bé, vỗ về và dỗ bé nín khóc, hay cho bé bú bình, ăn sữa ngoài, quấy bột, cho bé ăn, vv… Cần cho vợ bạn thấy rằng cô ấy có thể tin tưởng bạn. Tận dụng mọi sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè hoặc hàng xóm. Tuy nhiên đó phải là những sự giúp đỡ thật sự hữu ích.
Lưu số điện thoại của bác sĩ, bệnh viện hay những cuốn sách dạy cách chăm sóc bà xã và em bé mới sinh.Giúp cô ấy ổn định tâm lý: Sau sinh nếu không được người thân, đặc biệt là anh xã thường xuyên giúp đỡ và chia sẻ người phụ nữ dễ bị chứng trầm cảm. Vì thế các bố hãy dành nhiều thời gian bên vợ của mình. Lắng nghe những tâm sự, khó khăn mà cô ấy đang gặp phải. Động viên và giúp vợ có được sự tự tin trong vai trò mới.
Tự chăm sóc tốt bản thân mình để có sức khỏe tốt: Bé con có thể hay quấy khóc và thức dậy lúc nửa đêm, khiến cả bạn và bà xã đều mệt mỏi. Cách duy nhất là ăn thật nhiều để có sức mạnh “chiến đấu”. Giai đoạn này giấc ngủ luôn quý giá và rất tốt đối với vợ bạn.
Kết nối yêu thương gia đình: Thỉnh thoảng khi bé con dễ tính, hãy nhắc vợ về những điều kỳ diệu mà cô ấy đã mang đến thế giới của bạn. Hãy cùng vợ kiểm tra ngón tay, ngón chân, mắt, mũi của con và nói chuyện về tương lai của bé.
Bạn có thể giúp đỡ vợ những việc vặt trong nhà: giặt giũ, nấu cơm, mua đồ, vv… để cô ấy có thời gian nghỉ ngơi, như thế mới mau phục hồi sức khỏe sau sinh được.
Giúp vợ mình bổ sung dinh dưỡng: Chồng lúc này có thể giúp vợ bằng cách làm (hoặc mua) cho nàng những món bổ dưỡng, hay ít nhất là can thiệp mạnh mẽ vào thực đơn của nàng (giúp nàng tránh khỏi những quan niệm kiêng cữ cổ hủ của các bậc trưởng lão trong gia đình). Muốn làm được điều này, ngoài sự nhiệt tình ra, các ông chồng cần có kiến thức.
Massage cho vợ: Bởi sau khi sinh, cơ thể người vợ thường rất đau, cơ thể, còn yếu, hay bị đau nhức, mệt mỏi,… bạn có thể giúp cô ấy bóp vai, massage lưng, chân, hoặc chườm nước nóng (muối nóng, muối ngải cứu, muối gừng, muối thảo dược) lên bụng kết hơp với massage sẽ giúp cô ấy giảm những cơn đau dạ con sau sinh.
Theo myeva