Quần áo, đồ chơi, hay vật trang trí “Made in China” được bày bán tràn lan trên khắp thị trường. Ngoại hình bắt mắt và giá rẻ đến bất ngờ của chúng khiến ta tự hỏi: Tại sao Trung Quốc có thể sản xuất ra những sản phẩm giá rẻ như vậy? Và tại sao chất lượng của chúng lại thấp kém, thậm chí còn độc hại đến thế?
Có lẽ bạn cũng cảm nhận rằng, dường như có điều gì đó mờ ám đang diễn ra… âm thầm trong bóng tối… Và có những bí mật chưa kể… thấm đầy máu và nước mắt…
Các nhà tù lao động khổ sai
Rất ít người tiêu dùng biết rằng, phần lớn các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc được làm trong các nhà tù và trại lao động cưỡng bức. Trên khắp Trung Quốc có hàng trăm nhà tù và vô số các trại lao động như thế. Những tù nhân trong đó, cho dù đã kết án hay không, đều bị vắt kiệt sức lực để trở thành nguồn lao động giá rẻ – nếu không muốn nói là lao động không công.
Đơn cử như nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh, tiền thưởng cho các lính canh gắn liền với sản lượng. Do vậy, các lính canh trong từng khu giam giữ đều tìm cách khiến tù nhân làm việc và làm việc nhiều hơn nữa. Họ phải lao động từ 14-15 tiếng mỗi ngày, thậm chí là 18-20 tiếng mỗi ngày nếu đó là sản phẩm gấp. Sẽ có chỉ tiêu cho từng người: Nếu không đạt chỉ tiêu, họ sẽ bị cấm ăn, cấm ngủ, thậm chí còn bị đánh đập và đối xử bạo tàn.
Từ lời kể của tù nhân đến bức thư cầu cứu
Cô Vương Xuân Anh, một tù nhân trong trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia kể lại:
“Không giống như các tù nhân thông thường, các học viên Pháp Luân Công không có nhà xưởng để đến lao động cưỡng bức. Thay vào đó, căn phòng mà chúng tôi bị giam giữ được sử dụng làm phòng ngủ, nhà xưởng và nhà kho. Chúng tôi bị ép buộc làm các bó hoa nhựa để xuất khẩu. Keo được sử dụng trong quá trình này có độc tố cao. Chúng tôi bị bắt xếp hàng ở hai bên các thùng giấy và liên tục làm việc”.
“Các sản phẩm được cất giữ ở góc phòng. Không khí trong phòng chứa đầy hơi độc của keo. Nhiều người trong chúng tôi bị dị ứng với keo độc hại. Hậu quả là, da của một số học viên xuất hiện các nốt thâm. Tôi bị ho nặng và thậm chí thường xuyên ho ra máu.”
Câu chuyện kể trên của cô Vương chỉ là một trong hàng ngàn những tù nhân lao động khổ sai trên khắp Trung Quốc. Những sự tình như thế, tất nhiên, luôn bị chính quyền giấu kín. Mọi chuyện chỉ được hé lộ cho đến khi một bức thư cầu cứu tìm đường ra hải ngoại.
Đó là một ngày trước lễ Haloween năm 2012. Cô Julie Keith, một người tiêu dùng Mỹ, vô tình thấy lá thư cầu cứu viết bằng tiếng Anh xen lẫn tiếng Trung được giấu trong một hộp quà. Đây là món quà dành để trang trí Haloween mà cô Keith mua tại siêu thị Kmart từ năm 2011. Bức thư viết:
“Thưa ngài: Nếu quý ngài tình cờ mua sản phẩm này, làm ơn hãy chuyển bức thư tới Tổ chức Nhân quyền Thế giới. Hàng nghìn người ở đây đang chịu sự đàn áp của nhà cầm quyền ĐCSTQ sẽ vĩnh viễn nhớ ơn quý ngài (…) Người làm ở đây phải lao động 15 giờ mỗi ngày, không được nghỉ cuối tuần, nếu không sẽ bị đánh và chửi, hầu như không có tiền công (chỉ nhận 10 nhân dân tệ/tháng [khoảng 33.000 VND])”
“Người làm ở đây trung bình bị phạt 1-3 năm, nhưng không có phán quyết của tòa án, bị bắt giam và cưỡng bức lao động một cách phi pháp. Rất nhiều người trong số họ là học viên Pháp Luân Công, những người hoàn toàn vô tội, nhưng chỉ vì có tín ngưỡng khác với quan điểm của ĐCSTQ mà họ thường phải chịu nhiều cực hình hơn những người khác.”
Bạo lực và tra tấn
Không chỉ bị bóc lột sức lao động mà các tù nhân còn phải chịu nhiều cực hình, bức hại, hay tra tấn tình dục. Trong đó, trại lao động Mã Tam Gia là khét tiếng nhất với các loại hình tra tấn man rợ.
Ngàn lời nói cũng không thể mô tả hết mức độ kinh hoàng của các buổi nhục hình. Ở đây chỉ xin ví von qua một hình ảnh thế này: Mã Tam Gia được xây dựng trên nền một nghĩa địa. Quản ngục thì nói, dưới lòng đất là ma, còn trên mặt đất là trại lao động. Nhưng với các tù nhân, ma quỷ hiện diện ngay trên mặt đất, cả Mã Tam Gia là địa ngục trần gian, còn họ là những lương tri sống trên đầu ma quỷ…
Nhưng Mã Tam Gia cũng chỉ là một trong vô số cơ sở lao động cưỡng bức trên khắp Trung Quốc. Và hãy tưởng tượng rằng, nếu có hàng trăm cơ sở như thế, thì có bao nhiêu con người đang ngày đêm vắt chút sức lực tàn để làm ra các sản phẩm – đẹp, rẻ, nhưng lại vô cùng độc hại?
Và còn ai bị hại?
Quá rõ ràng, các tù nhân chính là người bị hại! Có phải đây là ý nghĩ đầu tiên của bạn khi bắt gặp câu hỏi này?
Nhưng sự thực không đơn giản như vậy.
Những công ty sản xuất sử dụng lao động giá rẻ trong các nhà tù – Họ có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ, nhưng cái họ mất đi là uy tín và niềm tin của người tiêu dùng. Trong cuốn “Đánh mất tân Trung Hoa” (Losing the New China), tác giả Ethan Gutmann cho rằng các công ty đa quốc gia đã tự hạ thấp mình đến độ trở thành công cụ phục tùng cho sự băng hoại và tham nhũng của ĐCSTQ.
Bản thân ĐCSTQ – dù kiếm được tài chính để phục vụ cho cuộc bức hại – nhưng lại vô tình biến mình trở thành nạn nhân. Cùng với tội ác diễn ra sau các cánh cửa khép kín là tham nhũng, băng hoại đạo đức, và mất lòng tin của người dân vào chính quyền.
Và cuối cùng là bạn và tôi, và hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới. Có phải chúng ta đang chi trả để mua các sản phẩm độc hại cho gia đình, người thân, và cho chính mình?