Phụ nữ chiếm một nửa nhân loại, là lực lượng lao động quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Dù có sức vóc kém hơn hẳn nam giới, xong lao động nữ lại luôn phải đảm nhiệm rất nhiều vai trò cùng lúc: Vừa kiếm tiền, vừa làm vợ, làm mẹ và thậm chí là làm con. Bấy nhiêu gánh nặng ấy khiến sự nghiệp của phụ nữ thường khó phát triển, chính vì vậy để đảm bảo quyền bình đẳng cần phải có những quy định riêng “ưu tiên” họ.
Để bảo vệ sức khỏe cho lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, Bộ luật Lao động 2012 đã quy định rất cụ thể về những quyền lợi dành riêng cho đối tượng này. Xin mời chị em cùng tìm hiểu để biết mình có thể hưởng những “đặc quyền” gì nhé!
1. Không bị kỷ luật lao động
Một trong những nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động là không được xử lý kỷ luật với lao động nữ đang có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, dù là hình thức khiển trách, cách chức hay sa thải.
Tuy nhiên, khi hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì được kéo dài thời hiệu nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
Căn cứ: Điều 123 Bộ luật Lao động 2012.
2. Không phải làm thêm giờ, đi công tác xa
Khi lao động nữ đang mang thai từ tháng 7 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, doanh nghiệp không được cử làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa. Quyền lợi này cũng dành cho lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Căn cứ: Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Lao động 2012.
3. Được chuyển làm công việc nhẹ nhàng hơn
Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi đang mang thai ở tháng thứ 7 sẽ được làm công việc nhẹ nhàng hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
Căn cứ: Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Lao động 2012.
4. Không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Doanh nghiệp không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng, trừ khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
Căn cứ: Khoản 3 Điều 155 Bộ luật Lao động 2012.
5. Nghỉ khám thai vẫn được hưởng lương 100%
Ngoài những quyền lợi được Bộ luật Lao động 2012 quy định như nêu trên, quyền lợi của lao động nữ mang thai còn thể hiện ởchế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:
– Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
– Chế độ thai sản khi thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
6. Được nghỉ 6 tháng để chăm con
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.
Bên trên là những chính sách, đặc quyền để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, nếu còn băn khoăn hoặc vẫn chưa được hưởng những quyền lợi này thì tốt nhất chị em nên trao đổi thẳng thắn với phòng hành chính, nhân sự nhé!
Theo Oxii