Điều khó khăn nhất trong một mối quan hệ đó là khi cả hai phải rời xa nhau. Bạn đã phải khóc hết bao nhiêu nước mắt sau lời chia tay? Tâm trí bạn đã thổn thức bao nhiêu đêm khi nhớ về người ấy? Và bạn đã phải dằn vặt trong quá khứ đến bao lâu đến khi có thể từ bỏ

Dù bạn đã chia tay người mình yêu vì bất cứ lý do gì, dù bạn có nghĩ đây là điều tốt nhất cho cả hai đi chăng nữa thì không thể tránh khỏi cảm giác tổn thương, đau đớn. Chia tay đã luôn là điều khó khăn, nhưng khoảng thời gian sau đó thậm chí còn khó khăn hơn. Bạn tự nhủ phải quên đi, phải trở nên vui vẻ, nhưng bạn không thể.

Đi ngang qua những con đường mà cả hai đã từng đi, ngồi ở những nơi mà cả hai đã từng đến, những dòng trạng thái và khuôn mặt của người ấy vẫn liên tục hiện lên trên mạng xã hội… Tất cả đều khiến cho bạn đau lòng và không thể không nhớ đến những kỉ niệm tươi đẹp mà khi xưa cả hai ở cùng bên nhau. Thậm chí sự tức giận, uất hận trỗi dậy trong tâm trí bạn. Mọi thứ như một vòng luẩn quẩn mà bạn tưởng chừng mình bị mắc kẹt mãi không thể thoát ra

Nhưng hãy an lòng vì đây là những giai đoạn mà bất cứ ai sau khi chia tay cũng phải trải qua mới có thể quên được tình cũ. Elisabeth Kübler-Ross, một nhà tâm lý học người Thụy Sĩ, đã giới thiệu 5 giai đoạn đau buồn trong cuốn sách “On Death and Dying” (1969). Quyển sách này ban đầu được lấy cảm hứng từ công việc của cô với những bệnh nhân sắp lìa đời. Nhưng giờ đây nó cũng được áp dụng rộng rãi cho cả những người đau buồn và mất mát vì tình cảm, vì họ cũng trải qua những giai đoạn tương tự.

1. Phủ nhận

Phản ứng đầu tiên của con người đối với việc mất đi mối quan hệ tình cảm chính là từ chối sự thật. Đây như là một cơ chế tự nhiên bảo vệ bản thân khỏi những cảm giác đau đớn. Trong giai đoạn này, con tim của bạn sẽ chiếm lĩnh niềm tin và tâm trí của bạn nhiều hơn là lí trí bởi vì chúng đang cố thích nghi với một cuộc sống mà không còn người cũ. Mặc cho lời khuyên từ những người xung quanh, chúng ta vẫn không thể dừng việc tưởng tượng ra mọi thứ rồi sẽ quay trở về như cũ bằng một cách nào đó. Chúng ta vẫn le lói những hi vọng nhỏ nhoi nhất trong một thực tế phũ phàng rằng mọi thứ đã kết thúc.

Khi bạn có cảm giác rằng mình đang phủ nhận thực tế và từ chối việc người yêu đã rời bỏ mình, hãy tập chấp nhận sự thật từng chút một:

– Nhắc nhở bản thân rằng mọi thứ vẫn đang thay-đổi-mỗi-ngày.

– Dừng việc nhắn tin hoặc gọi điện cho người ấy như bạn đã từng.

– Hãy cho phép bản thân được khóc thoải mái bất cứ khi nào bạn thấy đau.

– Hãy ở bên cạnh những người có thể động viên và giúp bạn nhận ra sự thật.

– Ghi lại nhật kí những gì bạn trải qua hàng ngày để giúp giải tỏa tâm trí nặng nề.

2. Tức giận

Sự giận dữ có thể được thể hiện trong nhiều cách khác nhau – tức giận trước người cũ của bạn (Tại sao anh ấy/ cô ấy có thể đối xử với mình như vậy? Tại sao người ấy lại có thể ích kỉ đến thế?), tức giận với mọi thứ bạn phải trải qua (Tại sao mình không xứng đáng có một cái kết tốt đẹp?), tức giận trước những người hay sự việc có liên quan đến việc chia tay (Giận giữ với người thứ 3, giận dữ với những điều khiến người ấy bận rộn mà không dành thời gian cho bạn), hay thậm chí giận dữ với những người không có cùng quan điểm hay không chịu được sự tức giận của bạn.

Bởi vì thời gian trôi qua, sự lạnh nhạt ở người ấy sẽ khiến bạn dần cảm nhận được nỗi đau. Và khi đau đến một giới hạn nào đó, nó sẽ chuyển hướng sang sự tức giận. Bạn cần một người để đổ tội vì nỗi đau này: bạn bè, những người xung quanh, cả thế giới và thậm chí là cả bản thân bạn. Nhưng hãy dành thời gian cho bản thân để suy nghĩ và bình tĩnh lại, sau đó chấp nhận tha thứ:

– Chấp nhận rằng việc chia tay là lỗi ở cả hai.

– Tha thứ cho bất kì sự bất công nào trong cuộc sống vì chẳng ai là hoàn hảo.

– Nhận ra rằng bạn không phải là người duy nhất gánh chịu nỗi đau này.

– Hãy thừa nhận rằng tạm thời bạn không được bình tĩnh và bạn có những sai lầm của mình.

– Hãy chú ý chăm sóc bản thân hơn và làm phân tâm bằng cách tập trung vào công việc, học tập, hay làm những gì mình thích.

3. Thương lượng để quay lại với người cũ

Sự thương lượng có thể xảy ra cùng với giai đoạn bạn đang phủ nhận thực tế. Khi bạn nhận ra rằng thực tế đang đẩy bạn hướng đến bờ vực của vách đá, bạn hoảng sợ và cố gắng để tồn tại bằng mọi cách.  Bạn làm đủ mọi điều để có thể giành lại trái tim của người ấy – bao gồm cả thương lượng lẫn đe dọa. Bởi bạn không muốn đón nhận nỗi đau.

Nhưng có thể mọi thứ không xảy ra như bạn muốn. Và hãy nhớ rằng, đôi khi lựa chọn khó khăn nhất chính là điều tốt nhất cho bạn. Hãy tự nhủ trong lòng rằng:

– Bạn cần dành thời gian để chữa lành vết thương lòng vì vậy nên tạm thời tránh tiếp xúc trực tiếp với người ấy.

– Tránh xa cả những phương tiện truyền thông mà bạn có cơ hội tiếp xúc với người ấy.

– Khẳng định rõ ràng với bản thân rằng mọi thứ đã kết thúc và hai bạn không thể trở lại với nhau.

– Đừng cố gắng giành lại trái tim họ thêm lần nữa và hãy cho nhau khoảng thời gian riêng.

– Nhận ra rằng bạn hoàn toàn đủ khả năng độc lập để tiếp tục sống mà không cần người ấy.

4. Trầm cảm

Sự trầm cảm, tương tự như tức giận, có thể được thể hiện trong nhiều cách khác nhau, ví dụ như bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, không muốn làm bất cứ việc gì ngoài nằm dài trên giường, cảm thấy xa cách với mọi người dù bạn có đang ở cạnh họ, có triệu chứng khó ngủ, mất ngủ hay ngủ quá nhiều, cảm giác chán ăn hay ăn không kiểm soát, tiếp xúc với đồ uống có cồn nhiều hơn và hơn hết- sự tuyệt vọng. Nó khiến bạn cảm thấy rằng sẽ không còn điều gì có thể thay đổi được tình thế và giúp bạn cảm thấy tốt hơn, hay thậm chí không còn động lực để sống nữa.

Biết rằng mọi thứ bạn trải qua đều không hề dễ dàng, nhưng bạn không nên để những cảm xúc tiêu cực chiếm hữu bản thân mà hãy cố gắng lấy lại sức khỏe tinh thần trước khi quá muộn

– Ở cùng với những người bạn yêu quý mà có suy nghĩ tích cực.

– Dành thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân nhiều hơn.

– Nói chuyện và trải lòng với ai đó sẵn lòng lắng nghe bạn.

– Đi đến những nơi yên tĩnh, ít người để hít thở không khí trong lành.

– Nghe một vài bài hát buồn (một vài nghiên cứu khoa học đã chứng minh chúng có thể giúp bạn thấy hạnh phúc).

5. Chấp nhận sự thật

Cuối cùng, đây chính là giai đoạn mà chúng ta đều cảm nhận được bình yên sau tất cả những mất mát. Tất nhiên giai đoạn này không đến một cách bất ngờ, mà thường sẽ xuất hiện một cách chậm rãi, từng chút một và đan xen cùng với những giai đoạn khác. Sự chấp nhận không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng và vui vẻ mà thường ẩn chứa với cảm giác buồn kéo dài. Nhưng việc chấp nhận sẽ giúp bạn tìm thấy bình yên trong sự mất mát, có thể buông tay với mối quan hệ đã đến bờ vực kết thúc và tiếp tục bước đi trong cuộc đời. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy dường như giai đoạn này sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng điều này chứng tỏ bạn chỉ đang chật vật trong những giai đoạn trước mà thôi. Bởi vì sau cùng, bạn cũng sẽ bắt đầu tìm thấy một chút ánh sáng le lói dọc con đường phía trước. Và ánh sáng ấy sẽ dẫn bạn tìm thấy lối ra hạnh phúc hơn.

Những điều gợi lên kí ức vẫn có thể kích hoạt cảm xúc của bạn, nhưng bạn có thể ngăn cản chúng bằng cách:

– Cất các bức ảnh cũ ở những nơi không dễ nhìn thấy.

– Tránh xa những địa điểm liên quan đến kỉ niệm của hai người khiến bạn dễ xúc động.

– Tập trung vào những lợi ích của việc chia tay.

– Chỉ liên lạc lại với người cũ khi bạn đã sẵn sàng trở thành bạn bè với họ.

– Tin rằng tất cả mọi thứ sẽ ổn, vấn đề chỉ là thời gian.

Nắm rõ được những giai đoạn sau khi chia tay có thể giúp bạn cảm thấy khoảng thời gian này đỡ tồi tệ hơn phần nào và có niềm tin vào tương lai phía trước. Sẽ có những giai đoạn mà bạn không dễ gì để vượt qua, nhưng quan trọng là bạn không cần phải vội vã và hãy dành thời gian cho bản thân nguôi ngoai, bởi vì không có yếu tố nào có thể thúc đẩy quá trình này cả. Nhưng hãy ghi nhớ rằng, như tất cả những thứ khác, nó sẽ trôi qua mà thôi. Và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn để đón chờ những điều tốt đẹp trong tương lai xảy ra.

Ảnh: internet

Theo bestie