Dù sinh ra ở những nơi khác nhau nhưng 4 đứa trẻ này đều có chung một số phận đặc biệt, đó là được các cô gái xinh đẹp cưu mang và nuôi dưỡng.
1. Bé 6 tuổi nặng 10kg không mặc quần áo ngồi lề đường
Tháng 12/2017, trong một chuyến chở hàng tại Mường Lát (Thanh Hóa), anh Duẩn – lái xe vô tình gặp bé Vàng Thị Pàng (7 tuổi) không mặc quần áo, bị liệt hai chân ngồi bên lề đường giữa trời lạnh nên quay clip và đăng tải lên trang cá nhân.
Ngay lập tức, đoạn clip và hình ảnh trên nhận được sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, vợ chồng chị Ngọc Phương (32 tuổi, TP.HCM) đã vượt nghìn cây số về Mường Lát tìm gặp, cưu mang bé Pàng.
Sau gần 10 giờ di chuyển và vượt qua đoạn đường đèo núi lầy lội, vợ chồng chị Phương đã gặp được Pàng. Chị kể, bé vẫn trần truồng như trong clip, miệng cười rất ngây thơ. Sau đó, chị nói chuyện với mẹ bé về ý định đưa Pàng đi chữa chân và được đồng ý.
Ngày đầu về “nhà mới”, Pàng tỏ ra hào hứng với mọi thứ xung quanh. Bé không cầm được đũa thìa và cũng không quen ăn cơm nên chị Phương phải tập cho bé làm quen.
Do Pàng chưa có giấy khai sinh nên để tiện cho việc khám bệnh, chị Phương đứng ra làm giấy khai sinh cho bé rồi đưa đến bệnh viện điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Pàng có tổn thương nhẹ ở não và liệt nửa chân bên trái, cần cắt nẹp và tập vật lí trị liệu vài năm.
Sau 3 tháng cưu mang Pàng, chị Phương bất ngờ nhận hung tin mẹ ruột của bé qua đời. Vợ chồng chị quyết định làm thủ tục nhận nuôi Pàng.
Gần 1 năm trôi qua, Pàng đã trở thành một bé gái hoàn toàn khác với khuôn mặt bụ bẫm, nước da trắng hồng, đôi mắt trong veo và miếng lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi.
Chị Phương cho biết, Pàng đã phát triển trí não tốt hơn trước, rất thông minh và lì lợm. Đặc biệt, đôi chân bé đã có thể đi được quãng đường xa nhờ sự hỗ trợ của khung tập đi.
“Pàng tập đi nhiều “sinh” chán nản, mệt mỏi nên dùng “chiêu trò” để mình cho ngừng lại. Dù vậy, mình nhất quyết yêu cầu con phải cố gắng”, chị nói.
Hiện bé Pàng được gửi vào Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ tàn tật (Quận 3) – nơi khá tốt để tiếp tục điều trị đôi chân và học chữ. Bé sẽ được về nhà với gia đình vào cuối tuần.
2. Bé gái 14 tháng nặng vỏn vẹn 3.5kg ở Lào Cai
Tháng 6/2016, những hình ảnh “da bọc xương” đầy xót xa của bé Yến Nhi (14 tháng, huyện Sa Pa) được một nhóm tình nguyện viên phát hiện và chia sẻ lên mạng thu hút sự chú ý của dân mạng.
Theo đó, Yến Nhi nhập viện trong tình trạng tinh thần lơ mơ, li bì , gương mặt như cụ già và tóc khô. Anh A Lưng – cha của bé cho biết, từ khi sinh ra, bé đã có thể chất rất yếu nên nằm trong lồng kính 2 tháng. Sau đó bé khỏe mạnh, bụ bẫm như bao đứa trẻ khác.
Ác mộng thực sự ập đến khi bé Nhi được 4 tháng tuổi, trong một lần đi chợ phiên lên thị trấn Sa Pa, mẹ và chị gái 5 tuổi của bé đã không trở về. Anh đành nuôi con thứ 2 bằng cách lấy nước cơm hoặc nấu cháo nước cho ăn. Vì đói ăn mà sức khỏe của bé ngày yếu đi.
Chứng kiến hoàn cảnh của bé Nhi, một người đàn ông đã đăng tải thông tin xin sự giúp đỡ lên Facebook. Sau đó, dòng chia sẻ đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó có chị Thanh Tâm (SN 1992).
Ngay từ giây phút gặp Yến Nhi, Thanh Tâm đã cảm thấy như đó chính là con ruột của mình. Cô bất chấp mọi khó khăn và ngăn cản của gia đình quyết định làm thủ tục nhận nuôi bé.
Hai năm nhận nuôi Yến Nhi là chừng ấy thời gian người mẹ trẻ Thanh Tâm kiên nhẫn đưa con gái đi chữa trị khắp nơi từ Lào Cai, Hà Nội đến Sài Gòn.
“Sau 1,5 năm tăng cân đều đặn, khoảng 6-7 tháng trở lại đây Yến Nhi chững lại. So với các bạn cùng lứa, con hơi nhỏ nhưng với căn bệnh bại não mà con đang gánh chịu thì phát triển bình thường là không thể”, Tâm cho hay.
Yến Nhi đã tròn 3 bé chưa biết bám ai và nhận biết mọi thứ xung quanh bằng cách lắng nghe tiếng động, quan sát sự di chuyển của hình ảnh. Hiện tại, bé Yến Nhi đang sinh sống cùng vợ chồng Thanh Tâm.
3. 2 bé trai ở Tây Nguyên được cưu mang từ thuở lọt lòng
Năm 2004, trong lúc cùng bố mẹ vào chợ buôn bán, Y Byen (28 tuổi, Gia Lai) đã chứng kiến cảnh buôn làng chuẩn bị chôn sống đứa trẻ sơ sinh theo hủ tục “mẹ chết con phải chết theo”. Cô không kìm nổi cảm xúc thương xót đứa trẻ liền chạy tới bế rồi xin bố mẹ đem về nuôi.
Y Byen đặt tên cho con là Y Song với ý nghĩa “Chúa trời cho’ và xem đó như một món quà vô giá mà thượng đế ban tặng. Sau đó, cô lên xã làm thủ tục nhận nuôi đứa trẻ nhưng vì chưa đủ tuổi nên cô nhờ mẹ đứng ra hoàn tất giấy tờ pháp lý.
Những ngày đầu, Y Byen lóng ngóng không biết chăm sóc, cho con trai ăn gì (?). May mắn hàng xóm có 2 người mới sinh con nên hàng ngày cô bế Y Song qua nhà họ xin bú nhờ.
Sau đó, cô quyết định buổi sáng đi học, chiều về ẵm con, tối đi móc mủ cao su kiền tiền mua sữa. Cuối tuần, cô cùng con đi chăn bò thuê cho người ta với mức công 10.000 đồng/ngày. Cô dành 6.000 đồng mua sữa bò, số tiền còn lại bỏ ống heo lo tương lai con sau này.
Sau 10 năm cưu mang Y Song về nuôi dưỡng, cô gái dân tộc Ba Na tiếp tục “nhặt” thêm một bé trai sơ sinh mình đầy máu me quấn trong chiếc áo mỏng ngoài nghĩa địa.
Y Byen đặt tên con trai thứ 2 là Y Sơn theo gợi ý của cậu cả Y Song. Việc chăm sóc, dạy bảo Y Sơn với Y Byen có lẽ không còn quá khó khăn bởi cô có nhiều kinh nghiệm làm mẹ từ 10 năm trước. Tuy nhiên, cô vẫn phải đối diện với một vấn đề lớn, đó là chuyện tiền bạc.
Bằng tình yêu vô bờ bến, Y Byen đã nuôi nấng các con lớn khôn và dần trưởng thành. Y Song 14 tuổi rất hiểu chuyện, tự lập và đỡ đần được nhiều việc nhà, còn Y Sơn tuy còn nhỏ nhưng ngoan ngoãn, nghe lời mẹ Y Byen.
Theo Eva