Chúng ta học nhiều điều trong cả cuộc đời, nhưng vẫn không biết hết được mọi thứ vì chúng ta quên rất nhiều thông tin. Tại sao điều này lại xảy ra?
Có một công thức phổ quát giúp chúng ta ghi nhớ mọi thứ dễ dàng hơn do Hermann Ebbinghaus, nhà tâm lý học người Đức, phát hiện ra. Và nó rất hiệu quả.
Tại sao chúng ta lại quên
Não của bạn có nhiệm vụ bảo vệ bạn khỏi việc quá tải những thông tin vô dụng. Đó là lý do tại sao tất cả những thông tin mới được lưu trữ trong vùng nhớ ngắn hạn, không phải ở vùng nhớ dài hạn. Nếu không sử dụng lặp lại nhiều lần, bạn sẽ quên rất nhanh.
Biểu đồ Ebbinghaus Forgetting Curve cho thấy chỉ sau một giờ học chúng ta đã quên mất hơn một nửa các thông tin mà mình được học. Sau một tuần, chúng ta chỉ còn nhớ 20% thông tin.
Cách để ghi nhớ mọi thứ
Để lưu giữ thông tin trong đầu lâu hơn, bạn cần phải đưa nó vào vùng nhớ dài hạn. Ghi nhớ một cách ép buộc không hiệu quả trong trường hợp này vì não của bạn không thể xử lý thông tin nhanh chóng và tạo liên kết vững chắc. Nếu bạn muốn ghi nhớ thứ gì đó lâu, bạn cần kéo dài thời gian ghi nhớ. Nó có thể là một vài ngày hoặc thậm chí vài tuần.
8 mẹo ghi nhớ hay
1. Xác định chắc chắn những vấn đề cần nhớ
Khi bạn tìm hiểu một vấn đề mới sẽ có rất nhiều chi tiết xung quanh. Xác định vấn đề cần nhớ là bước đầu tiên giúp bạn nhớ tốt đấy.
2. Có niềm tin với chính mình
Bạn cần xác định là phải nhớ và có niềm tin với chính mình. Hãy luôn nhắc nhở với bản thân: “Tôi hoàn toàn có thể nhớ chính xác những nội dung đó”. Niềm tin chính là động lực thúc đẩy bạn nhớ tốt.
3. Nhắc lại nhiều lần
Trí nhớ được lặp đi lặp lại nhiều lần được gọi là trí nhớ “cơ bắp”. Rèn luyện trí nhớ cơ bắp thường xuyên sẽ giúp bạn có một trí nhớ tốt và hình thành phản xạ tự nhiên với vấn đề đã ghi nhớ. Trí nhớ “cơ bắp” là bí quyết tốt nhất để học ngoại ngữ.
4. Hiểu nội dung cần nhớ
Bạn sẽ nhớ những thứ mà bạn hiểu rõ ràng nhanh gấp 9 lần so với khi bạn ghi nhớ mà không hiểu. Nếu bạn đọc nhiều lần mà không hiểu một nội dung nào đó hãy dùng biện pháp nhớ “cưỡng chế”, tức là cứ học thuộc nội dung và sau đó từ từ tìm hiểu những gì mình nhớ được.
5. Sắp xếp và phân loại hợp lí số lượng bài học
Bạn hãy sắp xếp giáo trình, bài giảng, sách giáo khoa hay sách tham khảo thành những đề mục nhỏ, rồi đến các đề mục lớn, sau đó là các chương và cuối cùng là các phần. Khi ghi nhớ bạn cũng tuân theo trình tự này. Học từng cái nhỏ rồi tổng hợp thành cái lớn.
6. Muốn nhớ kĩ, cần ghi chép
Bạn cần chuẩn bị một quyển vở nhỏ và một chiếc bút đặt trên bàn học. Khi bạn đột nhiên nghĩ đến một kiến thức nào đó cần nhớ hay chỉnh lí thì hãy lập tức ghi lại. Khi bạn ghi chép, bạn đã nhớ một lần. Với phương pháp này, hiệu quả ghi nhớ đạt được sẽ lớn hơn rất nhiều.
7. Tích cực thực hành
Tại sao bạn biết đi xe đạp thì không bao giờ quên? Chính là việc đạp xe phải dùng đến cơ bắp. Bạn hãy thực hành khi học để tạo cảm giác hưng phấn. Học hóa học, vật lí, bạn hãy tự tay mình làm thí nghiệm. Học địa lí, sinh vật bạn hãy tự tay vẽ biểu đồ, vẽ hình giải phẫu. Những hoạt động kết hợp sẽ nâng cao hiệu quả ghi nhớ. Chỉ cần bạn tích cực và độc lập bạn sẽ thấy mình nhớ tốt hơn những người xung quanh.
8. Nhớ bằng cách vận dụng sự liên tưởng
Bạn sẽ nhớ tốt hơn bằng cách sử dụng sự liên tưởng. Ví dụ như trời xanh với máy bay, vườn hoa với ong bướm, mặt trăng với bầu trời đêm nhiều sao… nghĩ đến cáo có thể liên tưởng đến giảo hoạt. Nghĩ đến sắt, thép có thể liên tưởng đến sự kiên cường, mạnh mẽ…
Bạn hãy nhớ rằng liên tưởng càng sinh động, ấn tượng thì bạn ghi nhớ càng tốt. Càng lặp lại nhiều lần, ấn tượng càng sâu sắc giúp hình thành phản xạ tự nhiên. Liên tưởng thời gian càng gần càng dễ nhớ.
Còn rất nhiều cách để ghi nhớ, chỉ cần bạn muốn nhớ, tin tưởng rằng mình sẽ nhớ và vận dụng sự liên tưởng một cách sáng tạo, chắc chắn bạn sẽ nhớ tốt.
Theo docxem