Chuyện có thật 100% . Loài cây này không những mọc ra vàng, mà còn có ý nghĩa rất to lớn với môi trường.
Ở Việt Nam, có khá nhiều loại cây cảnh được trồng với ý nghĩa đem lại tài lộc cho gia đình. Có thể kể đến là cây kim phát tài (cây kim tiền), cây vạn niên thanh, cây lộc vừng… – những loại cây có thể xem là “cành vàng lá ngọc”.
Thế nhưng, dù sao đó cũng chỉ là ý nghĩa sâu xa thôi, chứ chẳng có loài cây nào mọc được ra tiền cả đúng chứ? Thực ra là có đấy. Có một loại cây trên đời này tuy không mọc ra tiền, nhưng lại trổ ra… vàng! Đó là cây bạch đàn, còn gọi là khuynh điệp.
Kỳ lạ loài cây trổ ra vàng
Bạch đàn (Eucalyptus) là chi thực vật có hoa trong họ Đào kim nương – loài thực vật bản địa có xuất xứ từ Úc.
Bạch đàn vốn đã khá nổi tiếng vì một loại tinh dầu chiết suất trong đó: dầu khuynh điệp. Thế nhưng vào năm 2013, giới khoa học ở Úc phát hiện ra một sự thật gây sốc của loài cây này, đó là trên lá cây có chứa vàng.
Tất nhiên, chẳng có loại cây nào tự nhiên trổ ra vàng cả. Sở dĩ bạch đàn có được khả năng đặc biệt này là nhờ bộ rễ của nó: rễ cọc, có thể cắm sâu tới 40m để tìm nước khi sinh trưởng trong những khu vực khô hạn.
Bộ rễ cọc đó hoạt động giống như một máy bơm nước vậy. Nếu chạm đến nguồn nước ngầm gần các mỏ vàng, nó sẽ hút được cả tinh thể vàng lên.
Có điều, vàng không phải là một kim loại có lợi, nếu không muốn nói là độc hại dành cho đời sống của cây. Chính vì thế, cây có cơ chế dồn vàng lên các đầu mút của cây, như lá cây chẳng hạn, để giảm thiểu phản ứng sinh hoá độc hại.
Trên thực tế, ý tưởng bạch đàn có thể hút được vàng đã nhen nhóm từ trước đó rất lâu rồi. Nhưng phải sau một nghiên cứu năm 2013, các chuyên gia mới chính thức kết luận được điều này. Họ so sánh các lá cây bạch đàn mọc gần một mỏ vàng phía Tây Úc, với những cây mọc cách đó 800m. Đồng thời, họ cũng thử trồng bạch đàn trong đất có chứa tinh thể vàng.
Kết quả không ngoài mòng đợi, bên trong lá cây có chứa tinh thể vàng với kích cỡ khoảng 8 micromet.
Và tin tuyệt nhất là ở Việt Nam cũng trồng rất nhiều bạch đàn!
Nhưng đừng vội mừng…
Bởi vì kể cả khi bạch đàn được trồng ngay trên một mỏ vàng, tỉ lệ vàng có trong lá cây cũng chỉ khoảng… 46 phần tỉ, tức khoảng 0,000005% theo trọng lượng của lá. Nghĩa là dù bạn có vặt trụi 500 cây bạch đàn, số vàng thu được vừa vặn để tạo ra một chiếc nhẫn nhỏ thôi.
Tuy nhiên, chức năng này lại có ý nghĩa rất to lớn đối với môi trường quanh ta. Tại sao ư? Vì vàng vẫn luôn là một kim loại cực kỳ quý giá, trong khi các mỏ vàng hiện có thì ngày càng cạn kiệt, khiến nhu cầu tìm kiếm mỏ vàng mới nhanh chóng tăng lên. Và quá trình tìm kiếm mỏ vàng đòi hỏi tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, lại vô cùng có hại cho môi trường.
Trong khi đó với bạch đàn, chúng ta sẽ sở hữu một phương pháp ít tốn kém, cho hiệu quả cao hơn hẳn so với bình thường, và đương nhiên những tổn hại đến môi trường sẽ bị giảm thiểu tối đa.