Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những cặp vợ chồng thường hay phiền lòng về nhau nhưng có những cặp vợ chồng lại vui vẻ bên nhau suốt ngày, vì sao như vậy?
Phật gia cho rằng, ở kiếp này, người với người gặp nhau là do duyên nợ từ kiếp trước, vợ chồng và con cái gặp nhau cũng là như vậy.
Trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký” của tác giả Kỷ Hiểu Lam dưới đây sẽ giúp chúng ta dễ hiểu hơn về điều này!
Xưa ở đất Thương Châu có hai vợ chồng vị quan lại trẻ tuổi nhưng sống không hòa thuận, hạnh phúc. Sau một thời gian không hòa thuận kéo dài, người vợ trong lòng buồn chán và sinh ra tâm bệnh. Hơn nữa, tính tình của người vợ lại kỳ quái, ngang bướng khiến cho tình cảm vợ chồng ngày càng chuyển biến xấu hơn.
Một hôm, có một vị ni cô đức hạnh cao thượng đi qua Thương Châu. Người vợ kia liền đến gặp bái kiến vị ni cô. Người vợ hỏi: “Thưa ni cô! Xin hỏi bà, mối quan hệ giữa vợ và chồng là có nhân quả không? Vì sao cuộc sống vợ chồng tôi lại không được êm ấm, hòa thuận?”.
Vị ni cô từ tốn rồi chậm rãi nói: “Tôi không phải quan lại dưới âm phủ, nên không thể nào tra xét sổ sách để biết nhân quả giữa hai vợ chồng thí chủ! Tôi lại càng không phải Bồ Tát, nên không thể nhìn được nhân quả trong quá khứ, hiện tại và tương lai của thí chủ. Nhưng mà đối với đạo lý nhân quả duyên phận, thì tôi ít nhiều có hiểu rõ, có thể giải thích được cho thí chủ”.
Nói rồi, vị ni cô lý giải cho người vợ kia rằng:
“Nhân duyên vợ chồng không có một đôi nào là vô duyên vô cớ mà kết hợp. Một số đôi vợ chồng là do ân tình từ kiếp trước mà kiếp này gặp nhau, cho nên cuộc sống cũng vui vẻ tốt đẹp. Một số khác lại là vì oán giận từ kiếp trước mà kiếp này gặp nhau nên cuộc sống của họ cũng phiền não, khổ đau, oán giận.
Cũng có những đôi vợ chồng là vì cả ân và oán mà kết hợp, khi đó họ sẽ có cơ hội để hoàn trả ân oán cho nhau. Mối quan hệ giữa vợ chồng trên thế gian này cơ bản là như vậy.
Như lời thí chủ kể, thì mối quan hệ giữa vợ chồng thí chủ hẳn là vì oán giận từ kiếp trước nên kiếp này gặp nhau. Đây là ông trời đã định sẵn, không phải theo ý muốn của con người.
Mặc dù nói: “Thiên định thắng nhân”, nhưng con người cũng có thể làm cải biến được. Cho nên, bên nhà Phật mới khuyên con người ta sám hối, ăn năn hối lỗi, tu sửa bản thân. Chỉ cần người làm vợ là thí chủ cố gắng từ bỏ tâm hiếu thắng, chế ngự sự cao ngạo, mọi việc phải lấy nhẫn nhịn làm trọng, không tranh giành với chồng thì tự nhiên mâu thuẫn sẽ giảm dần.
Trong gia đình, cố gắng làm tốt bổn phận của mình, hiểu thảo với cha mẹ đôi bên, hòa thuận với anh chị em, khoan dung với mọi người, chỉ để ý bản thân làm như nào thành người tốt, không so đo suy nghĩ người ta có tốt với mình hay không, nếu thí chủ làm được như vậy thì chắc chắn tình cảm hai vợ chồng thí chủ sẽ được cải biến.
Nếu như thí chủ đi truy hỏi nguyên nhân trong tiền kiếp thì cho dù có truy hỏi được rõ ràng, tỉ mỉ thì cũng có lợi ích gì đâu?”
Người vợ sau khi nghe xong lời khuyên của vị ni cô, liền không để tâm trách móc, tìm lỗi ở ai nữa mà cố gắng hành theo những lời khuyên của ni cô. Quả nhiên, một thời gian sau, tình cảm giữa hai vợ chồng họ đã có cải biến tốt lên.
Những năm về sau, những người lớn ở địa phương thường hay lấy câu chuyện này để dạy bảo, khuyên nhủ con gái trong nhà. Họ thường nói: “Những lời nói của vị ni cô quả thực là thần chú giúp giải oán giận giữa vợ chồng. Một người nếu có thể kiên trì thực hiện theo, chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Còn như không có kết quả tốt, thì nhất định là bởi vì còn chưa thực sự kiên trì.”