Trong năm học mới sẽ có gần 50 tỉnh, thành phố tiếp tục thí điểm tài liệu tiếng Việt lớp 1.
Các chữ “ca”, “quy”, “cờ” đều đọc là “cờ”; đánh vần theo âm, không đánh vần theo chữ như quen thuộc. Những ngày vừa qua, clip đánh vần lạ này đã làm nóng các diễn đàn. Ngay lập tức, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc xác minh cách đánh vần này và khẳng định: tuy lạ nhưng không mới bởi đây là nội dung của tài liệu tiếng Việt lớp 1, Công nghệ giáo dục.
Được biết, Công nghệ giáo dục là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia của GS Hồ Ngọc Đại, được áp dụng thí điểm từ năm 1978 tại Trường Thực Nghiệm Hà Nội.
Đến năm học mới này sẽ có gần 50 tỉnh, thành phố tiếp tục thí điểm tài liệu này. Vậy trong khi không ít người hoang mang với cách học này vì đánh vần không giống ai, thậm chí nghe chối tai, thực tế việc dạy và học theo tài liệu này đang diễn ra tại các trường như thế nào?
Đã được áp dụng thí điểm từ 10 năm trước
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip quay lại cảnh giáo viên dạy học sinh đánh vần. Điều khiến cộng đồng mạng ngạc nhiên và đặt ra câu hỏi đối với clip này là ở chỗ giáo viên dạy học sinh đánh vần theo cách hoàn toàn khác với truyền thống.
Ngay sau khi đăng tải, clip này đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng mạng thông qua những lượt xem, theo dõi và bình luận trên facebook. Đa số cộng đồng mạng đặt dấu hỏi với cô giáo trong clip tại sao lại dạy cách đánh vần kiểu mới này, cũng có nhiều ý kiến quy chụp rằng đây là phương pháp mới do chính giáo viên trong clip nghĩ ra.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên đã từng dạy học sinh bằng cách đánh vần này khẳng định, đây là nội dung nằm trong bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại biên soạn.
Chương trình tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là một trong năm phương án dạy học và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm từ năm học 2008-2009. Năm học 2018-2019, đã có gần 50 tỉnh, thành phố với hơn 800.000 học sinh học chương trình này.
Hiệu quả nhưng vẫn còn bất cập
Cô giáo Đỗ Trang, giáo viên 1 trường tiểu học tại Vĩnh Phúc cho biết: “Trường tôi dạy đã đưa sách công nghệ giáo dục vào chương trình học được 3 năm. Theo đánh giá của tôi dựa trên việc giảng dạy trực tiếp với học sinh lớp 1, thì với phương pháp này học sinh hiểu được bản chất của việc ghép vần và có thể ghép vần rất nhanh, phát âm chuẩn hơn hẳn cách học cũ.
Quê tôi người dân hay học sinh thường ngọng 2 chữ l-n nhưng học sinh học theo chương trình công nghệ thì lại không bị ngọng nữa”.
Đánh giá về độ khó khi học chương trình công nghệ đối với học sinh lớp 1, giáo viên Trần Thu Huyền (Tây Ninh) nhận định: “Điểm đặc biệt ở phương pháp học này là giáo viên có thể dạy học sinh đánh vần theo cách: xoè hai bàn tay ra, tay trái là phụ âm đầu, tay phải là vần. Hai bàn tay vỗ vào nhau thì trẻ sẽ dễ hiểu và nhanh đọc trơn tru. Với chương trình này thì phụ huynh không cần phải kèm ở nhà nhiều. Vào lớp 1 các em như một tờ giấy trắng nên tiếp thu rất nhanh”.
Trước tình hình nhiều phụ huynh “than” vì chương trình khó hiểu, muốn kèm cặp con ở nhà mà cũng rất khó khăn để đánh vần cho đúng với sách công nghệ, cô giáo Huyền cũng lý giải: “Người lớn cảm thấy khó cũng lã lẽ dĩ nhiên, vì giáo viên dạy lớp 1 khi được tập huấn về chương trình công nghệ này cũng gặp nhiều khó khăn và mất một thời gian để làm quen với cách đánh vần mới. Nguyên nhân là do người lớn đã học và quen miệng đánh vần ở sách cũ nên mới “vấp” khi đánh vần theo chương trình này”.
Tuy nhiên, bộ sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lại khó khăn đối với học sinh chuyển tiếp từ chương trình lớp 1 lên lớp 2 cũng bởi những thay đổi trong việc dạy đánh vần.
Thầy giáo Phùng Gia Hưng (Hải Dương) bày tỏ: “Lớp 1 dạy các em chữ “c”, “k”, “q” đều đọc là /cờ/ nhưng lên lớp 2 nếu lại học tiếp theo chương trình cũ phải hướng dẫn lại cách đọc là /cờ/, /ca/, /cu/ dẫn đến học sinh cứ nhầm lẫn lung tung rồi học trước quên sau. Cũng theo giáo viên này, bởi cách học như thế nên không ít học sinh cứ nhầm lẫn khi viết “Tổ quốc” với “Tổ cuốc”, “kiên quyết” với “ciên quyết”…
Theo qtcs