Theo GS Lân Dũng, phương pháp dạy học của thầy Hồ Ngọc Đại giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.
Cách dạy học sinh lớp 1 “đọc chữ ô vuông, tam giác, hình tròn” trong sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại dù đã được thực nghiệm ở một số trường cách đây mấy chục năm, nhưng mấy ngày nay bỗng nhiên xôn xao trên mạng xã hội.
Nhiều đoạn clip ghi lại cảnh phụ huynh bực tức, lớn tiếng với con trẻ khi các bé chỉ vào hình để đọc vanh vách, nhưng khi hỏi tới chữ thì không biết.
Nguyễn Lân Dũng (nguyên Đại biểu Quốc hội) cho biết con trai ông – PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (ĐBQH đương nhiệm) – là thế học sinh khóa đầu tiên của trường Thực Nghiệm theo học phương pháp “đọc chữ ô vuông, tam giác”.
Theo chia sẻ của GS. Lân Dũng với nguồn trên, phương pháp dạy trên của GS. Hồ Ngọc Đại rất khoa học, đem lại nhiều lợi ích cho học sinh, có sự logic hợp lý về mặt sư phạm và tâm lý con người. Ở đây, học sinh học cách đọc âm, rồi đến chữ, rồi ghép vần, chứ không học đánh vần từng từ.
“Thời kỳ Nguyễn Lân Hiếu đi học đã học như vậy và không gặp phải bất kỳ khó khăn gì trong quá trình học tập, gia đình không phải giúp đỡ gì. Đặc biệt, con đi học với tâm trạng rất vui vẻ, hạnh phúc, do vậy có thể dễ dàng đạt được nhiều thành tích cao hơn.
Đặc biệt, phương pháp học kiểu của thầy Đại giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, tư duy logic, tìm thấy sự vui thích trong học tập”, tạp chí Gia đình mới dẫn lời GS. Nguyễn Lân Dũng. Vị giáo sư cũng cho rằng, rất nhiều người học theo phương pháp này và nhiều người thành công.
Bàn về phương pháp “đọc chữ ô vuông, tam giác”, Thạc sĩ Phạm Hồng Minh (Giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình) cho biết trên báo VTC News, các phụ huynh không nên quá lo lắng.
Bởi theo bà, với cách dạy này, học sinh thuộc lời trước, sau đó các hình giúp học sinh nhận biết mỗi tiếng mình phát ra tương đương với một hình. Trong trường hợp các em không biết chữ đó thì cũng biết lời có bao nhiêu tiếng.
Nữ giảng viên nhấn mạnh, các phụ huynh đang hiểu lầm những ô vuông, tam giác, hay hình tròn để thay thế cho chữ viết. Theo đó, có nhiều thông tin chưa đúng làm cho chương trình Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục “bị méo mó đi”.
“Bố mẹ cứ nghĩ các con bây giờ như mình ngày xưa đi học, như 1 tờ giấy trắng, thầy cô dạy các con sẽ học theo. Ngày xưa, đầu tiên bố mẹ đánh vần “bờ a ba huyền bà”. Thì bây giờ các con đánh vần “ba huyền bà”.
Bởi các con chưa biết “bờ a ba huyền bà” nên các con sẽ không thấy “ba huyền bà” là cách đánh vần lạ”, bà Minh nói và bày tỏ, phụ huynh nên tìm hiểu để đồng hành cùng con, thay vì chia sẻ thông tin “chế” liên quan Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục.
Trước đó, trả lời báo Trí Thức Trẻ, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quốc gia Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục) nói, sách dạy ở giai đoạn đầu của quá trình học đánh vần. Các hình tròn, vuông… bước đầu giúp học sinh nhận biết được các âm tiết trong chuỗi lời nói Tiếng Việt, chứ không phải để đọc.
Theo QTCS