Thế nào là đúng, thế nào là sai? Thế nào là phải, thế nào là trái? Có những điều ta cứ đinh ninh là đúng, lại hóa thành sai; ta cho là phải mà lại thành trái. Ta ra tay giúp đỡ người khác chưa hẳn là đúng, ta bỏ mặc người kia đâu hẳn đã sai. Cần phải có con mắt tuệ minh mới có thể soi xét được. Câu chuyện phật giáo sau giúp chúng ta hiểu được chân lý đó!
Có một kẻ lang thang, đi vào chùa, thấy Bồ Tát ngồi trên Đài Sen nhận cúng bái của mọi người, anh ta vô cùng ngưỡng mộ.
Kẻ lang thang nói: “Tôi có thể đổi chỗ ngồi với Người một lát không?”
Bồ Tát trả lời: “Chỉ cần anh không mở miệng.”
Kẻ lang thang ngồi lên Đài Sen. Trước mắt của anh là cả ngày hỗn loạn ầm ĩ, người đến phần lớn là cầu điều này điều kia. Anh vẫn cố gắng chịu đựng trước sau không mở miệng.
Một hôm, có người phú ông đến chùa. Ông ta quỳ xuống và chấp tay khấn: “Cầu Bồ Tát ban cho con một đức tính tốt.”
Nói xong phú ông dập đầu, đứng dậy thì ví tiền lại bị rớt xuống mặt đất. Kẻ lang thang vừa muốn mở miệng nhắc nhở, nhưng kịp nhớ đến điều kiện của Bồ Tát.
Sau khi phú ông đi ra, thì có một người nghèo bước vào. Người nghèo nói: “Cầu Bồ Tát ban cho con ít tiền. Người nhà con lâm bệnh nặng, đang rất cần tiền ạ.”
Cầu xong ông dập đầu, đứng dậy thì nhìn thấy một túi tiền rơi trên mặt đất. Người nghèo thốt lên: “Bồ Tát quả thật hiển linh rồi.”
Người nghèo cầm túi tiền ra đi. Kẻ lang thang muốn mở miệng nói không phải hiển linh, đó là đồ người ta đánh rơi, nhưng anh lại nhớ đến điều kiện của Bồ Tát.
Lúc này, một người ngư dân đi vào. Ngư dân cầu xin: “Cầu Bồ Tát ban cho con bình an, ra biển không gặp sóng gió.”
Đoạn dập đầu, đứng dậy, ông vừa muốn đi, thì lại bị phú ông túm chặt. Vì túi tiền, hai người đánh nhau túi bụi. Phú ông cho rằng người ngư dân đã lấy túi tiền, mà ngư dân thì cảm thấy bị oan uổng không cách nào chịu đựng nổi.
Kẻ lang thang không thể nhịn được nữa, anh ta liền hô to: “Dừng tay!”
Rồi đem chân tướng nói ra cho họ. Tranh chấp nhờ đó mà đã yên. Kẻ lang thang thấy mình đã làm được một việc tốt, giúp phú ông lấy lại được túi tiền bị rơi, cảm thấy hạnh phúc.
Lúc này Bồ Tát mới nói với kẻ lang thang: “Ngươi cảm thấy làm vậy là đúng chăng? Ngươi hãy tiếp tục đi làm kẻ lang thang đi! Ngươi mở miệng tự cho mình rất công bằng, nhưng, người nghèo vì vậy mà không có tiền cứu chữa người thân; người phú ông không có cơ hội tu đức hạnh; người ngư dân ra biển gặp sóng gió chôn thân dưới đáy biển. Nếu ngươi không mở miệng, mạng sống người nhà kẻ nghèo kia được cứu; người giàu tốn chút tiền nhưng giúp người khác mà tích được đức; ngư dân cũng vì dây dưa không cách nào lên thuyền, tránh được mưa gió, có thể còn sống sót.”
Kẻ lang thang nghe xong, im lặng ra khỏi chùa…
Rất nhiều sự tình, nó thế nào, chính là như thế đó. Để nó tiến triển theo tự nhiên, kết quả sẽ tốt hơn. Khi đối mặt với sự việc, ai có thể biết rõ kết quả gì sẽ xảy ra chứ?
Yên lặng theo dõi diễn biến, chính là một loại năng lực!
Thuận theo tự nhiên, là một loại phúc!