Nhìn nụ cười tươi với hàm răng khểnh, đôi mắt sáng nhưng buồn của Sỹ Luân, không ai nghĩ rằng anh vừa trải qua một năm vật lộn với cuộc sống sau cú tai nạn giao thông kinh hoàng.
Dù đã quên rất nhiều điều nhưng cái đêm định mệnh khiến cuộc đời anh rẽ sang một lối mới ấy thì Sỹ Luân không bao giờ quên được. Đó là vào tối ngày 11/9/2009, vì cố thực hiện cho xong một số công việc trong dự án âm nhạc với mấy người bạn nên Sỹ Luân về nhà rất khuya. Khi chạy xe đến một khúc cua ở quận 1, TP HCM thì bất ngờ có hai thanh niên đi xe máy đâm ngang qua mũi xe của anh. Để tránh một đôi trai gái đang đùa giỡn bên đường, Sỹ Luân buộc phải phanh gấp. Cú giật phanh quá mạnh hất anh về phía trước, cách xe khoảng 4m, đầu và nguyên phần mặt đập mạnh xuống mặt đường. Anh bị bất tỉnh ngay tại chỗ và được người đi đường đưa đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Ở đây sau khi được sơ cứu và hội chẩn các bác sĩ đã cho anh chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhân dân 115.
Ngay trong đêm hôm ấy, các bác sĩ đã buộc phải phẫu thuật để cứu lấy mạng sống cho anh. Bởi lúc vào viện, gương mặt của Sỹ Luân đã hoàn toàn bị biến dạng, xương hàm bị vỡ và anh bị hôn mê. Theo như mẹ và người thân anh kể lại thì anh đã phải trải qua hai lần phẫu thuật, đến hai mươi ngày sau mới tỉnh dậy.
“Cảm giác bị hôn mê trong một thời gian dài rồi tỉnh lại tôi thấy kỳ lạ lắm. Ngày xưa, khi xem phim HongKong thấy người bị chấn động thần kinh toàn sống trong quá khứ. Lúc này, quá khứ như bộ phim chiếu chậm hiện lên trước mắt và chạy liên tục từ gần đến xa. Tưởng chuyện chỉ có trên phim, ai ngờ mình là bằng chứng sống. Khi hôn mê, tôi cũng thấy quá khứ của mình cứ chạy trước mắt, qua cả kiếp trước nữa. Tôi thấy kiếp trước mình là một thầy tu, mặc áo cà sa và đi trong rừng. Thầy tu ấy dù rất nghèo khổ nhưng lại nhẹ nhàng với cuộc sống của mình, hàng ngày chỉ đi vào rừng tu tập và tụng kinh…” – Sỹ Luân nhớ lại.
Khi tỉnh lại, Sỹ Luân hầu như không nhớ bất kỳ điều gì về bản thân. Người duy nhất anh có thể nhận ra lúc đó là mẹ ruột của mình, còn những người em, người thân, bạn bè, đồng nghiệp… anh tuyệt nhiên không nhớ ra họ là ai. Mẹ anh lo lắng gọi bác sĩ nhưng họ nói việc bị mất trí nhớ của anh là có thể xảy ra. Và muốn phục hồi lại trí nhớ Sỹ Luân phải mất một thời gian dài.
“Những ngày ấy tôi cứ ngẩn ngẩn, ngơ ngơ như một máy tính bị xóa sạch dữ liệu, không nhớ bất kỳ một điều gì về bản thân. Nhiều lần nhìn mẹ khóc đáng ra tôi phải buồn thì tôi lại không vui cũng không buồn. Một câu hỏi duy nhất lúc nào cũng vang lên trong đầu tôi là: ‘Tại sao mình lại như thế này?’… Thế rồi, cứ mỗi sáng thức dậy, thấy mẹ ít khóc hơn, mọi người đến trò chuyện và thăm hỏi nhiều hơn tôi mới bắt đầu hồi phục từ từ” – Sỹ Luân chia sẻ.
NHẬN RA CUỘC ĐỜI NÀY VÔ THƯỜNG…
Sỹ Luân chia sẻ: “Trải qua tai nạn kinh hoàng, đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, tôi mới thấy cuộc sống này thật sự đáng quý và quý nhất có lẽ là sức khoẻ, tinh thần… chứ không phải tiền bạc. Cũng sau tai nạn tôi nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của một gia đình, cha mẹ ở bên mình sẽ không còn bao lâu nữa, trong khi đó mình cứ lao vào công việc thì thật sai lầm.
Tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều người khi được trở về từ cõi chết và thấy mình cần phải san sẻ yêu thương cho mọi người nhiều hơn. Có lẽ vì thế nhiều người bảo tôi già dặn hơn, trưởng thành hơn trước.
Với tôi, cuộc sống và công việc của mình bây giờ như một cái duyên, điều gì đến thì mình sẽ đón nhận, kết quả tốt hay xấu đều do trời định vì trong công việc mình cố gắng rất nhiều rồi nên không cần bận tâm nữa…”.
Giờ đây, Sỹ Luân sống chậm rãi hơn, không hối hả, không vồ vập như trước. Mỗi sáng thức dậy anh cho phép mình nghe một bản nhạc trữ tình nhẹ nhàng trước khi bước chân xuống giường, buổi tối tập hành thiền và đọc kinh Phật trước khi đi ngủ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó Sỹ Luân cũng thừa nhận, để có được cuộc sống bình thường trở lại như hôm nay anh đã cố gắng rất nhiều vì thời gian mới trở lại với công việc anh gặp rất nhiều khó khăn.
Sỹ Luân chia sẻ, điều quan trọng nhất với anh lúc này là anh đã nhận ra cuộc sống là vô thường, từ lẽ đó anh nhìn nhận và lý giải cuộc đời theo giáo lý của nhà Phật.
“Tôi nghĩ tất cả mọi việc trong cuộc đời này đều quấn quanh chữ duyên vì cũng nhờ duyên mà tôi cảm nhận được kiếp trước mình là một người tu hành. Khi vừa trở lại với cuộc sống, tôi như người bơi giữa biển khơi không thấy bến bờ, nhờ đọc kinh pháp của Phật nên tôi ngộ ra nhiều điều. Chính những điều đó giúp tôi lấy lại được cân bằng trong cuộc sống, từ đó thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn chứ không phức tạp như trước.
Cũng có người nói tôi mê tín nhưng nên hiểu mê tín là sự tôn thờ mù quáng, cứ vào chùa cầu thần, khấn Phật và cầu mong tất cả mọi thứ vì lòng tham… còn tôi, từ khi bắt đầu đọc kinh pháp, tôi nhận ra nhiều chân lý cuộc sống, để rồi từ đó tìm ra ánh sáng cho cuộc đời mình bước tiếp” – Sỹ Luân nói.