Trên cơ thể của nhiều hài nhi khi lọt lòng mẹ đã xuất hiện vài dấu vết lạ. Những dấu vết ấy được khẳng định (bởi các nhà y học) có trước khi đứa bé chào đời. Hình dạng và màu sắc thường khác nhau.
Cho đến nay, khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu được thấu đáo nguyên nhân xuất hiện những dấu vết ấy. Sự giải thích vẫn trong vòng luẩn quẩn như: đó là dấu vết bẩm sinh do người mẹ khi mang thai chịu ảnh hưởng của một vài tác nhân nào đó như chất thuốc uống, hoặc thuốc xức trên da người mẹ hoặc thức ăn, hay một tác nhân nào khác như những xáo trộn trong sự chuyển biến của cơ thể lúc còn là bào thai, v.v
Thật ra từ rất lâu trong dân gian, con người đã nghĩ rằng: có thể có cái gì đó ẩn tàng từ những vết tích trên cơ thể trẻ sơ sinh. Tại sao vết tích ấy lại có từ lúc hài nhi ở trong bụng mẹ?
Họ tin rằng đó là vết tích của kiếp trước còn sót lại qua sự đầu thai. Nhiều câu chuyện có thật đã chứng minh những gì mà từ lâu con người đã nghi ngờ và nghĩ đến. Sau đây là hai câu chuyện có thật như vậy.
Chuyện có thật về bé Winnie Easland
Bé Winie Easland mất năm 1961. Theo hồ sơ, cô bé Winnie Easland chết vì tai nạn xe hơi lúc mới sáu tuổi. Mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu giúp và giải phẫu cẩn thận nhưng vì vết thương quá nặng nên cô bé qua đời.
Năm 1964, người mẹ của cô bé bất hạnh này lại sinh được một bé gái nữa. Khi cô bé vừa tròn sáu tuổi thì bỗng nhiên có những lời nói cử chỉ lạ lùng. Cô bé nói với mẹ: “Má ơi! Con chính là Winnie đây!”. Khi xem tập ảnh của gia đình thì cô bé chỉ hình của bé Winnie và nói: “con đây này!” và kể rằng kiếp trước mình đã bị tai nạn được đưa vào bệnh viện giải phẫu nhưng vết thương quá nặng nên đã qua đời.
Điều kỳ lạ đáng lưu ý là khi mới lọt lòng mẹ cô bé này đã có một dấu vết giống như đường mổ lớn nằm bên hông của cơ thể. Đó là một dấu vết bẩm sinh. Theo bác sĩ Ian Stevenson thì phải chăng đó là dấu vết của một tai nạn của tiền kiếp và dấu vết ấy vẫn còn theo đuổi đến kiếp hiện tại? Đó là dấu vết của luân hồi?
Chuyện có thật về bé SanJay ở Ấn Độ
Câu chuyện xảy ra tại hai ngôi làng ở miền Nam Ấn Độ. Một gia đình nọ có một đứa bé mới sinh đặt tên là SanJay. Đứa trẻ này mới lọt lòng mẹ đã có dị tật, đó là các ngón ở bàn tay mặt bị cụt.
Theo sự chuẩn đoán của các y sĩ tại nhà hộ sinh thì đó là dấu tích bẩm sinh. Nhưng đối với bác sĩ Stevenson thì đây là trường hợp đáng lưu ý vì theo bác sĩ thông thường rất nhiều trường hợp trẻ mới sinh ra có các ngón tay ngắn hoặc có khi không có ngón tay và thường thì cả hai tay.
Riêng trường hợp đứa bé này, các ngón ở bàn tay mặt không phải ngắn mà có dạng thể như bị cắt ngang, nên đầu ngón tay cụt rút lại như thành sẹo. Sự nghi ngờ của bác sĩ Stevenson trùng hợp với hiện tượng lạ kỳ về đứa bé ấy.
Đứa bé đã nói với người mẹ một câu làm mọi người ngạc nhiên: “Bàn tay mặt của con ngày trước đã bị cái máy quạt nghiền nát các ngón. Lúc đó con ở tại ngôi làng cách xa làng này khoảng 8 cây số. Cha mẹ và anh con lúc đó hiện nay vẫn còn sống…”. Thế rồi, đứa bé đòi mẹ dẫn mình tới căn nhà ở ngôi làng đó. Tại đó có một gia đình có đứa con trai chết vì bị máy cắt đứt các ngón tay.
Về sau Sanjay đã kể lại như sau: “Lúc tôi đến thì đang có đám cưới trong làng, anh tôi cũng tới dự. Tôi biết ba má và anh tôi (những người thân ở kiếp trước) nhưng họ không biết tôi. Họ chỉ nghe chuyện tôi bảo rằng tôi là em và con trong gia đình họ.
Nhiều người vừa cười vừa nói như đùa: ’Này, cháu bé hãy nói đi, tại sao mấy ngón tay cháu lại bị đứt vậy?’. Còn mẹ tôi (người mẹ kiếp trước) thì bảo: ’nếu là con của mẹ thì hãy chỉ cho mọi người cái máy ở đâu, cái máy đã cắt mấy ngón tay con đó?’. Sau đó tôi dẫn mọi người đi chỉ chổ cái máy và lúc đó trong khi mọi người còn ngạc nhiên thì tôi vẫn quả quyết tôi chính là con của mẹ kiếp trước của tôi đây.”
Sau cuộc thử thách thực hư về những gì chứng minh đứa bé trước đây (tiền kiếp) là con của gia đình này, đứa bé được người mẹ ruột (hậu kiếp) dẫn đến nhà của gia đình cha mẹ có người con trước đây bị chết vì bị cái máy cắt đứt năm ngón tay. Cuộc hội ngộ thật lạ lùng. Đứa bé đã thốt lên một câu như người lớn: “tôi đã chết một lần và tôi lại được sinh lần nữa và ở đây”.
Bác sĩ Pasricha hỏi người đàn bà mà đứa bé nhận là mẹ mình rằng: ” nếu quả thật cháu bé này là con của bà, cho dù bà ở kiếp trước thì bà tính sao?” Người đàn bà trả lời: ” Dĩ nhiên là tôi vui vẽ chấp nhận cháu là con tôi. Cháu đã muốn tôi làm mẹ thì tôi quyết định rằng cháu là con tôi…”
Riêng đối với người mẹ mới sinh ra cháu bé thì tình cảnh thật vô cùng nan giải. Bà khóc thút thít nắm tay đứa bé vừa mếu máo vừa nói: “con là con của mẹ, Sanjay à!”.
Thế rồi chung cuộc, các bô lão trong làng đã đứng ra dàn xếp ổn thỏa. Đứa bé là con chung của hai gia đình. Giờ đây đứa bé đã là một thanh niên mạnh khỏe và vui vẻ hòa đồng giữa hai nhà. Anh ta thường nói: “khi tôi đến ở nhà này, tôi lại nóng lòng mong về lại nhà kia, rồi khi tôi đến ở nhà kia, tôi lại nóng lòng muốn về nhà này… Hiếm ai có được nhiều cha mẹ anh em ruột như tôi”.