Ngày Messi khoác lên mình chiếc áo Barca, lịch sử đội bóng đã bước sang trang mới. Lúc này đây, những trang sử oai hùng ấy vẫn đang được ‘chú lùn huyền thoại’ ngày ngày viết tiếp.
Do quá chú trọng vào kỹ thuật cá nhân nên trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới, đội trẻ Barcelona B chưa bao giờ giành chiến thắng trước đại kình địch Espanyol – những người vượt trội về thể hình lẫn kinh nghiệm chinh chiến. Cho tới một ngày, tất cả đã thay đổi…
Thiên tài xuất hiện
“Chúng tôi dẫn trước họ bằng ba bàn thắng”, Marc Valiente, hậu vệ của đội KAS Eupen đang thi đấu tại Bỉ, người từng đeo băng đội trưởng của Barcelona B kể lại với tờ Goal. Đó là năm 2002 khi viên ngọc thô mang tên Lionel Messi xuất hiện. Kể từ khoảnh khắc cậu nhóc 14 tuổi khoác lên mình chiếc áo ấy, đội trẻ Barcelona B gần như “độc cô cầu bại” ở mọi giải đấu họ tham gia.
Gây dựng danh tiếng từ rất sớm tại quê nhà Rosario, Lionel Messi quyết định chuyển tới Barcelona và chỉ hai năm sau đó, anh được điền tên trong danh sách thi đấu của đội Infantil B (Infantil ở Tây Ban Nha là đội bóng gồm những cầu thủ dưới 12 tuổi). “Chẳng ai trong chúng tôi nghe nổi câu chào của cậu ấy”, Robert Franch, một đồng đội khác của Leo vẫn nhớ về ngày đầu tiên gặp Messi.
Ở đội trẻ của Barcelona, những “ma mới” thường bị vây quanh bởi những câu hỏi đã trở thành thông lệ. “Nhóc chơi ở vị trí nào?”, Rodolf Borrell đã hỏi Messi như thế trước mặt cả đội vào một ngày tháng 2, năm 2002. Dẫu không cúi mặt xuống sàn thì cái chất giọng lí nhí của cậu bé Leo cũng khiến người đối diện khó lòng luận ra cậu đang nói gì. “Tiền đạo”, Messi trả lời bằng giọng trầm lắng trước khi lủi thủi tiến về phía góc trong cùng và cứ im lặng như thế cho tới hết buổi.
“Tôi thực sự bị thu hút bởi cậu ấy”, Roger Gribet – người gia nhập Barca cùng ngày với Messi thổ lộ. “Tôi ý thức rằng thể chất vượt trội của mình đã giúp tôi được Barca chú ý. Năm ấy tôi cao mét 7 khi chỉ mới 12 thôi, còn cậu ta chưa được nổi mét 5 thì phải”. 15 năm sau, Roger Gribet vẫn chưa hết ngạc nhiên khi kể lại câu chuyện với phóng viên của Goal.
Theo lời mô tả của Borrell thì Messi là một số 10 đích thực “đến từ nơi xa xăm” và “vô cùng đặc biệt” – theo lời của Valiente. Anh tâm sự thêm: “Nhớ lại thời đó không ai đi xa như vậy chỉ để gia nhập La Masia”. Messi là một trường hợp ngoại lệ. Nếu có ngạc nhiên cũng rất dễ hiểu bởi thời điểm đó, chưa một ai trong đội thực sự chứng kiến thiên tài 12 tuổi chơi bóng.
Cậu nhóc đi ngược nguyên lý 1-2 chạm
Và khoảnh khắc đó cũng sớm trở thành hiện thực. Trong ký ức của Valiente, mọi thứ vẫn như ngày hôm qua. “Ngay ngày đầu tiên, ban huấn luyện quyết định xếp cậu ta đá cặp cùng Cesc Fabregas trên hàng công”. Dĩ nhiên, không có gì là ngẫu nhiên ở đây cả. “Cesc sở hữu tài năng trời phú”, Valiente nhấn mạnh. “Cậu ta là thiên tài trong việc đọc trận đấu. Dù không xuất phát ở một vị trí tốt trong rondo (kiểu như bóng ma trong đó một nhóm lớn cầu thủ cố kiểm soát bóng trước một nhóm ít cầu thủ hơn), nhưng bằng cách nào đó, Cesc vẫn đoạt được trái bóng.
Hôm ấy, các cầu thủ đội trẻ được dạy một bài học mới toanh. “Thường thì chúng tôi được chỉ rằng nên chơi bóng với 1, 2 chạm”, Valiente giải thích. “Từ nhỏ, các học viên đã được yêu cầu chỉ đá 1, 2 chạm để luân chuyển bóng thật nhanh. Nhưng ngày nọ, một cậu nhóc xuất hiện – đó là Messi. Cậu ta dùng tới 4, 5 chạm nhưng vẫn giữ nguyên được tốc độ”.
Dẫu vậy, muốn đánh giá tổng thể về thiên tài này, ban huấn luyện cần kiểm chứng khả năng của cậu trong một trận đấu chính thức. Albert Benaiges, người đứng đầu học viện bóng đá của Barcelona đã viết trong cuốn hồi ký mang tên Libero: “Chúng tôi phải rất khẩn trương bởi nếu cậu ta không đá hai trận này, Messi sẽ không đủ điều kiện tham dự giải quốc gia cho tới khi 18 tuổi”.
Trận đấu đầu tiên của Messi cho đội Infantil B diễn ra vào ngày 7/3/2001 trước Amposta. Không ngạc nhiên khi cậu bé đã ghi 1 bàn. Tuy nhiên, sự nghiệp mới lên của thiên tài nhỏ tuổi sớm bị đe dọa bởi chấn thương đầu gặp phải trong chuyến làm khách tới thành phố Tortosa. May mắn thay, cho tới tận bây giờ, đó là vết nứt duy nhất Leo phải nhận trong suốt sự nghiệp. Dẫu tuổi đời còn rất nhỏ nhưng màn trình diễn tuyệt đỉnh khi ấy của Messi đã khiến ban huấn luyện đưa ra một quyết định quan trọng: Cậu bé thiên tài này không thể tiếp tục chơi bóng cho đội Infantil B.
Ngay khi hồi phục chấn thương, Messi được chuyển sang đội Infantil A. Nhưng cậu nhóc cũng chỉ đá cho đội Infanti A vài trận bởi, theo như Borrell và Benaiges, tài năng của Leo Messi xứng đáng góp mặt trong đội Cadete B (lứa U16). Năm 2002, thần đồng người Argentina nhận quyết định luân chuyển sang đội Cadete B. Chính tại đây, Messi đã đánh dấu những bước tiến vượt bậc của mình.
Roger Franch, anh trai của Robert và là thủ môn của đội Cadete B nhớ lại: “Ban đầu, chúng tôi không thực sự chú ý đến cậu ta bởi mọi người đã chơi với nhau trong khoảng thời gian dài. Đội Cadete B là một tập thể luôn tràn đầy sức sống nhưng Messi thì hơi lạc loài chút, cậu ấy lúc nào cũng rúc vào một góc, đơn độc và trầm lắng”.
Nhưng đó chỉ là chuyện trong phòng thay đồ, Messi ở trên sân tập lại là người hoàn toàn khác. “Đối đầu với cậu ta trên sân là trải nghiệm bạn chẳng bao giờ muốn thử qua”. Anh trai của Robert tiết lộ với Goal: “Nhìn một thằng ma mới phô diễn trên sân, chúng tôi – những cầu thủ phòng ngự vượt trội hơn hẳn về mặt thể chất đã quyết định dạy cho nó một bài học. Tuy nhiên, chẳng có cái quái gì xảy ra cả. Cậu ta quá nhanh, đến nỗi bọn này không kịp sút cho cậu ta một cái”.
Kể lại bằng giọng bất lực, Robert giải thích thêm: “Anh có thể đuổi theo cậu ta nhưng ngay trong khoảnh khắc anh định đốn ngã Messi, cậu ta đã cho anh ngửi khói và chuẩn bị vượt qua luôn hậu vệ tiếp theo”. Cho đến bây giờ, Robert vẫn chưa hết ám ảnh những ngày phải tập chung cùng Messi, anh kể tiếp: “Cậu ta giống như cái máy vậy, lúc nào cũng rất ổn định, từ tập luyện, hồi phục cho tới những trận đấu chính thức. Tôi và những cầu thủ phòng ngự khác luôn tránh phải tập 1-1 với cậu ta bởi dù có làm thế nào chúng tôi cũng không lấy nổi bóng từ chân Messi”.
Nói về Messi, Paul Torras, thủ môn của Cadete B, giờ đang bắt cho Cartagena nghĩ ngay tới hình ảnh một thằng nhỏ trầm lắng, lúc nào cũng lủi thủi một mình. “Tin được không, cậu ta tới sân mà chẳng mở mồm lấy một lần. Cứ cắm đầu vào tập và mặc kệ chúng tôi ba hoa đủ thứ chuyện. Xong xuôi Messi ra về, lặp đi lặp lại như một lẽ dĩ nhiên vậy”.
Chốt lại những câu chuyện về buổi tập với Messi, Robert kết luận: “Sau cùng chúng tôi nghĩ ra một cách duy nhất để đánh bại cậu ta. Mang khẩu súng tới sân và bắn cho cậu ta một phát, cơ mà dù sao tôi vẫn có cảm giác cậu ta sẽ tránh được cả đường đạn”. Đó là những gì cho tới giờ người ta vẫn nhớ về một Lionel Messi ở tuổi 13.
Bắt đầu hòa nhập
Mọi thứ đều tuyệt vời, chỉ có điều Messi vẫn cứ luôn ngại tiếp xúc với mọi người. Phải tới khi cả đội tới Venice để tham dự loạt trận giao hữu, tiền đạo người Argentina mới thực sự trở thành một phần của gia đình này. “Đó là lần đầu tiên cậu ta biết đùa”, Valiente nhớ như in. “Cậu ta luôn quá ngại ngùng để mở lời với người khác”. Messi lúc ấy thích chơi với Victor Vazquez, một viên ngọc quý của lò La Masia và là đối tác ăn ý của cầu thủ người Argentina trong đội. Đồng thời, họ cũng học chung lớp với nhau nữa.
Cũng trong chuyến du đấu ở Venice, các đồng đội bắt đầu gọi Messi bằng cái tên “enano” (gã lùn). “Dẫu trước đó chúng tôi cũng hay kêu cậu ta như vậy rồi nhưng cái tên này chỉ trở nên ‘thông dụng’ hơn sau chuyến đi ở Venice”, Roger Giribet, một trong những tiền đạo của đội giải thích. “Sau trận đấu ra mắt đội một, cậu ấy quay lại gặp chúng tôi ở La Masia và cả bọn lại tranh nhau hỏi: ‘Này, thằng lùn, làm thế quái nào cậu vượt qua được mấy gã lớn hơn thế?’ Và rồi cả lũ lại bò ra cười với nhau”.
“Dù không trực tiếp nói ra nhưng tôi đoán đôi khi cậu ta cũng không vừa ý với chúng tôi. Dẫu vậy, Messi vẫn luôn vui vẻ với mọi người trong đội. Có lẽ giờ thì cậu ta vẫn như thế”, Giribet nói thêm: “Tôi có cảm tưởng nếu ngày mai bất ngờ gặp lại, cả hai sẽ trao cho nhau cái ôm thật chặt như thể 15 năm ròng vẫn chưa trôi qua”.
Lứa 1987 của Lionel Messi tốt nghiệp đội Cadete A gần như cùng lúc vào mùa giải 2002/03. Cho tới tận bây giờ, họ vẫn được coi là đội bóng xuất sắc nhất lò La Masia từng sản sinh. Dẫu vậy, cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Cuối mùa giải đó, Cesc quyết định đầu quân cho Arsenal và một năm sau, Pique trở thành người của Manchester United.
Về phần mình, Messi vẫn tiếp tục khiến người ta kinh ngạc. Anh nhảy cóc từ đội Juvenil A (U19) sang Barcelona C (giờ không còn nữa) và rồi là Barcelona B – tất cả chỉ diễn ra trong vỏn vẹn có một năm trời. Năm 16 tuổi, chàng trai trẻ người Argentina có trận ra mắt đội một. Lên 17 tuổi, Messi tìm được chỗ đứng chính thức trong đội hình chính và được dìu dắt bởi Ronaldinho – cầu thủ xuất sắc nhất thế giới lúc bấy giờ.
Giribet, giờ đang làm việc ở bộ phận kỹ thuật của Barca, chia sẻ với Goal: “Tất cả chúng tôi, những người đã sát cánh cùng Messi đều không mấy ngạc nhiên với phẩm chất kỹ thuật trời phú của cậu ấy. Bằng tài năng thiên bẩm của mình, Messi có thể dễ dàng thích ứng với mọi thử thách gặp phải”.
Anh cũng nói thêm: “Messi 10 năm trước đã có khả năng bứt tốc trong một khoảng không gian nhỏ mà không lo bị mất bóng. Thời gian trôi qua, Messi ngày càng hoàn thiện bản thân với kỹ năng dứt điểm, chuyền bóng và đủ thứ khác nữa cậu ta vẫn thường thể hiện trên sân.
Ở bất kỳ thời điểm nào trong sự nghiệp, Messi vẫn luôn biết cách chứng tỏ những phẩm chất thiên tài của mình. Từ đội trẻ cho tới Barcelona lúc này, không một cầu thủ nào xuất sắc hơn Messi cả”.
Giribet cũng khẳng định rằng Lionel Messi là trường hợp đặc biệt nhất lịch sử bởi “gã lùn” anh biết chưa bao giờ chùn bước trước những áp lực kinh hoàng. “Cậu ta chẳng hề sợ hãi điều gì”, anh nói với Goal. “Đã có rất nhiều tài năng không thể bước ra ánh sáng bởi họ không dám đối mặt với áp lực. Như tôi, chỉ đứng trước 1,500 người thôi mà cảm giác chân tôi đã run lẩy bẩy rồi. Messi thì khác, ngay cả trận chung kết Champions League cũng chẳng thể khiến cậu ta run sợ”.
Đồng quan điểm với Giribet, Valiente cho hay: “Chứng kiến cậu ta khoác áo đội một dù còn rất trẻ thực sự không phải điều quá ngạc nhiên đối với chúng tôi, những người đã hiểu quá rõ Messi. Thứ duy nhất khiến chúng tôi kinh ngạc là khả năng thích ứng ở bất kỳ đâu của cậu ấy”. Và Arid Torras kết luận: “Messi gần như bất khả xâm phạm, chẳng có một phương thức nào giúp người ta ngăn cản cậu ấy cả”.
15 năm trôi qua, vạn vật có thể đổi thay nhưng Messi thì vẫn trường tồn với dòng chảy của lịch sử. Anh từng là người xuất sắc nhất và bây giờ thì vẫn như vậy. Chính chàng trai trẻ năm ấy đã mở ra trang sử mới oai hùng cho Barcelona. Ngay lúc này đây, cuốn lịch sử vĩ đại ấy vẫn đang được “chú lùn huyền thoại” viết tiếp…
Theo Vietbao