Hồng bì là loài cây được trồng ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta để lấy quả ăn. Cây còn có tên là “quất hồng bì”, “hoàng bì” , “kim đạn tử”, “do bì”, “do mai”, … có tên khoa học là Clausena lansium, thuộc họ Cam quít. Đây là loại cây thân gỗ, cao khoảng 3 – 5 m.
Lợi ích từ toàn thân cây hồng bì
Tất cả các bộ phận của cây, đều có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Lá (hoàng bì diệp) có vị đắng và cay, tính bình hơi ấm; Có tác dụng giải cảm, hạ sốt, long đờm và giảm ho. Dùng chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, ho. Dân gian thường dùng để nấu nước gội đầu, cho sạch gầu và mượt tóc. Liều dùng hàng ngày 20-40g.
Quả (hoàng bì quả) có vị ngọt và chua, tính bình hơi ấm. Có tác dụng chống ho, long đờm, kích thích tiêu hóa, cầm nôn. Dùng chữa tiêu hóa kém, buồn nôn, ho, ho gà. Liều dùng hàng ngày 6-10g quả khô. Hạt (hoàng bì quả hạch) và rễ (hoàng bì căn) có vị đắng, cay, the, tính ấm. Có tác dụng giảm đau, xúc tiến tiêu hóa, dùng chữa đau dạ dày, đau vùng thượng vị, đau bụng co thắt. Hạt còn chữa rắn cắn.
Rễ còn dùng chữa cảm mạo, thấp khớp, dùng cho phụ nữ sau khi đẻ. Liều dùng hàng ngày: hạt 6-10g; rễ 10-20g.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Lá hồng bì có tác dụng bảo vệ tế bào gan; hạ đường huyết và lipid huyết; kìm hãm sự phát triển của một vài chủng ký sinh trùng sốt rét, tụ cầu vàng và một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Theo một thông báo về kết quả thử nghiệm lâm sàng: Sử dụng hồng bì để điều trị lỵ amíp và lỵ trực trùng (phối hợp với khổ luyện tử, hòe hoa) cho kết quả tốt hơn tân dược ganidan và tetracyclin.
Cách trị bệnh từ quất hồng bì
Giải cảm, hạ sốt: Lá quất hồng bì tươi 30g, rửa sạch, phơi khô, sắc uống cho ra mồ hôi.
Chữa ho cho trẻ: Quả hồng bì tươi, hấp với đường, cho trẻ ăn ngày 3 lần sáng, trưa, tối. Sau vài ngày bệnh sẽ giảm nhanh chóng.
Chữa tốt bệnh ho gà: Quả phơi khô, bỏ hạt 50g, vỏ rễ dâu (tang bạch bì) 50g, củ sả 50g, củ bách bộ 50g, ô mai 50g, cát cánh 50g, hạnh nhân 50g, kinh giới 50g, cam thảo 50g, bạc hà 50g.
Tất cả sắc với nhiều lần nước. Lấy nước đặc, thêm đường nấu thành si rô. Mỗi lần uống 1 – 5 thìa tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh nặng hay nhẹ.
Để kích thích tiêu hóa và phòng bệnh cho phụ nữ sau đẻ: Lấy vỏ thân hoặc rễ cây quất hồng bì 30g, rễ sử quân 20g, quả khế chua 20g. Các vị sao vàng, sắc đặc, chia uống nhiều lần trong ngày. Có thể dùng trong nhiều ngày liền.
Đau dạ dày, đau bụng co thắt: Dùng hạt hồng bì, phơi hay sấy khô = sao thơm, tán mịn ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 6-10g; chiêu bằng nước hoặc rượu nhạt.
Đau thắt dưới tim hoặc giun đũa chòi lên: Dùng quả hồng bì tươi, nhai và nuốt cả vỏ. Hoặc dùng 20g quả khô (hay 50g quả tươi) sắc nước uống vào lúc đói.
Chữa bị nấc: Dùng 15 – 20 quả quất hồng bì chín, dầm nát kết hợp với 1 thìa cà phê đường hoặc mật ong, hấp cách thủy, khi quả quả chín, dầm nát pha nước uống.