Lòng bàn tay đỏ có thể do rối loạn gan mãn tính, gan nhiễm mỡ hoặc xơ gan.
Bàn tay là một bộ phận quan trọng trên cơ thể con người. Vì thế, nó cũng có thể cảnh báo tình trạng sức khỏe, bệnh tật khi xuất hiện nhiều dấu hiệu lạ.
Màu sắc lòng bàn tay của người khỏe mạnh thường là màu hồng hoặc đỏ nhạt, có thấy được các tia máu.
Nhưng nếu bàn tay xuất hiện nốt đỏ hoặc từng mảng ban đỏ rõ ở các ngón tay đến cổ tay, lòng bàn tay, nếu ấn vào thì bị mất màu, còn thả ra sẽ trở về màu cũ, chứng tỏ chức năng trao đổi chất của gan đang có vấn đề.
Lòng bàn tay đỏ do rối loạn gan mãn tính, gan nhiễm mỡ hoặc xơ gan gây ra gọi là bàn tay mẩn đỏ do gan. Điều này xảy ra do các mạch máu giãn nở phản ứng lại sự mất cân bằng hóc-môn do gan bị hư hại.
“Nhiều thế kỷ qua, các bác sĩ đã xác nhận dấu hiệu lòng bàn tay đỏ liên quan đến rối loạn gan, đặc biệt là xơ gan. Viêm gan làm suy yếu chức năng gan nên nó không đào thải các chất thải khỏi cơ thể một cách hiệu quả.
Kết quả là các mạch máu ở lòng bàn tay bị giãn ra do các chất trong cơ thể vượt quá mức bình thường nên lòng bàn tay có màu đỏ”, tiến sĩ Andrew Holt, chuyên gia về gan của bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth, Anh cho biết.
Dấu hiệu khác báo hiệu bệnh gan là chấm trắng trên móng tay do thiếu hụt protein.
Tuy nhiên, bàn tay mẩn đỏ cũng có thể do các bệnh như huyết áp cao, thiếu máu gây ra. Với phụ nữ mang thai, lòng bàn tay cũng có thể xuất hiện màu đỏ do sự gia tăng lưu lượng máu.
Vì vậy xuất hiện triệu chứng bàn tay mẩn đỏ không nhất định là bị phát ban mẩn đỏ do gan, nên kiểm tra các triệu chứng khác của bệnh gan như sưng chân và bụng, tĩnh mạch hiện rõ trên bụng kèm theo mệt mỏi.
Nếu có thêm các triệu chứng này, bạn nên đi xét nghiệm chức năng gan. Nếu là do bệnh gan gây ra thì cần phải điều trị kịp thời để tránh bệnh chuyển biến xấu.