Sau khi ăn dọc mùng (bạc hà), bệnh nhân thấy ngứa mồm, khó thở và co thắt như hen nặng, chủ quán phải nhờ xe ôm đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu…
“Đây là một trong những ca bệnh dị ứng với thực phẩm nguy hiểm”, PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc chia sẻ tại hội thảo khoa học hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam tại Hà Nội.
Theo PGS.TS Nguyễn Gia Bình, tình trạng dị ứng, sốc phản vệ xảy ra nhiều hơn, diễn biến nguy hiểm hơn… Ngoài nguyên nhân từ làm đẹp, phản ứng thuốc, còn có tình trạng sốc phản vệ do dị ứng thức ăn. Gần đây, Bệnh viện (BV) Bạch Mai tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ hơn 20 tuổi bị dị ứng với dọc mùng.
Ngoài sốc phản vệ thì dọc mùng cũng gây ngứa nhẹ ở một số người.
Theo thông tin từ bệnh viện, sau khi ăn bún dọc mùng lần đầu, bệnh nhân thấy ngứa mồm nhưng chủ quan. Đến lần hai, bệnh nhân thấy khó thở, co thắt như bị hen nặng. Chủ quán bún phải nhờ xe ôm đưa bệnh nhân này đến BV. Tuy nhiên, trên đường đi, bệnh nhân ngừng tim do thiếu ôxy não. Các bác sĩ cấp cứu tim đập trở lại nhưng não đã chết.
Theo các chuyên gia, khi xảy ra sốc phản vệ, việc xử lý cấp cứu phải được tiến hành gấp trong vòng 10 giây đồng hồ, nếu chậm bệnh nhân sẽ tử vong.
“Biểu hiện sốc phản vệ cho đến bây giờ vẫn không có dấu hiệu báo trước. Các tình huống sốc phản vệ không chỉ xảy ra ở BV mà ở ngoài cộng đồng cũng xuất hiệu rất nhiều trường hợp, vì chưa được tuyên truyền nên người dân chưa có kiến thức.
Chớ nên xem thường tình trạng sốc phản vệ (dị ứng).
“Sốc phản vệ có thể gây ra cái chết không mong muốn, cả ở những người khoẻ mạnh. Điều đó khiến gia đình bệnh nhân và dư luận xã hội vô cùng bức xúc”, PGS.TS Nguyễn Gia Bình cho hay.
Để điều trị, cấp cứu phản vệ, theo PGS Bình, sử dụng adrenalin tỏ ra hiệu quả, an toàn, dễ áp dụng ở mọi nơi. Trước đây, thuốc này chỉ sử dụng trong BV vì cho rằng các bác sĩ, điều dưỡng mới cần dùng. Thế nhưng, hiện nay có thể trang bị thuốc này ngay trên máy bay, xe cứu hỏa… và cho những người làm việc độc lập như cán bộ kiểm lâm, bộ đội biên phòng…
Thậm chí, nếu gia đình có người có tiền sử bị dị ứng cũng nên để một ống adrenalin hàm lượng thấp dùng tiêm bắp để kịp thời xử lý. PGS.TS Nguyễn Gia Bình cũng khuyến cáo, người có tiền sử dị ứng nên mang theo ống thuốc này trong hành lý cá nhân.