Chi phí sinh hoạt ngày càng cao khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ phải vắt sức trang trải. Các “tay hòm chìa khóa” chia sẻ nhiều tuyệt chiêu tiết kiệm trên diễn đàn xã hội.
Kỳ 1: Loay hoay với lương “hẻo”
Chắt bóp chi tiêu kiểu “lựa cơm gắp mắm” cho phù hợp đồng lương ít ỏi mà vẫn có thể đảm bảo cuộc sống là bài toán không hề dễ với nhiều gia đình trẻ hiện nay.
Đủ chiêu chắt bóp
Công tác ở một Viện nghiên cứu, không làm thêm, thu nhập hằng tháng của chị Nguyễn Thùy Trang gói gọn trong khoảng dưới 6 triệu đồng. Chia sẻ về cách chi tiêu hằng ngày, chị kể: “Để tránh phải đối mặt với việc “no dồn, đói góp”, mỗi khi lĩnh lương, sẽ chi từng khoản tiền cứng ra các phong bì gồm:
Tiền nhà + sinh hoạt phí (sữa tắm, bột giặt, nước xả…)
Tiền xăng xe + thẻ điện thoại; Tiền tiết kiệm cố định hoặc khoản chi khác.
Sau khi trích đủ ba khoản đó, tiền lương còn lại của hai vợ chồng dành cho ăn uống hằng ngày và việc hiếu hỉ. Không cần biết tháng đó có bao nhiêu cái tiệc phải đi, nếu ăn uống không nhịn được thì vay mượn của ba mẹ hoặc bạn bè chứ tuyệt đối không đụng vào tiền tiết kiệm. Chỉ có như thế thì mới mong có tiền để dành”.
Với kế hoạch chi tiêu cụ thể như trên, với tháng ít việc và thu nhập chỉ hơn 4 triệu đồng, chị Trang cho biết vẫn tiết kiệm được từ 700 nghìn đến 1,2 triệu đồng/tháng. Những tháng làm việc nhiều và được nhận lương 6 triệu đồng, sau khi lĩnh lương, chị cũng phân bổ thành các khoản: Tiền nhà + sinh hoạt phí: 1,2 triệu đồng/tháng; Xăng xe + điện thoại: 300 đồng/tháng; Ăn uống hằng ngày tăng lên: 100 nghìn đồng.
Mức chi này không được phép vượt quá. Nếu trót tiêu quá giới hạn, hôm sau phải bù lại, chi phí ăn uống phải giảm đi. Đến cuối tháng, sẽ tiết kiệm được 1,5 triệu đồng. “Khi tôi đưa ra bảng kê chi tiết, rất nhiều người không tin nhưng đó là thực tế cuộc sống của gia đình tôi. Lương chỉ có vậy, không tiết kiệm thì không thể duy trì cuộc sống”, Trang nói.
Sau khi đưa lên mạng, công thức chi tiêu của chị Trang cũng bị nhiều người phản đối, hoài nghi về việc không thể có cách chi tiêu ở mức thấp như vậy khi sống ở thành phố. Tuy nhiên, nhiều “tay hòm chìa khóa” khẳng định, cách chi tiêu này hoàn toàn khả thi với những gia đình có mức thu nhập thấp.
“Gia đình tôi may mắn được ở nhà bố mẹ không phải lo chuyện thuê nhà, bố mẹ vợ lại chu cấp toàn bộ thức ăn ông bà nuôi trồng được nên 4 người gia đình chúng tôi có thể chi tiêu mỗi tháng gói gọn với số tiền 8 triệu đồng” Anh Hoàng Đạo, kỹ sư xây dựng Cty Xây lắp Hóa chất (Hà Nội)
Lại Thu Hương, giáo viên hợp đồng một trường tiểu học tại Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho rằng, đau đầu với chi tiêu hằng ngày là việc mà bất cứ gia đình trẻ nào cũng phải đối mặt. “Lương giáo viên của mình chỉ 4,7 triệu đồng/tháng, chồng mỗi tháng đưa vợ 3,6 triệu đồng… Với số tiền 8,3 triệu đồng/tháng, mình phải dành trả nợ ngân hàng hết 4,3 triệu đồng. 4 triệu đồng còn lại phải chắt bóp từng khoản sao cho đủ chi cho 4 người trong một tháng.
Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau nên phải biết liệu cơm gắp mắm”, chị Hương chia sẻ.Chị Hương cũng cho biết, để tiết kiệm, gia đình chị từ ngày lấy nhau không đi ăn nhà hàng. Cuối tuần được nghỉ thì đưa nhau về thăm nhà nội, nhà ngoại. Chi phí cho gia đình đi du lịch hay đưa con đi chơi công viên và các khu vui chơi giải trí không có. Biết vợ chồng chị phải tiết kiệm trả tiền mua căn hộ chung cư nên mỗi lần về quê, cả hai bên gia đình đều dành dụm từng quả trứng gà, con cá, rau củ trồng được để cho vợ chồng mang về nhà, nhằm đỡ đần khoản chi tiêu.
Lay lắt chờ… viện trợ
Từ ngày sinh con, chị Thúy Hà không đi làm nữa và cùng chồng thuê trọ tại tổ dân phố 15, phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội. Chị Hà cho biết, con gái mới 8 tháng tuổi, nếu thuê người trông con phải trả hơn 3 triệu/tháng nên hai vợ chồng thống nhất chị nghỉ việc ở nhà trông con. “Lương của mình cũng thấp mà tiền thuê người trông con lại cao quá trong khi việc chăm sóc con giao cho người khác cũng không yên tâm nên mình quyết định nghỉ việc để chăm con”, chị kể.
Với mức lương Đại úy, chồng chị Hà mỗi tháng đưa vợ 8 triệu đồng. Số tiền chỉ đủ cho 3 người chi tiêu hết sức tằn tiện. Thậm chí, bố mẹ Hà còn “viện trợ” dài hạn mỗi tháng 2 triệu đồng giúp vợ chồng cô trả tiền thuê nhà. Từ ngày lấy nhau, vợ chồng Hà chưa từng đi ăn nhà hàng hay tính chuyện du lịch. “Dù hai vợ chồng tiết kiệm đủ kiểu vẫn không thể dư được đồng nào. May mà con khỏe mạnh, không tốn tiền thuốc thang.
Chồng tôi cũng rất hạn chế tụ tập bạn bè, không hút thuốc lá, ăn cơm nhà mới có thể đưa vợ tất cả lương thưởng như vậy”, chị Hà chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, nhà anh Hoàng Đạo (32 tuổi), kỹ sư xây dựng Cty Xây lắp Hóa chất (Hà Nội) cho biết, vợ anh sinh con thứ 2 mới được 5 tháng nên nghỉ việc, tất cả chi tiêu từ thu nhập trung bình 8 triệu của anh. Theo chị Thúy, vợ anh Đạo, khoản tốn kém nhất liên quan đến các chi phí quan hệ xã hội như cưới xin, lễ đám, thăm hỏi người thân ốm đau, sau đó đến các khoản chi cho con cái gồm tiền ăn, học, sữa và thuốc men.