Nuôi 2 con nhỏ cộng với tiền sinh hoạt 2 vợ chồng nhưng dù có chi li từng đồng thì 13 triệu thu nhập hàng tháng vẫn hết sạch chẳng để ra được nghìn nào khiến bà mẹ trẻ than trời.
Câu chuyện về chi tiêu mãi luôn là vấn đề nhức nhối, trăn trở của chị em phụ nữ. Tiêu bao nhiêu và tiết kiệm bao nhiêu luôn là câu hỏi được đặt ra để hạn chế mức thấp nhất chi tiêu trong gia đình nhưng vẫn đảm bảo việc ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Thu nhập 2 vợ chồng 1 tháng tầm 12-13 triệu nhưng tháng nào đều hết tháng đó, không bỏ ra được nghìn nào vì có hàng trăm khoản phải chi tiêu cho gia đình và 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, một bà mẹ bỉm sữa có tên facebook Phuong Nguyen thấy nản lòng.
Theo bà mẹ trẻ này hạch toán, mỗi tháng tổng số tiền chi tiêu cho cả nhà 4 người gồm 2 vợ chồng và 1 con lớn đi học mẫu giáo, 1 con 2 tuổi đã hết hơn 10 triệu đồng, trong khi đó còn chưa tính tiền ăn sáng, tiền mua quà vặt cho các con, tiền hỏi thăm ốm đau, cưới xin, ma chay…
Cụ thể:
-Tiền học của con trung bình: 700.000 đồng/tháng
-Tiền sữa của bông: 300.000 đồng/tháng
-Tiền sữa chua: 300.000 đồng/tháng
-Tiền sữa bột của 2 bé: 300.000 đồng/tháng
-Tiền hoa quả: 400.000 đồng/tháng
-Tiền điện trung bình: 400.000/tháng
-Tiền thức ăn 2 con: 25.000 đồng/ngày x 30 ngày = 750.000 đồng/tháng
-Tiền gạo: 210.000 đồng/tháng
-Tiền gas: 150.000 đồng/tháng
-Tiền dầu ăn + mắm, muối: 100.000 đồng/tháng
-Tiền kem đánh răng, xà phòng, sữa tắm cả nhà: 120.000 đồng/tháng
-Tiền ăn trưa vợ + điện thoại + xăng xe: 1.100.000 đồng/tháng
-Tiền ăn của chồng + điện thoại + xăng xe: 2.700.000 đồng/tháng
-Tiền quần áo trung bình: 600.000 đồng/tháng
-Tiền bỉm: 200.000 đồng/tháng
– Tiền thức ăn cả nhà: 1.800.000 đồng/tháng
Tổng cộng: 10.130.000 đồng/tháng
Ngay sau khi chia sẻ bảng chi tiêu của nhà mình lên mạng, chị Phương Nguyên đã nhận được vô số những ý kiến xung quanh vấn đề này. Người thì nói nhà chị ở quê mà tiêu cả chục triệu một tháng là hoang phí, người lại kể ra rằng nhà mình 10 ngày đã tiêu hết 10 triệu gây bùng nổ tranh cãi.
“Nhà chị tiêu hoang kinh”, “tiêu khiếp nhỉ”, “tiêu như thế này cũng không phải là chi li tiết kiệm đâu, nhiều khoản quá”,… nhiều mẹ đưa ra ý kiến.
“Không biết chị ở quê là quê nào? Mức sống ở nơi đó như thế nào? Vợ chồng mình sống tại Hải Phòng, cũng trung tâm thành phố. 2 vợ chồng 2 đứa con mà một tháng cũng chỉ tầm 8 – 9 triệu thôi. Tuy là cuộc sống không sang chảnh như những người có tiền nhưng mình thấy cũng là ăn hơi hoang rồi, nhưng anh xã làm công việc nặng nên cũng không dám bóp mồm bóp miệng”, Thuy Myt nói.
Yen Vu cũng thắc mắc về cách chi tiêu gọi là “chi li” của bà mẹ trẻ: “Như thế này mà bảo tiết kiệm lắm rồi. Nguyên tiền ăn + xăng xe + điện thoại của chồng hết 2,7 triệu, quá lãng phí. Còn chưa kể tiền nhậu nhẹt của chồng đấy”.
Để lập luận cho việc chi tiêu của bà mẹ bỉm sữa Phuong Nguyen là chưa tiết kiệm, Ma Kết đưa ra trường hợp cụ thể về bạn mình: “Mình có đôi bạn, 2 vợ chồng và con dưới 1 tuổi, nuôi thêm bà ngoại, ở 2 phòng trọ, lương 2 vợ chồng là 8 triệu mà tháng nào cũng để dành được 2-3 triệu đấy”.
Nhìn từ gia đình mình, chị Phạm Hằng cũng chia sẻ:“Gia đình mình thì 2 vợ chồng 1 tháng làm 8 triệu vẫn để ra được 1-2 triệu. Mình có đọc tài liệu nói chi tiêu hợp lý là tiêu 70% số tiền mình làm ra, tiền còn lại để lúc nọ lúc kia, thế nên nhiều nhà làm ít nhưng họ vẫn để ra được”.
Trước ý kiến của nhiều bà mẹ cho rằng việc chi tiêu 1 tháng hết cả 12-13 triệu đồng là hoang phí, bà mẹ trẻ có facebook tên Ngậm Đắng Môi lên tiếng cho hay, nhà mình 10 ngày đã tiêu hết 10 triệu. Bà mẹ này còn ước gia đình mình cũng tiêu 1 tháng chỉ hết hơn chục triệu: “Giá như vợ chồng mình cũng tiết kiệm được như bạn thì tốt. 10 ngày tiêu hết 10 triệu. Nguyên tiền thức ăn một ngày hết 500-600.000 đồng. Mỗi 2 mẹ con ăn thôi nhé. Chồng mình thì đi làm xa tháng về lần. Mình thì nghiện mua đồ, mỗi lần mua quần áo phải hết mấy triệu toàn quần áo trên 300.000 đồng/chiếc trở lên. Thịt bò ăn thừa đổ đi, mua gà quê ăn 140.000 đồng/kg, ăn thừa cũng bỏ. Chồng mình lại không ăn thịt lợn, chỉ ăn tôm, cá, thịt bò, thịt gà, vịt… Sữa chua mua nhiều không ăn kịp, bị hết hạn vứt hẳn 1 thùng đi. Sữa của con toàn 600.000 đồng/hộp uống được 1 tuần, nhiều lúc pha sữa quên không đóng hộp lại rồi bỏ hộp sữa đó luôn”.
Nghe những dòng tâm sự của facebooker Ngậm Đắng Môi, các chị em không hề tỏ ra ngưỡng mộ với thu nhập của gia đình bà mẹ “có điều kiện” này mà còn nổi cơn thịnh nộ khi thấy bà mẹ này có vẻ “khoe khoang” và có phần “khoác lác”. “Nổ thế lại ăn gạch đá giờ”, “nổ vừa để người khác còn tin”, “dại rồi, vứt tiền qua cửa sổ nhiều vậy?”, “quá lãng phí, cái này nói ra chẳng ai khen”… là một số trong vô số những câu thể hiện thái độ chế giễu, chỉ trích việc “vung tay quá trán” của facebooker Ngậm Đắng Môi.
Chị em phụ nữ cho rằng dù thu nhập cao, kiếm được nhiều tiền thì cũng không nên ăn tiêu một cách không có khoa học như vậy. Nhà giàu, có điều kiện thì mua đồ ăn ngon, thưởng thức sơn hào hải vị nhưng mua vừa đủ thôi, còn việc mua nhiều mà không biết cách bảo quản để lãng phí đồ ăn trong khi nhiều người khác phải đi ăn xin từng ngày, chết vì đói vì khát thì là người không hiểu biết và không tôn trọng những đồng tiền mà mình làm ra. Còn gia đình có thu nhập trung bình, thấp thì phải biết cân đo đong đếm, tính toán chi tiêu sao cho phù hợp để có những khoản tiền để dành lúc ốm đau hay công to việc lớn.