Những thay đổi bất lợi trong cơ thể bà bầu do tình trạng ốm nghén có thể ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và con.
Nhiễm độc thai nghén luôn là vấn đề mà tất cả các thai phụ và những người đã sinh con quan tâm. Nhiều người đã vượt qua thai kỳ bị nhiễm độc nhưng cũng có người mất con, phải mổ cấp cứu khi thai còn non hoặc gặp tai biến…
Trên nhiều diễn đàn dành cho phụ nữ, cụm từ nêu trên vẫn luôn là nỗi ám ảnh của các bà bầu. Họ gặp nhiều triệu chứng và hậu quả khác nhau nhưng nhìn chung, cả mẹ và con gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sinh nở.
Nôn mửa
Nôn mửa nhiều là một tình trạng của chứng ốm nghén nặng và thường diễn ra trong 3 tháng đầu thai kỳ. Khi mẹ bầu nôn mửa nhiều có thể gây co giật, mê sảng, viêm tắc ruột, viêm đường tiết niệu làm nguy hiểm đến tính mạng, khiến thai nhi có thể nhẹ cân hoặc thai lưu. Ngoài triệu chứng nôn mửa liên tục, mẹ bầu bị ốm nghén nặng còn có rất nhiều các triệu chứng: chóng mặt, đau đầu, không ăn uống được trong thời gian dài, mất nước, sút cân. Thậm chí có trường hợp, các mẹ không đủ sức đi lại và chỉ có thể nằm trên giường. Ốm nghén thông thường chỉ thỉnh thoảng trong ngày còn ốm nghén nặng xảy ra cả ngày lẫn đêm.
Phù nề
Phù tay chân và mặt là tình trạng thường xảy ra vào giai đoạn cuối thai kỳ. Lúc này, chân tay mẹ bầu bị phù nề bất thường. Khi mẹ bầu nhấn ngón tay vào mắt cá chân thấy xuất hiện dấu lõm của các ngón tay. Trường hợp phù nặng còn có thể xuất hiện ở mặt và cả hai bàn tay. Việc bị phù chân vào những tháng cuối thai kỳ là điều thường gặp nên nhiều mẹ bầu không biết cách phân biệt.
Mẹ có thể sử dụng cách sau để phân biệt phù nề có do thai nghén hay nhiễm độc: Khi ngủ, gác chân lên cao, sau một đêm mà hiện tượng phù chân biến mất thì nguyên nhân là do thai lớn chèn ép đến các tĩnh mạch. Còn nếu hiện tượng này vẫn còn thì có thể đó là dấu hiệu nhiễm độc thai nghén. Lúc này, thai phụ cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được xác định chính xác.
Tăng huyết áp
Mẹ bầu được xác định là bị cao huyết áp khi chỉ số đo được lên đến 140/90mmHg hoặc ở những tháng cuối của thai kỳ, chỉ số tăng lên từ 15 đến 30mmHg so với trước khi mang thai. Lúc này, mẹ bầu cần được theo dõi cẩn thận để sớm phát hiện tình trạng nhiễm độc, tránh gây biến chứng tiền sản giật và sản giật
Protein trong nước tiểu
Protein trong nước tiểu có liên quan đến nguy cơ viêm đường tiết niệu khi mang thai, chứng tiền sản giật. Nếu lượng protein trong nước tiểu quá cao, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng hoạt động của gan của mẹ bầu. Mẹ bầu chỉ có thể xác định được tình trạng protein niệu khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Vì vậy, để sớm biết được tình trạng này, mẹ bầu cần đi khám thai thường xuyên để các bác sĩ dễ dàng phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Tăng cân nhanh
Bà bầu bị nhiễm độc thai nghén còn thường có hiện tượng tăng cân rất nhanh, có thể tăng tới 500gr trong một tuần. Nguyên nhân là do cơ thể bị giữ nước. Khi phát hiện những dấu hiện trên, mẹ cần đi xét nghiệm đạm niệu để chẩn đoán chính xác. Nếu kết quả cho thấy nồng độ đạm niệu lớn hơn 0,3g/lít, mẹ bầu sẽ được theo dõi nhiễm độc thai nghén thật cẩn thận để tránh được những biến chứng nguy hiểm.