Nhiều năm nay, câu hỏi có nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 hay không luôn là đề tài tranh cãi gay gắt.
Chuẩn bị vào lớp 1 mà đi học thêm “lợi bất cập hại”
Lâu nay, ngành giáo dục và đào tạo đã có chủ trương không cho trẻ mẫu giáo 5, 6 tuổi học trước chương trình lớp 1. Ở trường mầm non, nhà trường chỉ cho trẻ mẫu giáo làm quen với chữ cái, nhận biết các số từ 1 đến 10, chuẩn bị các điều kiện cho trẻ em làm quen với môi trường mới.
Nhiều trường mầm non đã chăm lo giáo dục trẻ em các kỹ năng: tự chăm sóc bản thân; thói quen tự lập; hòa đồng và thân thiện với bạn mới; tự giác trong học tập; vượt qua ngại ngùng, sợ hãi; tự tin, mạnh dạn trước đám đông;…
Nhưng do tâm lý của cha mẹ của trẻ em thường muốn cho con mình phải giỏi, sợ con không theo kịp bạn bè nên đua nhau cho con học trước chương trình lớp 1.
Hiện nay, mới vừa hết năm học 2015-2016, nhưng rất nhiều cha mẹ trẻ em ở thành phố Vinh (Nghệ An) đã đua nhau xin cho con vào các lớp học thêm trong hè trước khi trẻ vào học lớp 1. Đây là một việc làm “lợi bất cập hại”.
Qua thực tế theo dõi nhiều năm nay, tôi biết hầu hết các em khi vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết, biết làm toán cộng trừ thường không hứng thú trong giờ học, không chú ý nghe lời cô giáo giảng.
Trong khi đó, những em không được học trước thì lo lắng, không thích học, có khi sợ học vì thấy mình thua kém bạn bè.
Đó là tâm lý của các em, chứ thực ra, các em không được học trước đâu có kém. Gặp tình huống này, chỉ cần cô giáo biết cách động viên, hướng dẫn là các em nhanh chóng tiến bộ; nhanh thì vài tháng, chậm lắm cũng chỉ hết học kỳ một, không những các em sẽ theo kịp mà nhiều em còn vượt lên cả những em được học trước.
Còn chính những em được học trước có khi lại tụt hậu vì cứ nghĩ mình đã biết cả rồi, chủ quan, không chú ý học tập.
Tâm lý trẻ nghe lại những cái đã biết sẽ không gây hứng thú, sinh kiêu, chủ quan, không tập trung nghe cô giảng và dần mất đi những kiến thức cơ bản.
Mặt khác, không phải tất cả học sinh đều được đi học trước, vì thế sẽ tạo chênh lệch và áp lực lớn trong môi trường sư phạm giữa học sinh biết và chưa biết.
Bố mẹ cần chuẩn bị những gì khi con chuẩn bị vào lớp 1?
Cho trẻ em học chữ, học toán trước khi bước vào lớp 1 là một sai lầm; một việc làm mà ngành giáo dục và đào tạo không những không khuyến khích, ngược lại còn ngăn cấm. Nên để trẻ em được vui chơi trong hè và khi vào lớp 1 sẽ bắt đầu học tập.
Thời gian đầu trẻ đọc chưa được, viết chữ xấu là chuyện bình thường, chuyện tất yếu, vì bắt đầu từ lớp 1 trẻ mới được học những nội dung này. Cha mẹ không nên quá lo lắng tới mức gây áp lực cho trẻ em. Hãy tạo điều kiện cho trẻ em vui chơi, hoạt động hồn nhiên đúng với lứa tuổi của mình.
Việc cần chuẩn bị cho trẻ em trước khi vào lớp 1 là trang bị các kỹ năng sống cho trẻ. Khi trẻ bước vào lớp 1 thường có tâm lý lo âu vì phải sang học ở môi trường mới. Trẻ sẽ thấy lạ lẫm bởi ở tiểu học, hoạt động học là chính, khác với ở trường mầm non, chủ yếu là vui chơi. Nếu không chuẩn bị tốt tâm lý và các kỹ năng cần thiết, trẻ sẽ thấy tự ty so với các bạn.
Tóm lại, để trẻ em có được sự háo hức, hào hứng với trường học mới, điều quan trọng là cha mẹ của trẻ cần chuẩn bị tâm thế cho trẻ; trang bị cho trẻ những kỹ năng tự lập để trẻ tự tin và nhanh chóng hòa nhập với việc học tập ở trường tiểu học.
Đừng bắt trẻ đi học trước chương trình trong hè, vì tất cả những gì trẻ học thêm trong hè sẽ được các cô giáo ở trường tiểu học dạy khi trẻ vào lớp 1. Học trước chương trình không hề làm cho trẻ giỏi lên mà chỉ gây áp lực cho trẻ, làm cho trẻ không hào hứng, thậm chí là kém khi vào học lớp 1.
Tôi xin kể chuyện ngay trong nhà tôi để mọi người tham khảo. Cách đây ít năm, tôi có cháu nội chuẩn bị vào lớp 1. Tôi bàn với các con là không nên cho cháu vào lớp học thêm trước chương trình lớp 1, mà chỉ cho cháu đi học bơi và học đàn organ.
Ở nhà, cha mẹ các cháu giúp cháu tăng cường làm quen với chữ cái, các số từ 1 đến 10, tập cho cháu đồ theo những nét đơn giản và cầm bút đúng cách, hướng dẫn cháu tiếp xúc, làm quen với các bạn ở bể bơi và lớp học đàn,… Rất may là hai vợ chồng con tôi đã nghe tôi.
Thực tế hai tháng đầu vào lớp 1, lúc nào cô giáo của cháu cũng phàn nàn với mẹ cháu là cháu đọc kém, viết kém, toán cũng kém. Tôi phải động viên con dâu là cứ yên tâm.
Qủa vậy, chỉ đến hết tháng thứ ba của học kỳ 1, cháu đã vươn lên đạt mức trung bình của lớp, sơ kết học kỳ 1, cháu đạt học sinh tiên tiến. Và sang học kỳ 2, tháng nào cháu cũng nằm trong số 3, 4 học sinh dẫn đầu của lớp.
Tôi cho rằng mình đã đúng trong trường hợp này.