Chuyện cũ mà vẫn mới! Ăn dặm với những người làm mẹ vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng. Hôm nay, mẹ Tỏi xin mạnh dạn đóng góp thêm chút hiểu biết của mình…
1. Về thời điểm ăn dặm
Ai cũng đều thuộc lòng lý thuyết về độ tuổi ăn dặm của trẻ – là tròn 6 tháng sau khi chào đời. Có nghĩa là ngày mà một em bé bắt đầu ăn dặm là ngày đầu tiên của tháng thứ 7, chứ không phải ngày đầu tiên của tháng thứ 6 như nhiều người vẫn nhầm. Nếu ăn dặm vào ngày đầu tiên của tháng thứ 6 tức là thực chất, em bé mới chỉ tròn 5 tháng tuổi. Tuy nhiên, vấn đề thời gian mới chỉ được coi là điều kiện cần, vẫn cần phải có thêm điều kiện đủ để mẹ xem xét đến việc cho em bé ăn dặm được hay chưa.
Đó là việc em bé bắt buộc phải biết ngồi thẳng lưng, và giữ được cổ của mình thẳng, không “gật gù”. Điều này rất quan trọng vì chỉ khi ngồi thẳng lưng và giữ cổ của mình chắc chắn rồi, em bé mới không bị sặc, trớ và không bị tổn thương trong khi nuốt.
Nhiều người mẹ chỉ “nhăm nhe” tính toán thời gian mà không để ý rằng con còn chưa biết ngồi thẳng lưng và giữ cổ của mình chắc chắn. Khi ấy, dù con đã có rất nhiều biểu hiện “thèm ăn” như việc con nhìn theo, chóp chép, chảy nước dãi thòm thèm,… khi người lớn ăn uống thì con chưa đủ điều kiện để ăn dặm đâu nhé!
2. Cách tính tháng tuổi ăn dặm cho bé sinh non, thiếu tháng
Rất nhiều bà mẹ đã không biết đến vấn đề này khi tính tuổi ăn dặm cho con. Đa số các mẹ đều lấy ngày con ra đời để đo đạc, so sánh các tiêu chuẩn cân nặng, chiều cao và tính thời gian ăn dặm cho con mà quên rằng bé nhà mình sinh non. Điều này là bất hợp lý bởi những em bé sinh thiếu tháng và thiếu cân sẽ không thể có thể trạng tương đương trẻ sinh đủ tháng.
Bởi thế, với những trẻ sinh non từ 4 tuần trở lên, việc tính tuổi ăn dặm cho con (tương tự như vậy là khi so sánh cân nặng, chiều cao…) đều phải trừ lùi đi một tháng. Giả sử một em bé sinh non 4 tuần, vậy thì thời điểm thích hợp để em bé đó ăn dặm tính từ ngày em bé ra đời, phải là tròn 7 tháng – nghĩa là ngày đầu tiên khi bé bước sang tháng tuổi thứ 8, chứ không phải tròn 6 tháng như những em bé khác. Tương tự với các chỉ số cân nặng và chiều cao. Không có lý gì một em bé sinh non, sinh ra nhẹ cân hơn các em bé đủ ngày đủ tháng, đủ cân nặng lại phải gánh thêm một áp lực “chạy đua” cho “bằng chị bằng em”.
3. Nên nấu cháo rây thay vì nấu bột
Những bữa ăn đầu tiên trong thực đơn ăn dặm của các con nên là cháo trắng nấu loãng thay vì bột loãng như thói quen của nhiều bà mẹ. Điều này đã giải thích rất rõ ràng và hợp lý trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, đáng để các mẹ quan tâm và học hỏi. Rằng, nấu cháo loãng rồi rây nhuyễn qua rây, xét về độ mềm cũng không khác gì nấu bột nhưng các mẹ đỡ mất thời gian hơn, chất dinh dưỡng trong hạt gạo cũng được bảo toàn hơn. Hơn nữa, nấu cháo giúp mẹ chủ động tăng dần độ thô của thức ăn cho bé, từ rây nhuyễn, rây mịn đến rây rối, rây thô… Trẻ sẽ không có cảm giác “sốc”khi “đùng một cái” phải chuyển từ bột sang cháo.
4. Lạm dụng gia vị khi bé chưa tròn 9 tháng
Tất cả những thực đơn liên quan đến đạm động vật đều chưa được áp dụng cho bé trong khoảng 2 tháng đầu ăn dặm. Trẻ chỉ nên ăn rau củ quả và gạo trắng. Việc nêm muối trước khi con 9 tháng cũng hoàn toàn không nên. Tương tự với muối, đường và các loại gia vị nêm nếm khác.
Nguyên nhân của điều này là ở chỗ thận của trẻ còn yếu, chưa quen với việc lọc muối, đường, gia vị… Hơn nữa, những loại gia vị đó, sau khi nêm nếm sẽ sinh ra một lượng axit đáng kể trong dạ dày của trẻ, gây ra sự khó tiêu, nôn trớ, “ậm ạch” sau ăn.
Nhìn thêm về góc độ thói quen ăn uống, ta dễ dàng hiểu được vì sao trẻ nhỏ ăn dặm không cần gia vị. Bởi lẽ, “mẹ tự nhiên” có một bàn tay thần kỳ trong sắp xếp cuộc sống của con người. Con người càng tiến tới cảm nhận những hương vị nguyên chất, vốn có của thức ăn thì càng tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe.
Người lớn chúng ta hay “mê mẩn” những loại gia vị như muối, mì chính, đặc biệt là các chất tạo hương vị, tạo màu, mùi hóa học, dầu mỡ,… nên dễ khiến cho cơ thể bị mất cân bằng. “Bà mẹ tự nhiên” buộc phải làm như vậy để con người không cần phải quá khó khăn trong việc ăn uống mà vẫn có thể thích nghi trong những trường hợp thiếu thốn nhất, với một nền nông nghiệp thô sơ nhất vẫn có thể duy trì sự sống ở mức an toàn, khỏe mạnh.
Bởi vậy, tôn trọng sự sắp đặt này của tự nhiên chính là cách tốt nhất để con lớn lên khỏe mạnh mà không trở nên “khảnh ăn”, khó tính, hay đòi hỏi những đồ ăn nhiều hương vị, để rồi dễ nhiễm các bệnh do hệ nội tạng phải quá tải khi làm việc.