Chăm sóc vùng kín cho bé đúng cách là một vấn đề rất quan trọng mà bà mẹ nào cũng nên lưu tâm.
Chăm sóc vùng kín cho bé sơ sinh tưởng là vấn đề đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng đối với bất kỳ bà mẹ nào. Khi mới sinh ra, cơ thể bé vẫn còn rất non nớt nên yêu cầu người mẹ phải có sự chăm sóc kỹ lưỡng, ngoài việc vệ sinh cơ thể bé hằng ngày, mẹ cũng nên chú ý đặc biệt đến những vùng nhạy cảm để đảm bảo cho sức khỏe sinh sản của con sau này. Giữa bé trai và bé gái thường có những khác biệt rõ rệt trong việc chăm sóc vùng kín, chị em hãy cùng tìm hiểu để không bị bối rối khi có “đủ nếp đủ tẻ” nhé.
Chăm sóc vùng kín cho bé trai
Vấn đề thường gặp nhất đối với vùng kín của các bé trai có lẽ là hẹp bao quy đầu. Theo các chuyên gia, có đến 2/3 bé trai sơ sinh mắc phải tình trạng này. Tuy nhiên, đa số trẻ sẽ tự khỏi khi lớn lên mà không cần đến bất kỳ sự can thiệp nào khác. Mẹ cũng không nên có sự tác động lộn da quy đầu sớm cho con vì rất dễ gây tổn thương, cách tốt nhất nên làm là vệ sinh đúng cách cho đến khi bé 3 – 4 tuổi mới tiến hành lộn bao quy đầu dần dần cho con. Mỗi ngày, mẹ nên tắm rửa sạch sẽ tất cả các bộ phận trên cơ thể con trong đó có cả vùng kín. Để vùng kín của bé không bị nhiễm trùng, mẹ lưu ý tuyệt đối không sử dụng các loại xà phòng có tính tẩy mạnh, tăm bông hay dùng nước xối mạnh trực tiếp vào phần bao quy đầu của trẻ, cứ khoảng 2 tuần, chị em có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa sạch những phần cặn bã còn sót lại để ngăn ngừa nguy cơ viêm, tắc đường tiểu.
Sau khi thay tã mẹ cũng nên vệ sinh vùng kín cho bé thật đúng cách. Mỗi lần con đi tiểu xong, hãy từ từ dùng tay tụt phần da quy đầu nhẹ nhàng để tống hết nước tiểu còn sót lại ra ngoài, tiếp đến lấy nước ấm rửa sạch sau đó lau lại bằng khăn mềm để đảm bảo vệ sinh. Khi thay tã, một việc quan trọng mẹ không được quên là hãy lưu ý đặt dương vật của bé đúng chiều, không để ngược vì có thể khiến nước tiểu tràn lên phần trên của tã. Chị em nên chú trọng việc giữ bộ phận sinh dục của con luôn thoáng mát, hạn chế sử dụng tã suốt ngày để tránh tình trạng bị hăm, nổi mẩn, chưa kể nếu sử dụng tã trong khoảng thời gian quá lâu có thể làm hại đến bộ phận sinh dục trẻ.
Trong quá trình chăm sóc vùng kín, nếu mẹ nhận thấy bộ phận sinh dục của con có những biểu hiện lạ sau đây thì hãy lập tức phải đưa bé đi khám ngay:
Bé gặp khó khăn, mất nhiều thời gian khi đi tiểu có thể là dấu hiệu của căn bệnh viêm đường tiết niệu rất nguy hiểm.
Xuất hiện u hoặc khối phồng ở vùng bẹn có thể là dấu hiệu của bệnh lý thoát vị bẹn.
Phần bìu co rút, nhỏ lại hoặc nghiêm trọng hơn là biến mất, hãy lập tức đưa bé đến bệnh viện để có sự can thiệp kịp thời.
Chăm sóc vùng kín cho bé gái
Việc chăm sóc vùng kín cho bé gái có phần phức tạp và đòi hỏi sự cẩn thận tuyệt đối bởi lẽ cấu tạo bộ phận sinh dục của bé gái dễ bị có mùi và nhiễm khuẩn nhiều hơn hẳn các bé trai. Để chăm sóc bộ phận sinh dục cho con, điều đầu tiên mẹ nên lưu ý là chọn lựa những loại sữa tắm nhẹ dịu để có thể vệ sinh toàn bộ cơ thể cũng như vùng kín một cách an toàn nhất, tuy nhiên, trong 2 tuần đầu tiên sau khi bé chào đời, tốt nhất mẹ chỉ nên dùng nước sạch để vệ sinh vùng kín cho con.
Khi tắm, những thứ mẹ cần chuẩn bị là một thau nước ấm cùng khăn xô mềm và sạch. Thực hiện các thao tác tắm rửa bình thường, đối với bộ phận sinh dục của bé, mẹ hãy nhẹ nhàng dùng tay tách phần âm hộ ra rồi sử dụng khăn mềm nhúng nước lau sạch vùng kín theo hướng từ trước ra sau để tránh tình trạng vi khuẩn từ hậu môn lây ngược lên bộ phận sinh dục. Cuối cùng dùng khăn mềm lau khô cho bé. Khi thay tã mẹ cũng hãy thực hiện các thao tác vệ sinh giống như vậy, nhưng điều mẹ cần chú ý khi vệ sinh vùng kín cho bé gái chính là:
Không lau rửa, chà xát vùng kín cho bé quá mạnh bạo, tuyệt đối không thụt rửa sâu vào âm đạo của bé.
Chỉ nên sử dụng các loại sữa tắm nhẹ dịu để vệ sinh bên ngoài vùng kín của trẻ, không dùng thêm dung dịch vệ sinh, nước muối để tự ý rửa bên trong cho bé nếu không có sự chỉ định của bác sĩ.
Mỗi ngày bắt buộc vệ sinh vùng kín đủ từ 2 – 3 lần để giữ cho bộ phận sinh dục trẻ luôn sạch sẽ, khỏe mạnh.
Không nên dùng tã suốt ngày vì có thể tạo ra môi trường nhiều vi khuẩn tấn công vùng kín của bé.
Không cần lo lắng khi phát hiện vùng âm đạo của bé xuất huyết ít hoặc có chấm trắng vì đây chỉ là dấu hiệu bình thường từ một loại hormone di truyền từ mẹ sang con.
Nếu nhận thấy vùng kín của bé có những dấu hiệu lạ sau đây, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để trực tiếp thăm khám:
Xuất hiện hiện tượng tiết dịch hoặc chảy máu âm đạo nhiều.
Phần môi nhỏ của bé bị dính lại với nhau khiến nước tiểu khi ra ngoài bị chia nhỏ thành tia chứ không theo dòng.
Âm đạo tiết dịch màu xanh lá hoặc nâu, có mùi khó chịu.
Bé thường xuyên bị đái nhắt hoặc gặp khó khăn và mất nhiều thời gian để có thể đi tiểu.
Theo WTT