Nếu đem so bì trong mối quan hệ của người lao động và người sử dụng lao động thì rõ ràng người lao động vẫn là kẻ yếu thế hơn. Thường thì những người lao động có trình độ thấp hay bị lợi dụng xâm phạm quyền lợi, vì sợ hãi hay không biết cách đòi hỏi mà đành cam chịu.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Nhà nước đóng vai trò trung gian đã có những chính sách nhằm cân bằng lợi ích trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nếu đang đi làm hãy ghi nhớ và tận dụng những chính sách này để tự bảo vệ mình nhé.
1. Thời gian thử việc tối đa
Không phải vấn đề thử việc bao lâu đều do nhà tuyển dụng quy định. Theo Điều 27 Bộ luật Lao động 2012 đã đưa ra quy định về thời gian thử việc như sau:
– Thử việc 60 ngày đối với trình độ từ cao đẳng trở lên.
– Được phép thử việc 30 ngày đối với trình độ trung cấp.
– 6 ngày đối với các công việc khác.
Lưu ý:
– Chỉ được thử việc 1 lần cho 1 công việc.
– Không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ.
2. Lương thử việc ít nhất bằng 85% lương chính thức
Đừng vui vẻ chấp nhận mức lương thử việc bằng 1 nửa lương chính dù cao đến đâu vì như vậy là xâm phạm quyền lợi của người lao động. Bạn phải nhớ rằng lương thử việc phải bằng ít nhất 85% lương chính thức.
Ví dụ: Nếu lương chính thức của bạn là 10 triệu thì lương thử việc ít nhất là 8.5 triệu.
3. Thời hạn 3 ngày trước khi kết thúc thử việc phải báo cho người lao động về kết quả thử việc
Điều 7 nghị định 05/2015/NĐ-CP nêu rõ trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc phải thông báo kết quả cho người lao động, nếu đạt yêu cầu phải ký kết hợp đồng lao động ngay, nếu không đạt yêu cầu có quyền chấm dứt hợp đồng thử việc.
Điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định 88/2015/NĐ-CP, khi kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động với người lao động, sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 02 -05 triệu đồng.
4. Lương chính thức không được thấp hơn lương tối thiểu vùng
Từ năm 2018, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP. Cụ thể, như sau:
– Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng.
– Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng.
– Vùng III: 3.090.000 đồng/tháng.
– Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng.
=> Trả lương thấp hơn mức này bị phạt tiền từ 20 – 75 triệu đồng.
5. Không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động
Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định, doanh nghiệp không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ. Nếu vi phạm thì bị phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng (Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP).
6. Tiền lương làm thêm giờ
Theo Bộ luật Lao động, NLĐ làm thêm giờ vào ngày thường được hưởng 150% lương; vào ngày nghỉ hằng tuần được hưởng 200%; vào ngày lễ, Tết được hưởng 400% lương (Điều 97, Điều 115 – Bộ luật Lao động năm 2012).
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm được trả lương: Ngày thường = 210%; ngày nghỉ hàng tuần = 270%; ngày lễ, Tết = 390%.
Doanh nghiệp trả lương làm thêm giờ thấp hơn quy định sẽ bị phạt tiền từ 05 – 50 triệu đồng.
7. Một năm người lao động có 10 ngày nghỉ lễ, Tết và 12 ngày phép
Những ngày này mặc dù không phải đi làm, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương.
8. Trả lương chậm trên 15 ngày phải trả thêm tiền theo lãi suất ngân hàng
Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ nguyên tắc trả lương cho người lao động phải bảo đảm: Trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn
Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được trả chậm quá 01 tháng.
9. Cấm người sử dụng lao động phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động
Bộ luật Lao động 2012 nhấn mạnh cấm dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
Nếu vi phạm bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng, đồng thời buộc trả lại tiền hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động.
10. Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút trong thời gian hành kinh bị phạt tiền đến 1 triệu đồng
Theo BLLĐ 2012, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong 01 tháng.
Ngoài ra, nếu không cho lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày hoặc không đảm bảo việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản thì cũng bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Theo WTT