Càng lớn, trẻ càng có nguy cơ phải đối mặt nhiều tình huống với mức độ nguy hiểm cao hơn như bị xâm hại, bị cướp giật, bị lạm dụng… Chính vì vậy, một trong những điều quan trọng nhất các bậc cha mẹ phải trang bị cho con đó là kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
1/ Ứng phó với người lạ
Nhận thức được những tình huống với người lạ và có cách ứng xử phù hợp là điều rất quan trọng liên quan đến sự an toàn của bé. Thế nên, mẹ cần liên tục cập nhật thông tin cho con, hướng dẫn bé cách bảo vệ bản thân trong thật nhiều hoàn cảnh khác nhau, thậm chí hãy cùng trẻ giả định các tình huống thường gặp và dạy trẻ cách ứng phó. Chẳng hạn:
– Khi mẹ đến đón trẻ không đúng giờ, cùng lúc đó lại có người lạ mặt hỏi trẻ muốn đi nhờ xe, hoặc ai đó quen biết nhờ trẻ làm những việc kỳ lạ, không rõ ràng thì trẻ cần làm gì?
– Nếu bị lạc trong một siêu thị, khi vui chơi hay một cửa hàng tìm ai đáng tin cậy để nhờ giúp đỡ?
– Người lạ cho kẹo, đồ chơi, tiền để nhờ trẻ làm một điều gì đó (chỉ đường, đi nhờ xe …) thì trẻ phải làm sao?
– Nếu bố mẹ không có nhà, có người lạ đến hỏi chuyện, trẻ cần ứng xử ra sao?
Trên thực tế, có rất nhiều tình huống sẽ xảy ra trong cuộc sống này, vì vậy, hằng ngày, theo quan sát thực tế xung quanh, bố mẹ sẽ có những chỉ dẫn phù hợp với trẻ.
Thế giới bên ngoài có khá nhiều mối nguy hiểm rình rập. Một trong những điều quan trọng nhất các bậc cha mẹ phải trang bị cho con đó là kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước người lạ mặt. Không như khi được chở che trong vòng tay gia đình, trẻ cần hiểu rõ người lạ có thể đi kèm với nguy cơ hiểm hoạ
2/ Tìm kiếm sự giúp đỡ phù hợp
Mẹ cần hướng dẫn, dặn dò con khi gặp trường hợp khó khăn, trẻ cần nhờ sự giúp đỡ từ những ai, như thế nào để bảo vệ bản thân? Hãy cho trẻ biết những nơi an toàn cho trẻ là nơi như: đồn cảnh sát, chú cảnh sát, cô chú bảo vệ, thầy cô giáo… và sau đó hãy gọi ngay cho người nhà. Tuỳ theo độ tuổi của trẻ mà dạy sự phưc tạp lên dần.
Nhưng tối thiểu trẻ cần biết những điều này:
– Thuộc tên, số điện thoại của bố mẹ. Cũng nên dạy cho bé số điện thoại của vài người thân trong gia đình và các số cấp cứu khẩn cấp khác phòng khi nguy cấp. Việc này sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi gặp một trường hợp nguy hiểm.
– Thuộc địa chỉ nhà, tên trường bé học.
– Chỉ cách cho trẻ và cho trẻ thực hành cách tự đến nhà một người thân nào đó ở gần nhà bố mẹ nhất trong trường hợp không có bố mẹ bên cạnh.
– Cho trẻ làm thân với ít nhất một người hàng xóm đáng tin cậy để có thể giúp đỡ trẻ trong tình huống không có ba mẹ ở bên.
Kỹ năng trẻ tự bảo vệ bản thân
Quan tâm giáo dục trẻ về kỹ năng bảo vệ bản thân là điều rất cần thiết mà cha mẹ không thể bỏ quên.
3/ Ứng phó với những tình huống bất ngờ
Những tình huống bất ngờ xảy ra khi trẻ chưa từng gặp trước đó. Chẳng hạn nếu lạc bố mẹ ở nơi đông người, hay bị hoả hoạn,.. trẻ cần được bố mẹ trang bị những kiến thức sau:
Không hoảng sợ, khóc lóc.
Bình tĩnh theo hướng dẫn của người lớn như chú công an, bác bảo vệ, thầy cô,…
Hướng dẫn trẻ cách bình tĩnh mô tả cụ thể trẻ bị đau ở đâu (nếu có) thay vì chỉ khóc lóc, la hét,..
Trẻ cần nhận biết được dấu hiệu của sự nguy hiểm để tự bảo vệ bản thân. Mỗi hiện tượng khi xảy ra đều có nguyên nhân. Vì thế, suy luận hợp lý sẽ giúp trẻ lường trước và tìm cách để giảm bớt hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, khi nghe tiếng động mạnh, cần xác định khoảng cách của nơi phát ra âm thanh và tiếng động đó là sự va chạm của cái gì. Nếu động đất thì sẽ có dấu hiệu lắc đều, các vật treo trên tường bị xê dịch và tiếng rơi vỡ. Nếu tiếng động do va chạm mạnh của các vật cứng sẽ có tiếng ầm ầm.
Nếu nghe tiếng “bùm” thì có thể là từ một chất gây nổ nào đó. Khi ngửi thấy mùi khói có nghĩa là cháy… Khi trẻ phân biệt được những đặc điểm khác biệt của những nguy cơ gây ra nguy hiểm, trẻ sẽ sáng suốt tìm cách vượt qua.
Khi biết nguy hiểm đang đến, trẻ sẽ có cảm giác hoảng hốt, lo sợ, tim đập mạnh, chân tay run lẩy bẩy, muốn khóc, hét to lên để giảm bớt căng thẳng, thậm chí quýnh lên và không biết phải làm gì. Cần tập cho trẻ biết quản lý, chế ngự cảm xúc tiêu cực đó.
4/ Thoải mái trao đổi, tâm sự với bố mẹ
Trẻ nhỏ rất nhạy cảm khi nói chuyện với cha mẹ và cảm nhận thái độ của những người xung quanh. Một trong những nguyên do có thể gây ra sự khó khăn trong quá trình giao tiếp giữa cha mẹ và con cái có thể xuất phát từ những hành động thái quá hoặc thể hiện lới nói bằng cử chỉ ra lệnh, yêu cầu hơn là chia sẻ.
Thậm chí, đa số các trẻ nhỏ khi gặp chuyện bất ngờ đều rất sợ bị la mắng. Điều này khiến trẻ tự thu mình lại, giấu giếm và tự cố găng giải quyết, dẫn đến nhiều hậu quả xấu không lường trước được. Không chỉ lo lắng đến việc tự bảo vệ bản thân của con, bạn cũng cần phải tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, không bị gò bó để chia sẻ và kêu gọi sự giúp đỡ.
Không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể dễ dàng tâm sự và trải lòng cùng con trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi trẻ nhỏ đều có những nét tính cách riêng khác biệt đôi khi khiến cha mẹ đau đầu trong việc tìm ra phương pháp để dẫn nhập vào thế giới riêng của bé.
Vì thế, bố mẹ cần tạo cho con một không gian cởi mở, gần gũi và thân thiện để trẻ có thể nói ra những điều đang cảm thấy bất an, lo lắng. Thái độ ứng xử của bố mẹ mỗi khi trẻ kể chuyện, chia sẻ cũng rất quan trọng.
Chia sẻ với trẻ không khó nhưng chính cách tiếp cận và hành động hằng ngày của bạn sẽ phần nào tạo cảm giác cho trẻ “muốn” hoặc “không muốn” tâm sự cùng bố mẹ. Vì thế, các bạn nên khéo léo chọn cách tiếp cận như thế nào để khiến bé cảm thấy tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ bất cứ điều gì trẻ nghĩ. Khi đã có được niềm tin và tâm trạng thoải mái, tư tin để trải lòng mình thì trẻ sẽ xem cha mẹ như những người bạn tri kỷ trong gia đình.